Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Thị trường Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp hải sản Na Uy
Nhung Bùi - 10/11/2023 15:05
 
Trong năm 2022, Việt Nam là thị trường nhập khẩu hải sản Na Uy đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan.
TIN LIÊN QUAN

Thông tin này được tiến sĩ Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á - Hội đồng Thủy sản Na Uy, chia sẻ tại sự kiện “Học viện cá hồi Na Uy”, trong khuôn khổ triễn lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm - Đồ uống và Thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống (Vietfood & Beverage – Propack Vietnam 2023) tổ chức tại Hà Nội.

Đây cũng là lần đầu tiên, 8 nhà sản xuất và xuất khẩu hải sản hàng đầu của Na Uy (bao gồm Salmar, Seaborn, Leroy, Coast, Cape Fish, Hofseth, Pure Na Uy Seafood và Star Seafood) đến Việt Nam để tham dự trực tiếp vào các hoạt động của Hội đồng Hải sản Na Uy, nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác với các đối tác tiềm năng tại thị trường Việt Nam.

Với tư cách là Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Thủy sản Na Uy trong những năm qua, ông Asbjørn cho biết ông đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về tiêu dùng hải sản nội địa tại thị trường Việt Nam. Xu hướng gia tăng này cho thấy người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng lớn đối với hải sản Na Uy cũng như nhận thức ngày càng cao về các giá trị mà ngành hải sản Na Uy đại diện.

“Nền tảng của ngành hải sản Na Uy là cam kết phát triển có trách nhiệm và duy trì sự cân bằng tự nhiên trong môi trường của chúng ta. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam nguồn hải sản chất lượng cao và đáng tin cậy mà còn thúc đẩy sự hợp tác trong việc bảo vệ hệ sinh thái sinh thái biển, góp phần đảm bảo sự bền vững lâu dài của ngành hải sản”, đại diện Hội đồng Thủy sản Na Uy khẳng định.

Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 9/2023, Na Uy đã xuất khẩu 8.988 tấn hải sản sang Việt Nam để thu về 23,7 triệu USD, tăng trưởng 16% về sản lượng và 28% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, Việt Nam là nước nhập khẩu hải sản Na Uy đứng thứ 2 tại thị trường Đông Nam Á, với tổng sản lượng 55.000 tấn.

“Do đó, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu hải sản Na Uy, luôn giữ vững vị thế là nước nhập khẩu hải sản Na Uy hàng đầu tại Đông Nam Á. Trong thời gian tới, Hội đồng Hải sản Na Uy cam kết hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời duy trì sự đảm bảo rằng hải sản Na Uy có mặt tại Việt Nam luôn có được nguồn gốc và chất lượng đẳng cấp thế giới”, ông Asbjørn nhấn mạnh.

Về vấn đề xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang Na Uy, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, ông Asbjørn cho biết Na Uy ghi nhận nhu cầu gia tăng với dòng tôm nước ấm đến từ Việt Nam, Thái Lan hay Ấn Độ. Na Uy không áp thuế lên hải sản nhập khẩu nên đây là cơ hội để ngành hải sản Việt Nam tăng cường quảng bá cũng như triển khai các hoạt động khuyến mại, bán hàng.

Đại diện Hội đồng Thủy sản Na Uy nói rằng người tiêu dùng Na Uy mong muốn những sản phẩm được sản xuất theo hướng bền vững và có thể truy suất nguồn gốc. Điều này đòi hỏi Việt Nam xây dựng ngành hải sản theo hướng minh bạch và bền vững, đầu tư nhiều hơn vào công nghệ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Na Uy là một thị trường nhỏ với 5 triệu dân, nên có thể có nhiều thị trường hấp dẫn hơn Na Uy với hải sản Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư