Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tạo đà cho doanh nghiệp phát triển
Cẩm Tú (VOV) - 31/01/2017 20:08
 
Để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, theo bà Trần Thị Hồng Minh, các cơ quan Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp và Đầu tư…
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Nhờ hàng loạt cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong năm 2016 đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100 doanh nghiệp, với số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng hơn 48% so cùng kỳ năm 2015.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng hơn 43%. Đây là những con số hết sức ấn tượng về sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam, cho thấy “sức sống” của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra. Đó cũng chính là động lực cho phát triển kinh tế trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Phóng viên có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xung quanh vấn đề này.

Năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có số doanh nghiệp đăng ký đạt mức kỷ lục 110.100 doanh nghiệp, đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Theo bà, đâu là động lực để có con số ấn tượng này?

Trong năm 2016, ngoài chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào các chính sách của Chính phủ cũng như vào thị trường còn 1 chỉ số nữa cũng thể hiện được yếu tố này đó là số vốn đưa vào thị trường trong năm 2016 cũng đạt mức kỷ lục so với năm 2015.

Số vốn đăng ký của doanh nghiệp đã tăng 48,1%. Con số này ngày càng có ý nghĩa hơn khi số vốn của doanh nghiệp hiện theo Luật Doanh nghiệp là số vốn thực góp chứ không phải vốn khống, vốn ảo như trước kia. Chính vì vậy, con số vốn của doanh nghiệp đưa vào thị trường như vậy cũng cho thấy doanh nghiệp ngày càng tin tưởng hơn vào thị trường và họ sẵn sàng bỏ tiền vào sản xuất kinh doanh.

Theo bà, năm 2017 để giữ vững tốc độ phát triển của doanh nghiệp, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần có những hành động như thế nào?

Năm 2016 là năm chúng ta đạt số lượng doanh nghiệp đạt mức kỷ lục là 110.000 doanh nghiệp.

Để giữ vững đà tăng trưởng này trong năm 2017, tôi cho rằng, về phía Chính phủ, các cơ quan Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường hoạt động cũng như rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt những giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết số 19 cũng như Nghị quyết số 35 của Chính phủ liên quan tới việc tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cũng như tạo các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hơn trong thời gian sắp tới, đặc biệt trong năm 2017.

Các chính sách của Chính phủ đang tạo đà cho sự phát triển doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Vậy theo bà, mục tiêu này có khả thi không và cần làm gì để có thể đạt được mục tiêu này?

Theo tôi, về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động cho tới năm 2020 là một con số thể hiện sự kì vọng của Chính phủ đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đòi hỏi sự nỗ lực của rất nhiều bộ ngành cũng như chính bản thân doanh nghiệp trong việc trụ vững và phát triển sản xuất kinh doanh cũng như phụ thuộc vào sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không những trong khâu gia nhập thị trường mà phải tạo điều kiện cho họ khi gia nhập thị trường sau đó mới  có thể hoạt động có lợi nhuận và trụ vững không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường thế giới.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 3,5 triệu hộ kinh doanh đã đăng ký thành lập và khoảng 2,5 triệu đang hoạt động. Với số hộ kinh doanh lớn thế này, trong thời gian sắp tới sẽ có các hoạt động hỗ trợ chính sách để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh này chuyển lên hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, chúng ta sẽ tạo ra những thuận lợi hơn để cho doanh nghiệp phát triển và từ đó là động lực để doanh nghiệp tự nguyện chuyển từ hình thức hộ kinh doanh sang hình thức kinh doanh dưới dạng doanh nghiệp. Với những yếu tố, tiền đề như vậy, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong năm 2020 hoàn toàn có khả năng khả thi.

Xin cảm ơn bà!.

Đăng ký kinh doanh qua mạng tăng cao
Từ ngày 1/1/2017, doanh nghiệp đăng ký trực tuyến được miễn hoàn toàn phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Số doanh nghiệp áp dụng hình thức đăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư