Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thừa Thiên Huế phải coi quy hoạch, kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ ưu tiên
Lê Nguyễn - 21/04/2023 11:08
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thừa Thiên Huế cần làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 137/TB-VPCP sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; dự Chương trình Lễ Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V; kiểm tra tiến độ một số dự án giao thông trên địa bàn và các hoạt động khác tại tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra từ ngày 24 - 25/3/2023.

Thừa Thiên Huế phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang, văn hoá đặc sắc với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, đặc biệt là 7 di sản được UNESCO ghi danh có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác… Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Thừa Thiên Huế hội tụ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu.

Năm 2022 Thừa Thiên – Huế xếp thứ 6 (tăng 2 bậc so với năm 2021) các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc (Ảnh Thùy Giang)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà cho đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động thi công công trình cầu và đường ven biển Thuận An. Ảnh: L.N

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Năm 2022, tỉnh đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021; thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%…

Tuy nhiên, kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quy mô kinh tế còn nhỏ; chưa thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế lớn đến đầu tư. Một số công trình di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng. Công tác chỉnh trang, nâng cấp, giữ gìn trật tự đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải phóng mặt bằng, tái định cư còn một số bất cập. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành một số lĩnh vực. Đời sống vật chất của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh thăm một số công trình, hạng mục trong quần thể di tích cố đô Huế (Ảnh: P.N.M) A3 – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế (Ảnh: L.N)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh thăm một số công trình, hạng mục trong quần thể di tích cố đô Huế. Ảnh: P.N.M.

Ưu tiên làm tốt quy hoạch, phát triển hạ tầng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều giải pháp, nội dung quan trọng để Thừa Thiên Huế khắc phục các tồn tại, tận dụng các tiềm năng, thời cơ và lợi thế để phát triển. Theo đó Thủ tướng yêu cầu tỉnh này bám sát các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ tiêu, tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26-TQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế…

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt hơn, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phát huy mạnh mẽ điều kiện tự nhiên địa chính trị, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Để phát triển, Thừa Thiên Huế cần làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quý II/2023. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế. Chú trọng phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2022 Thừa Thiên – Huế xếp thứ 6 (tăng 2 bậc so với năm 2021) các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc (Ảnh Thùy Giang)
Năm 2022 Thừa Thiên Huế xếp thứ 6 (tăng 2 bậc so với năm 2021) các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc. Ảnh Thùy Giang.

Thừa Thiên Huế cần phải cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và công nghiệp phụ trợ; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu nông sản.

Tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có; phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” và “Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Xúc tiến các tập đoàn lớn, có thương hiệu đến đầu tư; làm tốt quảng bá, tuyên truyền, nhất là các chương trình Festival Huế.

Phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Thừa Thiên Huế; “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển.

Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm y tế chuyên sâu, trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh thăm một số công trình, hạng mục trong quần thể di tích cố đô Huế (Ảnh: P.N.M) A3 – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế (Ảnh: L.N)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: L.N

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thừa Thiên Huế cũng như lãnh đạo tỉnh này tập trung tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong đó, cần khẩn trương rà soát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số; thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp

Về những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng yêu cầu tỉnh khẩn trương rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật để hoàn thiện Đề án “Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế”; giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan hướngdẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho ý kiến chỉ đạo những nội dung khác như Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; việc bổ sung nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 dự án tuyến đường bộ ven biển cầu Thuận An; về Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây; về đầu tư hệ thống đường lăn, sân bay Quốc tế Phú Bài; về đầu tư nâng cấp đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan (quy mô 4 làn xe): giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, quyết định việc đầu tư Dự án theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Thừa Thiên Huế quy hoạch 330 ha làm khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại đẳng cấp quốc tế
Thừa Thiên Huế phân công nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình, huyện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư