Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng đồng ý điều chỉnh Khu kinh tế Nam Phú Yên
Hà Minh - 20/07/2017 13:59
 
Với việc ban hành Công văn số 1028/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên.
Cầu Hùng Vương nối đô thị Tuy Hòa với KKT Nam Phú Yên thông qua đường ven biển Tuy Hòa-Vũng Rô đang là lợi thế thu hút đầu tư vào Khu đô thị Nam Tuy Hòa và KKT Nam Phú Yên. Ảnh: Hà Minh
Cầu Hùng Vương nối đô thị Tuy Hòa với KKT Nam Phú Yên thông qua đường ven biển Tuy Hòa-Vũng Rô đang là lợi thế thu hút đầu tư vào Khu đô thị Nam Tuy Hòa và KKT Nam Phú Yên. Ảnh: Hà Minh

Quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 23/10/2009 (viết tắt là Quy hoạch 1712), trong đó xác định quy mô diện tích khu phi thuế quan là 320ha và khu công nghệ cao là 370ha.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, để đáp ứng các lĩnh vực thu hút đầu tư và đầu tư phù hợp, UBND tỉnh Phú Yên đã thống nhất chủ trương điều chỉnh giảm quy mô diện tích khu phi thuế quan từ 320ha xuống còn 214,2ha (Quyết định số 3017/UBND ngày 08/10/2012) và điều chỉnh giảm quy mô diện tích khu công nghệ cao từ 370ha xuống còn 251,6ha (Quyết định số 1834/QĐ-UBND ngày 16/10/2013)...

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh theo hướng chủ trương trên. Trước kiến nghị của Phú Yên, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến về mặt chuyên môn để báo cáo Thủ tướng cho chủ trương.

Trong công văn phúc đáp đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề nghị tỉnh Phú Yên nêu rõ những bất cập xảy ra trong quá trình triển khai hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông và lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong KKT Nam Phú Yên.

Đặc biệt nêu cụ thể, rõ ràng về vấn đề cập nhật không đầy đủ các khu dân cư hiện hữu của bản đồ địa hình phục vụ cho công tác lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên.

Theo hồ sơ thẩm định Đồ án lưu trữ, bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 của khu vực lập quy hoạch do Cục đo đạc và bản đồ Việt Nam bàn giao cho chủ đầu tư (Ban quản lý KKT Phú Yên) theo văn bản số 1054/TTg-KTN ngày 14/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 2730/BTNMT-KH ngày 24/7/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Phú Yên cần bổ sung các định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới của tỉnh có ảnh hưởng đến định hướng phát triển, thu hút đầu tư của KKT Nam Phú Yên.

Đồng thời làm rõ về các dự án trọng điểm có liên quan trong khu vực đang có nhu cầu điều chỉnh về quy mô diện tích, tính chất sử dụng đất của các khu chức năng nêu trong văn bản số 1606/UBND-ĐTXD ngày 03/4/2017.

Theo Bộ Xây dựng, trong báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, một số khu chức năng của KKT Nam Phú Yên khó triển khai, khó thu hút đầu tư do bị ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu nằm xen kẽ giữa các khu chức năng. Vì vậy, báo cáo cần bổ sung số liệu cụ thể, phân tích và đánh giá về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch 1712. Làm rõ các khu chức năng của KKT khó triển khai do bị ảnh hưởng của các khu dân cư hiện hữu.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Phú Yên đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng, giải trình rõ các nội dung: gồm thay đổi quy mô và vị trí dự án Nhà máy lọc hoá dầu Vũng Rô; điều chỉnh diện tích khu phi thuế quan, khu công nghệ cao; các khu chức năng nằm xen kẽ trong các khu dân cư hiện hữu đã được quy hoạch xã nông thôn mới; hình thành một số công trình trọng điểm cấp quốc gia (hầm đường bộ Đèo Cả) sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện Quy hoạch 1712 trong công tác thu hút đầu tư cũng như quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Căn cứ Điểm c, Khoản 2, Điều 35 Luật Xây dựng năm 2014 về điều kiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quan điểm của Bộ Xây dựng cho rằng Quy hoạch 1712 có thể được xem xét để điều chỉnh quy hoạch xây dựng.

Với quy mô gần 21.000 ha, trải dài từ Nam cầu Hùng Vương đến cảng Vũng Rô, Khu kinh tế Nam Phú Yên được quy hoạch phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành công nghiệp sau dầu; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu.

Gắn với mở rộng cảng Vũng Rô, tại đây sẽ xây dựng cảng nước sâu Bãi Gốc, nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa để hình thành trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Hiện nay, trong Khu kinh tế Nam Phú Yên đã có nhiều công trình đi vào hoạt động, như cảng Vũng Rô; khu công nghiệp Hoà Hiệp giai đoạn I; cầu Đà Nông và tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà đến cảng Vũng Rô; khu tái định cư Phú Lạc; kè chống xói lở bờ Nam sông Đà Rằng; hạ tầng khu đô thị mới Nam TP Tuy Hoà; khu trung tâm hành chính mới và khu dân cư xã Hoà Tâm.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, thời gian tới, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các khu tái định cư Phú Lạc và Hòa Tâm; khu đô thị trung tâm Hòa Vinh; khu đô thị dịch vụ công nghiệp Hòa Hiệp; khu hóa dầu Hòa Tâm, lọc dầu Vũng Rô; khu phi thuế quan và các khu du lịch sinh thái…

Phú Yên tìm hướng đột phá từ những dự án tiên phong
Trong các hội nghị xúc tiến đầu tư, khi tiếp các đối tác, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn, Phú Yên sẽ có những nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư