Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tạo lợi ích lớn hơn cho người có bảo hiểm y tế
Chí Tín - 22/04/2015 08:49
 
Bộ Tài chính và Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch thống nhất giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo sự bình đẳng trong việc cung ứng dịch vụ y tế, giúp người dân được hưởng lợi nhiều hơn khi tham gia bảo hiểm y tế.
Tác dụng của chủ trương tính đúng giá dịch vụ y tế sẽ có tác dụng khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Tác dụng của chủ trương tính đúng giá dịch vụ y tế sẽ có tác dụng khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Từ ngày 1/1/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế đã có hiệu lực. Để thực thi các quy định của Luật, Bộ Y tế đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, giá dịch vụ y tế không đơn thuần chỉ là giá để người dân chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh viện, mà quan trọng hơn là cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội thay mặt người dân thanh toán bảo hiểm y tế, đó là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia bảo hiểm y tế.

Hiện tại, quy định về giá dịch vụ y tế được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT năm 2012. Văn bản này mới chỉ tính đến 3 trong số 7 yếu tố trực tiếp cấu thành giá dịch vụ y tế, đó là thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản. Còn lại, 4 yếu tố nữa chưa được đưa vào giá gồm: tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Thậm chí, nhiều địa phương hiện cũng chưa tính hết 100% chi phí của 3 yếu tố trên, trung bình mới chỉ tính ở mức khoảng 60 - 80% của 3 yếu tố.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) nêu ra một ví dụ cụ thể là dịch vụ đẻ thường để so sánh. Hiện tại, nếu tính 3 yếu tố trên, dịch vụ đẻ thường có mức thu trung bình 525.000 đồng/ca đẻ (kể cả trường hợp tự chi trả), nhưng nếu tính đủ 7 yếu tố, thì giá sẽ phải ở mức 885.000 đồng/ca đẻ. Với trường hợp này, ngay cả người không tham gia bảo hiểm chi trả trực tiếp, thì Nhà nước vẫn phải bù giá tới 360.000 đồng.

“Bộ Y tế hiện đã đưa ra lộ trình cụ thể trong việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong khu vực công lập. Trong giai đoạn 2014 - 2015, giá dịch vụ y tế được tính đủ các chi phí trực tiếp, phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật. Ngoài ra, giá dịch vụ trong giai đoạn này cũng sẽ tính 30% lương đối với các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện quận thuộc Hà Nội, TP.HCM, 50% lương đối với các bệnh viện Trung ương”, ông Liên cho biết.

Tiếp đó, trong giai đoạn 2016 - 2017, giá dịch vụ sẽ được tính 100% tiền lương đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ường và 50% tiền lương đối với bệnh viện tuyến huyện. Từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ y tế công lập sẽ được tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương trong giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Đây không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế, mà bản chất là chuyển các khoản chi trước đây mà Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.

“Tác dụng của chủ trương tính đúng giá dịch vụ y tế sẽ có tác dụng khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân”, đại diện Bộ Y tế khẳng định.

Về các đối tượng cụ thể, chính sách mới về bảo hiểm y tế sẽ giúp một số đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn so với trước đây.

Đối với người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí (trước đây chỉ được thanh toán 95%); người cận nghèo khi đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế sẽ được bảo hiểm chi trả 95% (trước chỉ được thanh toán 80%). Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ tối thiểu 30% mệnh giá để người làm nông, lâm, diêm, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế, giảm mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư