Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên diện rộng
D.Ngân - 04/01/2023 11:17
 
Báo cáo về kết quả, tồn tại hạn chế và giải pháp triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai cũng còn hạn chế.

Theo đó, ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và chương trình các môn ngoại ngữ 1 ngoài tiếng Anh chậm so với các môn học khác. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS, THPT, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới.

Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Sách giáo khoa được biên soạn còn có một số nội dung chưa phù hợp với đối tượng học sinh hoặc chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh.

Ảnh minh hoạ

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội và ban hành theo thẩm quyền chính sách nhằm quan tâm tới tính đặc thù của công chức. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành Giáo dục, bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương. Bộ này cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành chế độ đặc thù phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, ngành Giáo dục được giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Tuy vậy, theo quy định, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế. Điều này, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn là một nghịch lý. Bởi, dù được giao biên chế nhưng nhiều địa phương không dám tuyển, vì “nhỡ tuyển rồi phải giảm biên chế thì trừ vào ai ?”.

Như thế, vấn đề cần bàn ở đây là, tuyển dụng và tinh giản biên chế, việc nào cần được ưu tiên thực hiện trước? Điều này, liên Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT nên cùng ngồi lại bàn bạc tính toán và thống nhất rõ ràng.Có lẽ, việc tinh giản biên chế giáo viên theo kiểu cơ học, cào bằng nhất thiết phải được xem xét lại một cách thấu đáo. 

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc bảo đảm lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định. Với tinh thần có học sinh, có lớp học phải có đủ giáo viên. Cân nhắc thêm việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục. Đề xuất này của đại biểu tỉnh An Giang là hoàn toàn hợp tình hợp lý.

Bởi lẽ, việc tăng mức lương cơ sở cũng chỉ là giải pháp tạm thời, lương tăng một thì giá cả cũng tăng theo 2-3 lần. Nên chăng, Nhà nước cần thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, lương giáo viên ở bậc cao nhất, thì mới phần nào giải được bài toán thiếu giáo viên. Bởi, khi thực hiện cải cách tiền lương thì thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được bổ sung tiền thưởng - quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm. Thu nhập tốt hơn sẽ tuyển dụng được biên chế giáo viên dễ dàng hơn.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Thiếu cả giáo viên lẫn đồ dùng dạy học
Ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 được 4 năm, song theo phản ánh từ nhiều cơ sở giáo dục,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư