Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
“Táo khuyết” đã chín tại Việt Nam
Tú Ân - 20/05/2023 10:55
 
Việc Apple ra mắt cửa hàng trực tuyến tại thị trường Việt Nam ảnh hưởng như thế nào tới các nhà phân phối Việt Nam?

Việt Nam là thị trường mới nổi

Việt Nam đang là thị trường mới nổi của Apple với sức tiêu thụ “táo khuyết” tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, năm 2022, chỉ riêng nhập khẩu iPhone đã đạt kim ngạch 1,61 tỷ USD. Trước đó, năm 2021, doanh thu của Apple tại thị trường Việt Nam là 1,2 tỷ USD. Tại Việt Nam, nhiều năm liên tiếp, Apple thường chiếm thị phần số trong Top 3 Việt Nam, cùng với Samsung và Oppo.

Không những thế, Việt Nam còn là một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng và bán hàng của Apple. Công ty đã sản xuất iPad, Apple Watch, AirPods tại Việt Nam. Apple yêu cầu Foxconn sản xuất một số MacBook trong nước từ tháng 5/2023. Tháng trước, Quanta Computer, đối tác lắp ráp MacBook cho biết, sẽ xây dựng nhà máy trị giá 120 triệu USD tại Nam Định, làm dấy lên suy đoán sắp có MacBook “Made in Vietnam”. Đến nay, Apple cùng đối tác đã dịch chuyển 11 nhà máy sản xuất từ nước ngoài về Việt Nam.

Trong cuộc họp với cổ đông mới đây, CEO Apple, ông Tim Cook đánh giá: “Việt Nam là thị trường mới nổi và là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu của Apple”.

Đó có thể là tiền đề để Apple “nâng cấp” thị trường Việt Nam từ cấp 3 lên cấp 1. Và việc Apple “nâng cấp” thị trường Việt Nam có thể là một trong những động thái đó.

Bà Deirdre O’Brien, Phó chủ tịch Cấp cao mảng Bán lẻ của Apple bày tỏ, “vinh dự khi có cơ hội mở rộng tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào về việc mở rộng ở Việt Nam”.

Các cửa hàng trực tuyến thường là động thái "mở đường" cho việc mở các cửa hàng trực tiếp, như lộ trình Apple đã thực hiện ở nhiều quốc gia.

Chỉ là làm thương hiệu tại Việt Nam?

Đánh giá về động thái này của Apple tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng, đây không phải điều gì mới mẻ, mà là một bước đi bình thường của Apple khi họ tập trung vào một thị trường nào đó. Cụ thể, khi tập trung vào Việt Nam, Apple sẽ cần xây dựng thương hiệu và ông Tài nhận định, các cửa hàng của Apple sẽ mở ra chỉ với mục đích làm thương hiệu.

"Trải qua nhiều năm, Apple không hề có khái niệm quảng cáo trên tivi, hay trên Youtube. Giờ các bạn thấy rồi và đó là dấu hiệu tốt, cho thấy họ quan tâm đến thị trường này. Khi Apple tập trung vào thị trường nào, thì thị trường đó sẽ phát triển và điều đó sẽ tốt cho người tiêu dùng. Vậy khi họ tập trung thì họ làm gì? Họ phải có website cho tử tế, họ phải có cách để tiếp cận với khách hàng… Apple mở cửa hàng trực tuyến chỉ để làm thương hiệu. Tôi không tin một vài cửa hàng Apple có thể thay thế hơn 3.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động cộng với các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh, để phục vụ khách hàng ", ông Tài phân tích.

Ông Tài cũng cho rằng, chỉ một vài cửa hàng không thể phục vụ 90 triệu dân, mà thứ Apple cần là một chuỗi rất lớn. Ông không tin Apple sẽ bước chân vào việc vận hành chuỗi như cách Thế Giới Di Động đang làm, bởi đây là việc không đơn giản.

Về tác động của việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện Hệ thống CellphoneS nhận định, việc Hãng mở cửa hàng trực tuyến tại Việt nam vừa là kết quả của sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng chính hãng trong những năm gần đây và cũng là dấu hiệu cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ hơn, tập trung hơn cho thị trường Việt nam của Hãng. Điều này giúp cho người tiêu dùng Việt nam có cơ hội được tiếp cận và trải nghiệm những dịch vụ cao chuẩn mực quốc tế của Hãng. Về phía các đại lý bán lẻ, việc hãng đầu tư, tập trung hơn cho thị trường sẽ thúc đẩy việc bán hàng tốt hơn và có cơ hội được học hỏi, nâng cấp những trải nghiệm của khách hàng.

Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động của Hệ thống FPT Shop, cho biết, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng cho toàn thị trường. Người hưởng lợi cuối cùng là khách hàng Việt, khi có nhiều sự lựa chọn, ưu đãi mua sắm sản phẩm Apple. Việc mở cửa hàng trực tuyến tại thị trường trong nước là động thái tốt, cho thấy Apple đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. Động thái này cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.

Đại diện các chuỗi cửa hàng AAR khác như Di Động Việt, Minh Tuấn Mobile, ShopDunk… cũng nhận định, động thái của Apple sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Họ cho rằng, người dùng Việt vẫn có thói quen đến trực tiếp cửa hàng để mua sắm, trải nghiệm sản phẩm và nhận sự tư vấn trực tiếp từ nhân viên cửa hàng hơn là mua online. Nhiều khả năng Hãng làm hình ảnh là chính, giống như tại Singapore, Thái Lan… tại đây, họ cũng mở cửa hàng Apple Store, nhưng cũng không ảnh hưởng đến các Mono Store (hình thức đại lý cao nhất của Apple, như một cửa hàng Apple Store thu nhỏ) hay các chuỗi bán lẻ đang tồn tại.

Tuy nhiên, nếu như Apple mở cửa hàng trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến các nhà phân phối, bán lẻ của Việt Nam. Bởi đến nay, Apple là nhà sản xuất triển khai mảng bán lẻ thành công nhất trên thị trường với cách thức kinh doanh đặc thù sản phẩm xa xỉ. Do vậy, các nhà phân phối Việt Nam cần có sự đánh giá, tính toán để điều chỉnh chiến lược bán hàng phù hợp trong bối cạnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư