Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thừa Thiên Huế khơi dòng hút vốn FDI
Sơn Thắng - 02/11/2014 10:40
 
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, để kinh tế phát triển ổn định và bền vững, đòi hỏi phải phát huy nguồn lực địa phương, song song với đó là đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn FDI.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
FDI vào Việt Nam: Hàn Quốc vững ngôi đầu
TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI
Thêm dự án tỷ USD, vốn FDI vọt lên 13,7 tỷ USD
Hạ tầng khu công nghiệp hút vốn FDI
Vốn FDI hướng vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Giải ngân vốn FDI có thể đạt 12,5 tỷ USD

Nhằm đón đầu cơ hội thu hút đầu tư để từng bước chuyển mình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực huy động mọi tiềm lực, cải thiện môi trường. Điều đáng chú ý là, UBND Thừa Thiên Huế vừa ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh được các nhà đầu tư đánh giá cao.

   
 

Khu du lịch Laguna Lăng Cô - một dự án FDI thành công trong lĩnh vực du lịch tại Thừa Thiên Huế

 

Ông Lê Đình Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 79 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.243,667 triệu USD, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt 800,864 triệu USD, chiếm 35,69% tổng vốn đầu tư đăng ký. Với thành tích này, Thừa Thiên Huế  xếp thứ 22 trên 63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 7 trong số 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Đánh giá hoạt động các dự án FDI trên địa bàn, ông Khánh nhận xét, nhìn chung, số lượng các dự án FDI vào Thừa Thiên Huế chưa nhiều, vốn đăng ký bình quân chỉ là 26,69 triệu USD/dự án, vốn  đầu tư thực hiện chiếm tỷ trọng thấp...

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động khá hiệu quả, với tốc độ tăng trưởng cao. Điển hình là Công ty TNHH Bia Huế, Công ty TNHH Thực phẩm Huế (Rượu Sake); Công ty TNHH Luks Xi măng; Công ty HBI, Công ty cổ phần Scavi Huế, Công ty cổ phần Liên doanh Dược phẩm Medipharco Tenamyd BR s.r.l, Công ty cổ phần Espace Business Huế, Công ty TNHH Laguna Huế, Công ty Khách sạn Kinh Thành; Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Liên doanh trồng và chế biến nguyên liệu giấy, Công ty Chaiyoo…

“Các doanh nghiệp FDI hoạt động có hiệu quả đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, chủ lực, tạo thương hiệu cho Thừa Thiên Huế, góp phần tạo hiệu ứng lan toả cao, nhất là khi tập trung đầu tư khai thác tiềm năng du lịch Huế, công nghiệp chế biến thực phẩm, xi măng, gia công hàng dệt may, chế biến nông- lâm - thủy sản... Nhiều sản phẩm như bia Huda, xi măng Luks, rượu Sake, hàng may mặc HBI, Scavi, tôm của Tập đoàn C.P Thái Lan... đã có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Một số dự án du lịch nổi bật thu hút nhiều khách như Laguna Lăng Cô, Khách sạn Kinh Thành... Các dự án này đã góp phần làm tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý ở nhiều ngành và thay thế các sản phẩm nhập khẩu”, ông Khánh nhận định.

Theo kế hoạch, mục tiêu và định hướng thu hút FDI của Thừa Thiên – Huế giai đoạn 2012 - 2015 là thu hút FDI bình quân 300 - 500 triệu USD/năm; giai đoạn 2015-2020 sẽ thu hút bình quân khoảng 500- 800 triệu USD/năm. 

“Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính đối với công tác quản lý hoạt động FDI... Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Thừa Thiên Huế, như hoàn thiện hồ sơ dự án kêu gọi đầu tư, định hướng lại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...”, ông Khánh nói.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức, ngoài chính sách hỗ trợ từ Trung ương, Thừa Thiên Huế luôn sát cánh đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư hoạt động.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư