Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thu hút đầu tư vào Hậu Giang nhiều khởi sắc
Hữu Phúc - 18/12/2018 08:59
 
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư. Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về nội dung này.
TIN LIÊN QUAN

Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư của tỉnh Hậu Giang từ khi thành lập đến nay nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Tỉnh Hậu Giang được thành lập ngày 1/1/2004 trên cơ sở chia tách từ tỉnh Cần Thơ trước đây. Trong 15 năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác vận động xúc tiến đầu tư, tỉnh Hậu Giang đã đạt được thành tựu quan trọng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

.
.

Tính đến nay, tỉnh đã thu hút được 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn trên 485 triệu USD. Trong đó, có 15 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 314 triệu USD và 14 doanh nghiệp liên doanh với tổng vốn đăng ký 171 triệu USD.

Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 87,79% vốn đăng ký. Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Hồng Kông, Australia, Canada, Đài Loan, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản... Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) đang dẫn đầu về vốn FDI vào tỉnh với 4 dự án có tổng vốn đăng ký trên 281 triệu USD.

Về thu hút đầu tư trong nước, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 493 dự án đầu tư với tổng vốn 123.860,24 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có chuyển biến tích cực. Tính đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 4.981 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 46.803,389 tỷ đồng.

Có thể nói, kết quả thu hút đầu tư vào Hậu Giang gần đây thật sự khởi sắc khi có nhiều dự án lớn triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động. Điển hình là Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Minh Phú đầu tư Nhà máy Sản xuất, xuất khẩu tôm; Công ty cổ phần Nước Aquaone đầu tư Dự án Nhà máy Cấp nước sạch công suất 800.000 - 1.000.000 m3/ngày đêm; Tập đoàn Masan đầu tư Nhà máy Sản xuất bia Sư tử trắng; Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm Thương mại Vincom TP. Vị Thanh; Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh sản xuất, xuất khẩu nước ép mãng cầu tại Phụng Hiệp; Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 công suất 5.200 MW dự kiến vận hành thử trong năm 2019...

Ngoài ra, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Đất Xanh, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ cũng đang thực hiện các thủ tục theo quy định để xin đầu tư các dự án nông nghiệp hữu cơ, đô thị mới trên địa bàn tỉnh...

Theo ông, vì sao thu hút đầu tư vào Hậu Giang khởi sắc trong điều kiện tỉnh mới thành lập, hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn không ít khó khăn?

Trong những năm qua, số dự án đầu tư vào Hậu Giang ngày càng nhiều, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Đó là kết quả từ những nỗ lực của địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện nay, thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh và đầu tư tại Hậu Giang đã được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Cụ thể, thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn trung bình 1,5 ngày (quy định là 3 ngày); thời gian thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là 0,5 ngày; thời gian cấp chủ trương đầu tư giảm xuống chỉ còn trung bình 15 ngày (quy định là 32 ngày); thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư giảm xuống chỉ còn trung bình 2 ngày (quy định là 5 ngày).

Bên cạnh đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất và trong trường hợp chuyển nhượng, chuyển mục đích quyền sử dụng đất cũng giảm so với quy định. Thời gian cấp giấy phép trong lĩnh vực công thương (cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu…) trung bình là 3 ngày (quy định là 15 ngày).

Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang đã ứng dụng công nghệ thông tin trong một cửa, một cửa liên thông và cấp phép qua mạng ở cấp độ 2, 3, 4 đối với một số lĩnh vực như đăng ký doanh nghiệp, xây dựng, đất đai…

Không chỉ cải cách thủ tục hành chính, Hậu Giang còn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi cơ chế, chính sách ưu đãi mà tỉnh đang áp dụng cho nhà đầu tư. Tỉnh có 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, khi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Hậu Giang sẽ được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước... theo quy định.

Ngoài ra, Hậu Giang sẽ áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc: nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.

Hiện tại, tỉnh đang xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ.

Nếu nhà đầu tư đến Hậu Giang đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (nông nghiệp, công nghệ cao…) sẽ hưởng thêm một số chính sách được Chính phủ quy định như miễn 100% tiền thuê đất, miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất…

Các lĩnh vực, dự án nào tỉnh Hậu Giang đang tập trung kêu gọi đầu tư, thưa ông?

Nhằm tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, ngày 11/10/2018, UBND tỉnh Hậu Giang đã

ban hành Danh mục Dự án kêu gọi đầu tư với 6 dự án lớn thí điểm ưu tiên rút ngắn trình tự thủ tục đầu tư (thời gian ban hành Quyết định chủ trương đầu tư trong 7 ngày kể từ khi nhà đầu tư nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định).

Ngoài 6 dự án lớn trong danh mục nêu trên, UBND tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; lĩnh vực du lịch sinh thái (Chợ nổi Ngã Bảy, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Trung tâm Nông nghiệp Mùa xuân...).

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương rà soát, tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh tiếp tục ban hành danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đề ra những giải pháp gì để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, thưa ông?

Trên cơ sở những kết quả đạt được qua 15 năm hình thành và phát triển, thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến với Hậu Giang.

Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để kêu gọi đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh thông thoáng và có tính liên kết cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn lao động có tay nghề cho doanh nghiệp (đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu doanh nghiệp); phát triển nhân lực chuyên môn cao...

Đặc biệt, Hậu Giang thực hiện công khai, minh bạch trình tự, quy trình thủ tục đầu tư, kinh doanh tại Bộ phận Một cửa, trên cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang, trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan; tăng cường, chỉ đạo kịp thời công tác cải cách thủ tục hành chính, từng bước giảm hồ sơ trong thủ tục đầu tư nói chung...

Tỉnh Hậu Giang hiện có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung, trong đó Khu công nghiệp Sông Hậu đã lấp đầy 100%, các khu cụm công nghiệp đều có các nhà máy đi vào hoạt động.

Riêng tại các khu cụm do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang quản lý có tổng số 45 nhà đầu tư, thực hiện 50 dự án, giải quyết việc làm cho 23.000 lao động.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư