Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thách thức lớn nhất của cải cách là nuôi dưỡng niềm tin
Khánh Linh - 03/09/2023 08:13
 
“Cải cách có thể sẽ có sai lầm, vấp váp, nhưng mọi người tin vào kết quả, tin vào việc có sai có sửa vì lợi ích của đất nước và người dân, niềm tin cải cách sẽ được nuôi dưỡng”, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh bày tỏ.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

Thưa ông, công cuộc cải cách của Việt Nam đã mang lại những chuyển biến, những thành tựu rất lớn cho đất nước. Nhưng chúng ta luôn mong muốn có thể đi nhanh hơn, để có thể đạt được khát vọng lớn hơn. Ông nghĩ thể nào về chặng đường cải cách tới đây của nền kinh tế?

Những thành tựu trong quá khứ, thành tựu của các thời kỳ đã qua để lại rất nhiều bài học, nhưng chắc chắn không đủ đảm bảo cho thành công cho việc thực hiện hiện khát vọng 2030 - 2045.

Lý do đơn giản, thế giới đang thay đổi, xu hướng lớn đan xen, vừa gắn với đòi hỏi phát triển, không chỉ thịnh vượng, tăng trưởng, mà còn xanh, hài hòa hóa xã hội - con người - thiên nhiên... Cùng với đó là những dịch chuyển về tiêu dùng, công nghệ, kỷ nguyên số… Có nhiều điều trong xu hướng chúng ta bước đầu nắm được, nhưng còn nhiều điều phải nghiên cứu, trải nghiệm qua thực thực tiễn.

Bối cảnh hiện tại đòi hỏi những thay đổi căn bản về quản trị, từ quản trị quốc gia đến quản trị tổ chức. Tất nhiên, cách quản trị truyền thống vẫn quan trọng, nhưng đòi hỏi thêm các yếu tố để đáp ứng yêu cầu mới.

Những bài học, nền tảng mà cải cách đã tạo ra cho đến thời điểm này là tốt, song chưa đủ, chưa đảm bảo cho thành công, nhất là thực hiện nhiều mục tiêu đầy tham vọng là trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…

Thách thức vô cùng lớn, thưa ông?

Thách thức rất lớn, nhưng cơ hội mới mở ra cũng rất lớn. Tuy nhiên, tôi muốn nói nhiều đến thách thức liên quan con người vào thời điểm này.

Trong công cuộc cải cách mạnh mẽ về thể chế, cách thức, phương thức quản trị, con người không đơn thuần cần nâng cao chất lượng, năng lực quản trị, mà phải đáp ứng đòi hỏi về cải cách giáo dục, đào tạo, biết thu hút, giữ chân, phát huy tài năng.

Cùng với vấn đề con người, công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các khung khổ pháp lý, xây dựng hệ thống an sinh xã hội mới cần gắn với xã hội già hóa hơn, tầng lớp trung lưu nhiều hơn, lớp trẻ năng động hơn; tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Riêng việc hoàn thiện khung khổ pháp lý - được coi là một cấu phần quan trọng của cải cách thể chế - cũng cần tiếp tục với một chương trình cải cách mới, phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế số.

Tất nhiên, cùng với đó là hoàn thiện các kế hoạch đã định để thị trường hoạt động hiệu quả, quản trị quốc gia hiệu quả hơn.

Đằng sau những điều trên, thách thức lớn nhất là tạo dựng, duy trì, giữ vững niềm tin đối với sự phát triển của đất nước. Nếu bàng quan, chỉ nhìn ngắn hạn, thì chắc chắn, công cuộc cải cách nền kinh tế sẽ không có được thành quả mong muốn.

Làm thế nào để tạo dựng, nuôi dưỡng niềm tin ấy, thưa ông?

Ở đây có bài học từ quá khứ. Trong giai đoạn đầu của đổi mới, cải cách, thách thức vô cùng lớn. Lúc đó, dù chúng ta chưa hiểu hết về kinh tế thị trường, nhưng đã chọn cải cách theo hướng thị trường, mở cửa từ bên trong đến mở cửa ra bên ngoài. Không chỉ chọn bước đi, mà thế hệ lãnh đạo đất nước đã chấp nhận rủi ro, dũng cảm thực hiện. Nếu không dám làm, nếu không trăn trở, bám sát thời cuộc, có thể những câu chuyện về giao khoán, gói cải cách năm 1989 sẽ không trở thành cơ chế, đường hướng chung sau này.

Giờ nhìn lại, không phải không có những sai lầm, vấp váp, nhưng mọi người tin vào kết quả, tin vào việc có sai có sửa, có vấp váp sẽ được tìm cách đứng dậy, tất cả đều vì lợi ích của đất nước và nhân dân là người thụ hưởng.

Đặt vào bối cảnh mới nhiều rủi ro, bất định hiện nay, chúng ta không thể đòi hỏi mọi luật lệ, quy trình hoàn thiện, đầy đủ, song cũng không dám chấp nhận rủi ro, có sai sót. Nên trong hằng hà sa số các quy định hiện tại, nhiều quy định không thể hiện bản chất của sự việc, được thiết kế với tâm lý quá lo sợ về các rủi ro có thể phát sinh, tác động phụ không mong muốn của các cơ chế, chính sách.

Nhưng cách quy định đó bảo đảm cơ quan thực thi đúng quy định!

CEO Nokia Stephen Elop đã từng có câu nói nổi tiếng sau khi Nokia buộc phải bán mảng kinh doanh máy tính bảng và điện thoại cho Microsoft vào năm 2014, khai tử thương hiệu Nokia lừng lẫy một thời, đó là “mặc dù chúng tôi đã không làm điều gì sai, nhưng theo cách nào đó, chúng tôi đã hoàn toàn thua cuộc”.

Có thể không sai quy trình, thủ tục, nhưng thất bại của Nokia đến từ không đủ bản lĩnh, không đủ sáng tạo, không đủ đổi mới, không đủ linh hoạt để bắt kịp xu hướng phát triển.

Có thể chính các quy định bảo đảm không sai quy trình như đã đề cập ở trên đang trói buộc, thậm chí triệt tiêu tinh thần phục vụ, động lực sáng tạo của cả đội ngũ công chức cũng như đối tượng thực thi.

Quan điểm của tôi là, niềm tin bắt đầu từ các nỗ lực cải cách, phục hồi kinh tế thông qua những chính sách phù hợp với cuộc sống, song hành với sự chuyển động theo hướng tích cực của bộ máy công vụ.

Khi các chuyển động có kết quả cụ thể, kích hoạt chuyển động của thị trường dù trong bối cảnh vô cùng khó khăn, niềm tin sẽ được nuôi dưỡng.

Bước đột phá về cải cách thể chế từ triển khai Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị
Các văn bản pháp luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng đã tạo ra những bước đột phá lớn, quan trọng trong các quy định về đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư