Chủ Nhật, Ngày 18 tháng 05 năm 2025,
Thép SMC muốn phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu để trả nợ
Phan Hằng - 18/05/2025 12:18
 
Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC kỳ vọng huy động được 730 tỷ đồng từ đợt phát hành riêng lẻ, dự kiến sử dụng để thanh toán nợ vay, nợ nhà cung cấp, cũng như bổ sung vốn lưu động.

Phương án này sẽ được trình cổ đông thông qua trong cuộc họp thường niên tổ chức ngày 22/05 tới tại nhà máy SMC Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các cổ phần phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Kết phiên giao dịch cuối tuần (ngày 16/5), cổ phiếu SMC đóng cửa trong sắc xanh 10.550 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng hơn 72% so với 9/4 (thời điểm thị trường chứng khoán lao dốc phản ứng trước thông tin thuế quan).

Trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cũng đặt cược vào SMC về việc đạt thỏa thuận trong việc thu hồi công nợ, sẽ giúp công ty ghi nhận lãi năm 2024 và qua đó không bị hủy niêm yết bắt buộc.

Theo quy định của HoSE, nếu doanh nghiệp báo lỗ 3 năm liên tiếp, cổ phiếu sẽ bị buộc phải rời sàn. SMC đã có 2 năm liên tiếp thua lỗ (2022 - 2023).

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2024 của SMC, vào ngày 20/12/2024, SMC và CTCP Novagroup và các công ty thành viên đã tiến hành ký kết bằng xác nhận công nợ và cam kết trả nợ. Tính đến thời điểm lập báo cáo này, Tập đoàn và Group Novaland đã ký kết một số hợp đồng mua bán tài sản và bản thỏa thuận nhằm đảm bảo phân vụ thanh toán đối với các khoản phải thu của Tập đoàn.

Các giao dịch này phát sinh sau ngày 31/12/2024 và được Ban Tổng giám đốc Tập đoàn xác định là sự kiện phát sinh sau thời điểm năm cuối kỳ cần thiết bổ sung và/hoặc các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính cần phải điều chỉnh trước khi lập báo cáo tài chính hợp nhất. Vì lẽ đó, Ban Tổng giám đốc đã rà soát, đánh giá khả năng thu hồi và điều chỉnh mức trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu liên quan tại ngày 31/12/2024.

Kết quả của thỏa thuận này đã giúp SMC giảm đáng kể khoản trích lập dự phòng xuống còn 351 tỷ đồng vào cuối năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức 553 tỷ đồng được ghi nhận hồi đầu năm. Đồng thời, giá trị có thể thu hồi từ các khoản nợ xấu cũng tăng mạnh từ 740 tỷ đồng lên 970 tỷ đồng, chủ yếu nhờ điều chỉnh ở các công ty liên quan đến Novagroup.

Nhờ vậy, SMC ghi nhận lãi hơn 29 tỷ đồng, thoát lỗ nhờ hoạt động hoàn nhập dự phòng và lợi nhuận khác, trong khi hoạt động cốt lõi vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.

Các kiểm toán viên từ Moore Aisc vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến khả năng hoạt động liên tục của SMC, do có lỗ lũy kế 140 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm hơn 500 tỷ đồng và nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn khoảng 600 tỷ đồng…

Báo cáo tài chính quý I/2025 của SMC cho thấy, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 1.850 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 42,7 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp chỉ 2,3% (giảm nhẹ so với con số 2,9% cùng kỳ). Trong kỳ, SMC ghi nhận doanh thu tài chính 5,7 tỷ đồng, giảm mạnh 98% so với quý 1/2024 do không còn ghi nhận việc bán cổ phiếu NKG.

Điểm tích cực là các chi phí đều giảm mạnh, đặc biệt chi phí tài chính trong kỳ cũng giảm mạnh 87%, ghi nhận ơn 20 tỷ đồng tuy nhiên do sụt giảm cả doanh thu và biên gộp đã khiến SMC lỗ thuần hơn 16 tỷ đồng. Nhờ cứu cánh của lợi nhuận khác 16,6 tỷ đồng đã giúp SMC ghi nhận lãi vỏn vẹn 2 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/3/2025, nợ ngắn hạn của SMC vẫn đang cao hơn tài sản ngắn hạn 860 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư