Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thận trọng với bài toán giảm nhân công
Việt Nga - 20/06/2013 10:04
 
Khi gặp khó khăn, hầu hết doanh nghiệp đều tính đến việc cắt giảm lao động để giảm chi phí. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Tạp chí Fortune (Mỹ) cho thấy,  giá cổ phiếu của những các công ty sa thải trên 10% lao động đã giảm mạnh, trong khi hoạt động của các công ty không sa thải nhân công lại cải thiện rõ rệt.
TIN LIÊN QUAN
Khi gặp khó khăn, việc cơ cấu lại lao động là cần thiết

Nghiên cứu này của Fortune (khảo sát 500 doanh nghiệp trong vòng 5 năm) cũng cho thấy, các công ty yếu kém không chỉ do đưa ra những chiến lược sai, mà còn do sử dụng con người sai. Việc sử dụng nguồn nhân lực sai làm mất lòng tin trong tập thể, đẩy doanh nghiệp vào thế kém đổi mới và làm những người còn trụ lại thất vọng.

Vậy làm thế nào để các nhà lãnh đạo công ty cắt giảm được chi phí và đảm bảo duy trì được một tập thể ưu tú hơn để có thể vượt qua những lúc khó khăn của công ty? Người đứng đầu công ty phải làm gì để đưa công ty mình đi vào nền nếp và giành được sự ủng hộ của những người khác?

Trong những lúc khó khăn, theo các chuyên gia, những công ty thành đạt nhất là các công ty tuân thủ và thực hiện quy trình 3 bước giám sát và hỗ trợ những người đảm đương cương vị lãnh đạo trong quá trình bất ổn của doanh nghiệp.

Bước thứ nhất là việc tìm hiểu và xác định các kỹ năng cần thiết và trình độ thực hiện các kỹ năng đó nhằm tạo ra sự thịnh vượng cho công ty trong những bước thay đổi.

Bước tiếp theo, phải xác định một cách có hệ thống và có mục tiêu xem ai là người xứng đáng nắm cương vị lãnh đạo công ty.

Bước cuối cùng, dựa trên cơ sở những tiêu chuẩn mới về kỹ năng để lựa chọn và ủng hộ những người lãnh đạo loại A, nâng cao nghiệp vụ cho những người loại B và đào tạo hoặc thải loại những người lãnh đạo loại C.

Để thay đổi lãnh đạo phải đánh giá chính xác nguồn nhân lực của công ty. Việc thẩm định công tác quản lý là việc đánh giá mang tính hệ thống, bao hàm các phẩm chất khác nhau và các mức độ hoạt động khác nhau của người quản trị.

Nhiều chuyên gia đánh giá cao kinh nghiệm của Siemens Medical Solutions (Đức). Giáo sư Erich Reinhardt, Giám đốc của Siemens Medical Solutions, đã để giới lãnh đạo của mình được “đánh giá từ bên ngoài” và coi đây là một phần của việc tiếp tục cải thiện công tác quản lý.

Ông còn cho rằng, hoạt động trong quá khứ là chỉ số tốt nhất cho hành vi trong tương lai, trong khi đánh giá về khả năng quản lý, mỗi nhà quản lý được đánh giá theo những đóng góp của người đó và những khả năng trong tương lai. Căn cứ vào các thông số, người quản lý sẽ được xếp hạng cụ thể theo các mức A, B hoặc C.

Được xếp loại A là những nhà quản lý đã có thành tích và có tiềm năng để tiếp tục phát huy. Loại B là những người có tiềm năng song chưa được thể hiện, hoặc những người làm việc tốt song chưa có cơ hội để phát huy hơn nữa. Cuối cùng, ở nhóm C là những người hoạt động kém và cần được bố trí lại.

Sau khi đã có được bảng xếp loại, cần thực hiện quy trình đánh giá quản lý nhằm tăng số lượng những nhà lãnh đạo loại A và giảm những người loại C.

Để vận dụng quy trình đánh giá quản lý có hiệu quả, bạn cần bắt đầu từ việc nhận biết những kỹ năng cần thiết để trụ vững trong bối cảnh bất ổn. Khi mối lo ngại tăng lên, thì các nhà quản lý và nhân công buộc phải chuyển từ thế đưa ra những quyết định tiên phong sang những quyết định đối phó với tình hình. Do vậy, trong những trường hợp cụ thể, thì những kỹ năng lãnh đạo không hẳn giống nhau.

Nghiên cứu của Egon Zehnder International đã phát hiện ra rằng, trong những lúc khó khăn, vấn đề được giới lãnh đạo đặt ra nhiều hơn không phải là việc thể hiện các kỹ năng, mà là chất lượng thực hiện các kỹ năng quản lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư