Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thị trường mỹ phẩm: Tấp nập người đến sau
Thế Hải - 09/04/2013 06:28
 
Mỹ phẩm Avon (Mỹ) đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, hàng loạt “đại gia” khác, như Swissline, Nu Skin, Roger & Gallet... lại cấp tập thâm nhập thị trường này.
TIN LIÊN QUAN

Người cũ rút lui

Avon chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam năm 2004, hoạt động theo phương thức bán hàng trực tiếp, với 2 chi nhánh ở TP.HCM và Hà Nội, mạng lưới bán hàng tại 27 tỉnh, thành phố, với 43.000 thành viên. Công ty này đã mở một nhà máy tại Bình Dương, với vốn đầu tư 3 triệu USD.

files/2013/04/09/thi-truong-my-pham-tap-nap-nguoi-den-sau-1.jpg

Như vậy, sau gần 10 năm vào Việt Nam, hãng mỹ phẩm với hơn 100 năm tuổi đã quyết định rời khỏi thị trường này để tập trung đầu tư kinh doanh tại các thị trường mục tiêu khác.

Việc “ông lớn” trong ngành mỹ phẩm với tuổi đời lên tới cả trăm năm như Avon rút lui khỏi Việt Nam cho thấy, dù mỹ phẩm là ngành kinh doanh tiềm năng, với tốc độ tăng trưởng khá, nhưng không phải “đại gia” nào cũng hoạt động ổn định, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay.

Cơ hội cho người đến sau

Theo nhận định của ông Johan De Geer, Tổng giám đốc Oriflame Việt Nam, việc rút lui khỏi thị trường Việt Nam của Avon mở ra cơ hội cho những thương hiệu mỹ phẩm khác chen chân vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Quý, một nhà phân phối của Hãng mỹ phẩm Nu Skin (Hoa Kỳ) lại cho rằng, không cần chờ đến khi Avon rút lui, mà từ trước đó, không ít nhãn hàng khác đã tỏ ý muốn vào thị trường Việt Nam và chấp nhận cạnh tranh.

Cụ thể, ngày 1/3/2013, Nu Skin Enterprises, Inc (Hoa Kỳ) đã chính thức công bố sự hiện diện của mình tại Việt Nam, thị trường thứ 53 trên thế giới của Công ty. Thực tế, từ tháng 8/2012, Nu Skin đã làm lễ ra mắt tại Việt Nam để chuẩn bị cho việc thâm nhập này và sau 7 tháng xuất hiện, Nu Skin đã có được hơn 20.000 nhà phân phối với doanh số bán hàng đạt mức ngoài mong đợi.

Trước đó, thương hiệu mỹ phẩm Swissline (Thụy Điển) cũng đã đến Việt Nam và hiện đang triển khai các kế hoạch kinh doanh rầm rộ.

Nhận định Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng nhanh và giàu tiềm năng trong những năm tới, một số hãng mỹ phẩm nước ngoài khác cũng đang có ý định nhảy vào thị trường này. Trong đó, Hãng mỹ phẩm Roger & Gallet (Pháp) đang lên kế hoạch ra mắt chính thức tại thị trường Việt Nam.

Với sự đổ bộ của các hãng mỹ phẩm nước ngoài, người tiêu dùng trong nước có thêm cơ hội để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh khá đa dạng hiện nay, từ kinh doanh trực tiếp, qua kênh phân phối và bán hàng qua mạng, người tiêu dùng cần có thông tin và kiến thức cần thiết để lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng, tránh mua phải hàng giả.

Một thông tin đáng ngại là, theo xác nhận của các hãng mỹ phẩm có tiếng như Lancôme, Maybelline, L’Oréal Paris, Shiseido..., hàng mỹ phẩm bán trên mạng mang nhãn hiệu của họ hiện nay đều là hàng giả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư