Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng: Đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là 3 động lực tăng trưởng
Thanh Huyền - 29/10/2022 15:51
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần phải đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 diễn ra sáng nay (29/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần chủ động, kịp thời, phối hợp chặt chẽ để xử lý các vấn đề vướng mắc; tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu đề ra.

“Chúng ta không điều hành, chuyển trạng thái một cách đột ngột; mà theo quy luật thị trường; phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, hiệu quả hơn nữa; trong quá thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức tốt các hội nghị quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022; Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023, nhất là về chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư.

“Với mục tiêu tổng quát là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác", Thủ tướng nhắc nhở.

Trong đó, cần phải đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu; bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng, thông tin; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu; đẩy nhanh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đảo đảm chất lượng, tiến độ hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2022; kế hoạch đầu tư công năm 2023; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng cho xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước tăng trong dịp cuối năm.

Thủ tướng nhắc nhở phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động các nguồn, bình ổn giá cả thị trường, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu; quản lý, điều hành giá xăng dầu phù hợp, bảo đảm nguồn cung xăng dầu; ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, các bên liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt giải pháp tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, thị trường, phấn đấu bảo đảm thặng dư thương mại bền vững.

“Chủ trương nhất quán là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, song phải xử lý những hành vi vi pháp pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ, khuyến khích người làm đúng, người làm ăn chân chính, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện các dự án luật; tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, các ngân hàng yếu kém, 7/12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp sửa đổi, bổ sung một số Nghị định, quy định các vấn đề liên quan kinh doanh xăng dầu; điều hành thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định chồng chéo, thiếu hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, đề xuất phương án giải quyết và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu hai bộ nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư