Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thiếu giáo viên - bài toán lớn của ngành giáo dục trong năm 2024
D.Ngân - 13/02/2024 11:22
 
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học với chín khối lớp gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11.

Năm 2024 được xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, bởi là năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với ba khối lớp cuối cùng của hệ thống giáo dục phổ thông gồm: 5, 9 và 12.

Thiếu giáo viên là áp lực lớn của ngành Giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học với chín khối lớp gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11.

Năm 2024 được xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, bởi là năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với ba khối lớp cuối cùng gồm: 5, 9 và 12.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành đang vừa rút kinh nghiệm, vừa tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với các lớp đã triển khai, đồng thời tích cực chuẩn bị điều kiện triển khai ở ba khối lớp cuối cùng từ năm học 2024-2025.

Đây cũng là ba khối lớp cuối cấp ở ba cấp học, vì vậy việc chuẩn bị cần được thực hiện chu đáo, toàn diện và nghiêm túc, tạo nền tảng để để việc dạy, học được thực hiện chất lượng.

Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trong năm, trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Đầu tiên là tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Theo đó, năm 2024 là năm ngành giáo dục thực hiện trọn lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12, là năm đầu tiên tổ chức hiệu quả phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ, hoàn thành dứt điểm các văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chưa hoàn thành trong năm 2023.

Đặc biệt, trong năm 2024 này, Bộ sẽ tập trung triển khai xây dựng Luật Nhà giáo bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi và Nghị quyết về đổi mới Chương trình Giáo dục mầm non; trình Chính phủ ban hành Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại các địa bàn khu công nghiệp.

Thiếu giáo viên đang là vấn đề lớn của ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm 2024 sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học.

Bộ cũng rà soát, hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để từng bước khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên, nhất là đối với môn học mới, môn học tích hợp; phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện dự thảo và dự kiến năm 2024 sẽ triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học tập trung xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngành cũng tăng cường kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo.

Cùng với thiếu giáo viên, cơ sở vật chất cũng là một thách thức của ngành trong thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất, nhất là nhiệm vụ được giao trong các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ cũng đề xuất Chương trình đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và mua sắm, sửa chữa trang thiết bị dạy học tối thiểu và Chương trình đầu tư phát triển giáo dục đại học để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; chỉ đạo, hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.

Ngành giáo dục xác định tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động hợp tác với các nước có nền giáo dục tiên tiến để trao đổi kinh nghiệm, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh việc thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đồng thời triển khai hiệu quả các đề án, chương trình học bổng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường Chuyển đổi Số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số dùng chung toàn ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cùng với các nhiệm vụ trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng pháp luật và thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong giáo dục và đào tạo.

Cả nước hiện còn thiếu gần 128.000 giáo viên, dự kiến con số này còn tiếp tục tăng bởi số lượng học sinh ở các địa phương cũng ngày càng tăng.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Theo kế hoạch, đến ngày 1/7/2024, lương giáo viên tiếp tục tăng sau cải cách tiền lương.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên diện rộng
Báo cáo về kết quả, tồn tại hạn chế và giải pháp triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ Giáo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư