Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thủ tướng Chính phủ: Quy hoạch tổng thể quốc gia đúc kết trong 12 chữ Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới
Như Trung - 20/04/2023 10:26
 
Tại Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào 10 nhiệm vụ chính.
Sáng 20/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

12 chữ “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”

Ngay trong phần đầu bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc đến ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII rằng, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Việc Quy hoạch Tổng thể Quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị.

Quy hoạch Tổng thể Quốc gia là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển KTXH nhanh, bao trùm và bền vững.

Hay nói cách khác Quy hoạch Tổng thể Quốc gia là căn cứ để lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng và Quy hoạch các địa phương; đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân, phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội và Kế hoạch thực hiện QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ ban hành, triển khai.

10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào 10 nhiệm vụ chính để cụ thể hóa quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

"Có cụ thể hóa được thì mới có cơ sở khoa học, thực tiễn để xây dựng các dự án, bố trí, thu hút nguồn lực để thực hiện thắng lợi quy hoạch, mới mang lại sự phát triển bao trùm, phát triển nền kinh tế tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng", Thủ tướng nói.

Thứ nhất, phải quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của QHTTQG vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực Quy hoạch Tổng thể Quốc gia của Chính phủ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan.

Thứ hai, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch Tổng thể Quốc gia , nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án theo Nghị quyết số 81/2023/QH15…

Thứ ba, về cơ chế, chính sách, Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng, các công trình hạ tầng kết nối giữa các trung tâm phát triển của địa phương với hệ thống hạ tầng quốc gia.

"Nguồn lực có ít, nên cần đầu tư trọng điểm, trọng tâm, không thể để lãng phí", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên; cơ chế, chính sách ưu đãi, đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...

Thứ tư, về thu hút đầu tư phát triển

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và hiệu quả. Hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường bất động sản, huy động nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đổi mới mạnh mẽ chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài và chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực... và bố trí không gian phát triển để thu hút nguồn lực, tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài phục vụ cho các mục tiêu phát triển.

Huy động vốn vay nước ngoài với lãi suất ưu đãi, phù hợp để ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như hạ tầng giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, nhằm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, nâng cao chất lượng môi trường, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Thu hút các doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào các vùng động lực, hình thành những cụm liên kết ngành, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước.

Thứ năm, về phát triển nguồn nhân lực

Tập trung phát triển nguồn nhân lực bền vững, bảo đảm cân đối tổng thể, hài hòa với định hướng phân bố dân cư. Xây dựng chính sách, giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thu hút và sử dụng hiệu quả trí tuệ, nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ khoa học kỹ thuật làm việc lâu dài tại các vùng khó khăn và phát triển nguồn nhân lực tại các vùng khó khăn...

Thứ sáu, chăm lo công tác an sinh xã hội. Từng bước phát triển khu vực khó khăn thông qua xây dựng hạ tầng kết nối khu vực khó khăn với các hành lang kinh tế, kết nối các khu vực biên giới khó khăn với phát triển các khu kinh tế..

Thứ bảy, về khoa học, công nghệ và môi trường. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và nguồn nhân lực của Việt Nam…

Thứ tám, về nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch. Tiếp tục cơ cấu lại NSNN, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển theo hướng tăng dần cho chi đầu tư phát triển và giảm dần chi thường xuyên một cách hợp lý. Cơ cấu lại chi đầu tư công theo hướng trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.

Đẩy nhanh thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ, thực hiện giao, khoán, cho thuê DNNN, tạo dư địa cho huy động nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển KTXH.

Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải.

Thứ chín, đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Thứ mười, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Với tư duy mới, tầm nhìn mới để tìm kiếm không gian, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị mới khi triển khai Nghị quyết số 81 của Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Chính phủ, các cấp chính quyền tổ chức triển khai QHTTQG, đồng thời thực hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội, vai trò phản biện, đóng góp ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền.

"Chính phủ mong nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của  các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, toàn xã hội và tất cả người dân", Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị công bố ông bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050.

Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư