Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng có ý kiến về Dự án LNG Bạc Liêu
Thanh Hương - 13/03/2020 18:19
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không đưa Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước vào các cam kết, bảo lãnh quốc tế của doanh nghiệp, đồng thời không để xảy ra kiện tụng, ảnh hưởng đến uy tín và môi trường đầu tư trong nước.

Cụ thể, tại Văn bản 91/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu hôm 26/2/2020, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu, xử lý theo pháp luật, không để xảy ra trình trạng chậm trễ trong xử lý các kiến nghị của địa phương và nhà đầu tư.

Cũng theo kết luận của Thủ tướng, tỉnh Bạc Liêu sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bạc Liêu khẩn trương gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường hồ sơ đánh giá tác động môi trường và hồ sơ đề nghị giao khu vực biển để tổ chức thẩm định theo quy định.

Về việc đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) với chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Bạc Liêu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu và nhà đầu tư đàm phán hợp đồng mua bán điện.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị không đưa Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước vào các cam kết, bảo lãnh quốc tế của doanh nghiệp, đồng thời không để xảy ra kiện tụng, ảnh hưởng đến uy tín và môi trường đầu tư trong nước.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 21/1/2020 cho đại diện Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd.

Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu có công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích 40 ha tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình); trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi khoảng 100 ha mặt biển (lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 m3 khí tự nhiên hóa lỏng); trạm tái hóa khí và 35 km đường ống dẫn khí áp suất cao.

Nhà đầu tư đặt ra kế hoạch, đến cuối tháng 12/2020, sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án và trong 3 năm tiếp theo triển khai việc xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750 MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, nhà đầu tư tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.

Điện khí Bạc Liêu được cấp phép, tháng đầu năm, vốn FDI đã là 5,33 tỷ USD
Dự án tỷ USD đầu tiên đã “mở hàng” năm 2020, nên chỉ trong 20 ngày đầu năm mới 2020, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 5,33 tỷ USD,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư