Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Thương hiệu viễn thông Việt tự tin với "bom tấn"
Song Hà - 16/04/2013 06:53
 
Dòng smartphone đỉnh cao bị các đại gia nước ngoài độc chiếm, nhưng ở phân khúc trung và thấp cấp, các thương hiệu Việt rất tự tin với sản phẩm “bom tấn” của mình.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Đã có một thời, khá nhiều nhà sản xuất Việt Nam nhảy vào sản xuất điện thoại di động, nhưng èo uột sống. Hiện số thương hiệu điện thoại Việt chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu ở phân khúc trung và thấp cấp. FPT, Q-Mobile, MobiStar... là những cái tên khá điển hình.

Trong số này, xem ra, Q-Mobile đang giành được sự quan tâm khá lớn của người tiêu dùng. Bắt đầu xuất hiện vào tháng 5/2008, do Công ty TNHH Viễn Thông An Bình (ABTEL) xây dựng, đến nay, Q-Mobile được xếp hàng thứ 3 ở thị trường smartphone Việt Nam, nếu tính theo số lượng bán ra.

Mẫu mã được, giá cả phải chăng, tính năng khá ổn là lý do chính khiến Q-Mobile được lựa chọn. FPT, với bề dày và uy tín của một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, cũng đã được tin tưởng. Nhưng vòng xoáy cạnh tranh thì không chừa một ai.

files/2013/04/16/thuong-hieu-vien-thong-viet-tu-tin-voi-bom-tan-1.jpg
Q-Mobile được xếp hàng thứ 3 ở thị trường smartphone Việt Nam

Lý do là bởi, giờ đây, không chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, các “con hổ, con báo” như Samsung, Nokia, HTC mà cũng có xu hướng đầu tư nhiều hơn cho phân khúc trung và thấp cấp. Chưa kể, với sự xuất hiện của một loạt thương hiệu mới, như Huawei, Oppo Find 5, HTC..., thị trường smartphone Việt Nam đang chứng kiến sự “đổ bộ” các dòng điện thoại xuất xứ từ Trung Quốc, ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Đặt chung một câu hỏi về sự tự tin khi phải cạnh tranh với các đại gia nước ngoài, ông Nguyễn Quang Minh, CEO Công ty cổ phần Q-Mobile khẳng định, thị trường smartphone Việt Nam hiện rất sôi động ở mọi phân khúc và dĩ nhiên đó sẽ là một thách thức lớn cho Q-Mobile. “Nhưng chúng tôi tin rằng, với chiến lược đúng đắn và khai thác đúng phân khúc, chúng tôi không e ngại cạnh tranh”, ông Minh nói.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Sản phẩm Công nghệ FPT (FPT Technology Products) đã nêu tới 3 lợi thế của các dòng sản phẩm smartphone của mình, đặc biệt là sản phẩm smartphone lõi tứ đầu tiên của Việt Nam mà FPT tung ra mới đây, để khẳng định khả năng cạnh tranh của mình đối với các đối thủ khác.

“Lợi thế của chúng tôi là giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam (4,45 triệu đồng), cấu hình mạnh mẽ, sở hữu chip lõi tứ Qualcomm Snapdragon MSM8225Q giúp người dùng có thể trải nghiệm nhiều ứng dụng giải trí đa dạng, thiết kế mảnh mai...”, ông Hải nói và khẳng định, FPT IV là sản phẩm cạnh tranh trên thị trường trong phân khúc sản phẩm smartphone tầm trung.

Không e ngại và sẵn sàng cạnh tranh, nhưng câu hỏi đặt ra là, làm sao để các thương hiệu Việt có thể “nhảy múa” giữa bầy sói?

“Nếu Nokia, Samsung có bom tấn của họ, thì chúng tôi cũng sẽ có bom tấn của mình. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, người tiêu dùng sẽ được thấy sản phẩm bom tấn của chúng tôi”, ông Minh nói và thậm chí khá tự tin khi khẳng định, phân khúc smartphone cao cấp là một thị trường khó khăn và nhiều thử thách trong thời điểm này, nhưng đó sẽ là một trong những phân khúc mà Q-Mobile đang nhắm tới trong thời gian gần.

Trong khi đó, FPT đặt mục tiêu rất rõ ràng là mỗi tháng sẽ phát triển một sản phẩm smartphone. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao cấu hình và kiểu dáng của máy sao cho đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng khắt khe của người dùng, mà việc ra mắt FPT IV sở hữu chip lõi tứ là một ví dụ điển hình. Đồng thời, tập trung phát triển phần giá trị gia tăng, cũng như tập trung vào phân khúc sản phẩm giá rẻ và trung bình, từ 2 - 5 triệu đồng”, ông Hải khẳng định.

Tất nhiên, các doanh nghiệp Việt có cái lý của mình để tự tin vào khả năng cạnh tranh, ít nhất là cạnh tranh với nhau và cạnh tranh trên phân khúc thị trường tầm trung và thấp cấp. Song, một cách thẳng thắn, cuộc đua này sẽ ngày càng quyết liệt, mà nếu không tỉnh táo, thương hiệu điện thoại Việt rất dễ sa lầy.

Ông William Hamilton-Whyte, Trưởng đại diện Nokia Việt Nam đã không có bất cứ bình luận nào về khả năng cạnh tranh của các thương hiệu smartphone Việt. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina bày tỏ quan điểm rằng, để cạnh tranh được, các doanh nghiệp Việt nên nhắm vào phân khúc tầm trung và rẻ, phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên. “Và như vậy, chỉ cần những chiếc smartphone với những tính năng và ứng dụng thiết yếu nhất cho người sử dụng, nên bỏ qua các chức năng phức tạp ít được dùng đến để giảm giá thành”, ông Đạo nói.

Liên quan đến câu chuyện điện thoại thương hiệu Việt, cũng có nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu đó có phải là thương hiệu Việt thật sự hay không? Bởi thực tế, dấu ấn thương hiệu Việt trong những chiếc điện thoại này chưa nhiều, mà chủ yếu là sản phẩm đặt hàng của các hãng (chủ yếu là Trung Quốc). “Để có được thương hiệu Việt, cần có những thiết kế, tính năng và ứng dụng mang đặc tính riêng của mình, thay vì chỉ là những chiếc smartphone Android được Việt hóa”, một chuyên gia nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư