Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thị trường chứng khoán và biến số giá dầu
Tùng Linh - 21/02/2022 10:10
 
Lần đầu tiên sau 6 năm rưỡi, dầu Brent vượt mốc 96 USD/thùng. Giá dầu đang là một trong những tâm điểm được chú ý trên thị trường quốc tế nhất là khi lạm phát thế giới ở mức cao.
.
Nếu khả năng Mỹ ban lệnh trừng phạt thành hiện thực, bộ phận phân tích của Chứng khoán BIDV cho rằng nhiều khả năng giá dầu sẽ duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng

Giá dầu neo cao trước sự phục hồi nhu cầu và căng thẳng địa chính trị

Liên tục từ đầu tháng 12/2021, xu hướng tăng của giá dầu được duy trì khá vững chắc. Dầu Brent khai thác từ các mỏ ở Biển Bắc đã có thời điểm tăng lên 96,4 USD/thùng vào đầu tuần trước. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 9/2014. Tương tự, dầu WTI cũng có thời điểm vọt lên vượt 95 USD/thùng. Dù đã điều chỉnh lại sau đó, giá dầu vẫn đang neo ở mức cao.

Đến cuối tuần trước, giá dầu Brent đang ở quanh mức 93 USD/thùng, hồi phục khá rõ nét và tăng gấp 3 lần so với điểm đáy năm 2020. Nhận định trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng xu hướng hồi phục này cũng diễn ra khá tương tự như các đợt điều chỉnh mạnh trước khi kinh tế hồi phục kéo theo nhu sử dụng dầu thô và từ đó, củng cố đà tăng giá dầu. Tuy nhiên, khác với các đợt tăng điểm trước, mức độ hồi phục của giá dầu cũng đã đạt mức cao nhất trong lịch sử.

“Các đợt điều chỉnh khác đều có mức hồi phục từ 130% trở xuống sau 2 năm từ vùng đáy. Hiện tượng này cũng cho thấy nhịp hồi phục của giá dầu cũng đang đạt mức đỉnh điểm vào thời điểm đầu năm 2022”, báo cáo của BSC nhận định. Đồng thời, công ty chứng khoán này cho rằng xu hướng tăng giá hiện tại của giá dầu đang được ủng hộ bởi dự báo nhu cầu giá dầu gia tăng theo đà hồi phục kinh tế thế giới.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng thế giới ở mức khá tích cực nhưng nhiều khả năng sẽ không có tác động mạnh lên tình trạng giá dầu thế giới vào năm sau khi cả nguồn cung và nguồn cầu đều đã hồi phục trở về vùng cao điểm của giai đoạn trước COVID-19. Theo BSC, các tổ chức thế giới ủng hộ nhận định xu hướng giao dịch giá dầu có thể không tăng mạnh và thậm chí suy giảm, khi mức trung bình dự báo giá dầu đang được dự đoán ở mức từ 76,2-81,3 USD/thùng.

Tuy vậy, cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraine là một ẩn số có thể lan toả tác động đến diễn biến giá dầu. Đây vẫn sẽ là tâm điểm chú ý của thế giới tuần này, với tình hình trên bộ ngày càng trở nên bất ổn hơn theo giờ. Một phe ly khai ở Donbas đã tuyên bố huy động quân sự toàn diện vào thứ Bảy, sau khi ra lệnh sơ tán dân thường sang Nga một ngày trước đó. Cũng trong tuần này, nỗ lực ngoại giao sẽ được thúc đẩy khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến có cuộc gặp trực tiếp vào ngày 24/2 tới nhằm giải quyết xung đột.

Cổ phiếu ngành dầu khí có hưởng lợi?

Trong một phát biểu mới đây nêu lý do chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga vì khủng hoảng tại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết mục đích của các biện pháp trừng phạt là cố gắng ngăn Nga động binh, nhưng ngay khi kích hoạt, thế răn đe đó sẽ biến mất.  Các quan chức Mỹ cũng cho rằng việc trừng phạt chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin trước khi Nga xâm lược quốc gia láng giềng sẽ chỉ khiến khủng hoảng bùng phát ngay lập tức.

Với khả năng Mỹ ban lệnh trừng phạt thành hiện thực, bộ phận phân tích của Chứng khoán BIDV cho rằng nhiều khả năng giá dầu sẽ duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng. Trước đó, lên kịch bản giá dầu năm 2022, BSC dự đoán giá dầu trung bình cả năm 2022 ở vùng giá 80 USD/ thùng, tương ứng dự báo lạm phát có thể tăng tới 4,5% . Còn với trường hợp giá dầu tăng cao trên ngưỡng 100 USD/thùng, BSC nâng dự báo lạm phát thêm 0,6 điểm phần trăm.

“Trong trường hợp này, tác động của lạm phát tăng cao có thể gây áp lực lên việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022”, chuyên gia phân tích của Chứng khoán BIDV nhận định.

Thực tế, lạm phát là nỗi lo của các nhà hoạch định chính sách, các NHTW và các chính phủ đương nhiệm trên toàn cầu. Chỉ số giá tiêu dùng tại Anh trong tháng 1 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,4% vào tháng 12 và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 0,7% của tháng 1/2021. Lạm phát tại Anh đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/1992. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh khoảng 7% vào tháng 4, khi cơ quan quản lý năng lượng Ofgem tăng giá trần năng lượng. Còn tại biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố tuần trước, các quan chức nhất trí nên sớm nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát ngày càng tang với đa số nhận định nhịp độ tăng lãi suất có thể nhanh hơn chu kỳ trước, đồng thời, bàn đến chuyện cắt giảm quy mô bản cân đối kế toán. Các thông tin này đang được thị trường xem như việc xác nhận Fed sẽ nâng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 tới.

Dù một mặt tác động đến lạm phát và làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, theo nhận định của BSC, xu hướng tăng và neo cao của giá dầu cũng sẽ khiến dòng tiền đầu tư tìm đến các cổ phiếu ngành dầu khí.

Ngoài ra, tại báo cáo triển vọng ngành năm 2022, đánh giá về ảnh hưởng của yếu tố vĩ mô giá dầu đến các nhóm ngành, bộ phận phân tích của BSC nhận định giá dầu tăng sẽ có tác động tích cực lẫn tiêu cực đến nhóm dầu khí, tác động tích cực đến ngành cao su nhưng sẽ tiêu cực với các lĩnh vực giá dầu tác động đến yếu tố đầu vào như vận tải biển, điện, nhựa, săm lốp, phân bón…, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán sản phẩm khi giá đầu vào tăng cao.

Đánh giá triển vọng ngành dầu khí, Chứng khoán BIDV nhận định câu chuyện của năm 2022 còn đến từ kỳ vọng dự án Ô Môn sẽ được khởi công trong giai đoạn cuối năm. Đây được xem là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam. Theo phân tích của Chứng khoán BIDV, đối với nhóm doanh nghiệp thượng nguồn, điểm hòa vốn trung bình của các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi của khu vực hiện nay vào khoảng 50 USD/thùng. Với mức giá cao hiện nay, công ty chứng khoán này kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ sôi động trở lại trong năm 2022, và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như PVS và PVD dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn.

Đối với nhóm trung nguồn, nhu cầu vận tải dầu năm 2022 dự kiến sẽ gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa. PVTrans (PVT) hiện chiếm toàn bộ thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước, còn PVGAS (GAS) đang đầu tư vào các dự án LNG Thị Vải GĐ 2 và LNG Sơn Mỹ GĐ 1 nhiều tiềm năng trong thời gian tới. Đối với nhóm công ty hạ nguồn phân phối xăng dầu như Petrolimex hay PV Oil, nhu cầu tiêu thụ điện, xăng dầu và gas cũng được dự báo sẽ gia tăng trở lại khi kinh tế hồi phục.
Giá dầu neo sát đỉnh 7 năm trước
Giá dầu không rung lắc mạnh trong ngày giao dịch đầu tuần 14/2 sau khi đạt mức cao nhất của 7 năm trước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư