Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thương mại hóa 5G: Còn chờ “độ chín” của thị trường
Hữu Tuấn - 25/03/2023 10:01
 
Các nhà mạng cho rằng, việc đầu tư, thương mại hóa 5G phụ thuộc chủ yếu vào “độ chín” của thị trường.

Lộ trình triển khai 5G của Việt Nam cùng nhịp thế giới

Bắt đầu triển khai thí điểm 5G từ tháng 12/2020, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm thực hiện thí điểm và ứng dụng 5G. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa thương mại hóa 5G diện rộng.

Phần lớn các mạng 5G trên thế giới đang triển khai theo mô hình “5G phụ thuộc” (5G NSA - Non StandAlone) sử dụng chung hạ tầng mạng truy nhập và mạng lõi sẵn có của mạng 4G. Việc tận dụng thiết bị cũng như vùng phủ hiện có giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và rút ngắn thời gian triển khai.

Tuy nhiên, mô hình 5G NSA chỉ giúp cải thiện tốc độ truyền dữ liệu, mà chưa giải quyết được yêu cầu độ trễ cực thấp và đáp ứng số lượng kết nối đồng thời cực lớn trong cùng một phạm vi. Thị trường của mô hình 5G NSA chỉ là điện thoại di động và máy tính bảng. Vì thế, đây không phải là mô hình để hướng đến mục tiêu lâu dài.

Mô hình “5G độc lập” (5G SA - StandAlone) được coi là mô hình 5G thực thụ, tách bạch hoàn toàn hệ với hệ thống mạng 4G. Theo thông báo của Hiệp hội Các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), đến tháng 8/2022, có 111 nhà mạng tại 52 quốc gia/lãnh thổ đã và đang đầu tư triển khai mạng 5G SA công cộng, trong đó ít nhất 29 nhà mạng tại 18 quốc gia/lãnh thổ đã cung cấp dịch vụ. Có 5 nhà mạng đã triển khai nhưng chưa cung cấp hoặc chỉ mới cung cấp thử nghiệm và 25 nhà mạng đang triển khai hoặc thí điểm.

“Thử nghiệm 5G của các nhà mạng lần này không đơn giản, đòi hỏi họ phải thử nghiệm về tổ chức mạng lưới. Đi theo mô hình 5G NSA hay 5G SA thực sự là một vấn đề lớn cần được đưa ra những quyết định có sự ảnh hưởng rất lớn tới việc đầu tư của nhà mạng. Vấn đề này sẽ quyết định việc nhà mạng triển khai ngay một mạng rộng khắp nhiều tỉnh, thành phố, hay triển khai tại các khu vực có nhu cầu”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức đầu tuần này.

Theo ông Nhã, ngay cả những nước phát triển nhất về viễn thông trên thế giới vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình thương mại hóa 5G. Các nước có tốc độ phát triển 5G nhanh nhất trong năm 2022 đều bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để mở rộng vùng phủ sóng 5G. Một số nước đầu tư cho triển khai 5G như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha…, nhưng chưa có nước nào đạt được vùng phủ sóng 5G tuyệt đối cho toàn bộ dân số.

Nhận xét về lộ trình triển khai 5G tại Việt Nam, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng, hiện có gần 60 quốc gia đã triển khai 5G và Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đã sớm bắt đầu. “Việt Nam đã triển khai hoạt động phát triển 5G rất tốt. Tôi tin Chính phủ và các nhà mạng có lộ trình thích hợp và tiến độ tốt trong lĩnh vực này. Trong 2-3 năm tới, khi quá trình triển khai đi vào đại trà, tốc độ phát triển sẽ rất nhanh”, ông Denis Brunetti cho biết.

Sự lựa chọn của nhà mạng

Bên cạnh câu chuyện lựa chọn mô hình 5G NSA hay 5G SA, thì tần số cho 5G cũng là vấn đề ảnh hưởng đến lộ trình thương mại hóa 5G. Tháng 2/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400MHz, cho hệ thống thông tin di động 4G và 5G. Nếu thuận lợi, đến cuối năm 2023, mới hoàn thành đấu giá để nhà mạng khai thác dải tần cho 5G.

Cùng với 2 yếu tố trên, vấn đề đầu tư cho hạ tầng mạng lưới, trạm BTS 5G cũng làm đau đầu các nhà mạng. Dự kiến chi phí đầu tư là 3,5-4,5 tỷ USD để phát triển 5G diện rộng. Ở thời điểm hiện tại, giá thiết bị đang khá cao, nếu đầu tư lớn trong khi mạng 4G vẫn đang đáp ứng tốt và có ít người dùng 5G thì sẽ lãng phí, không hiệu quả. Chưa kể, thị trường đầu cuối chưa “chín”, nhu cầu người dùng chưa cao.

Ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc VNPT cho rằng, mạng 5G có nhiều ưu điểm như độ trễ thấp, tốc độ cao, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nhà máy thông minh, xe tự hành. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu với kết nối này và đang phối hợp cùng nhà mạng để thử nghiệm sớm. Tuy nhiên, để triển khai trên quy mô lớn, cần có sự phát triển đồng đều ở cả phía cơ quan quản lý, nhà cung cấp, người dùng, doanh nghiệp và thiết bị đầu cuối.

Còn Viettel đang lên kế hoạch đầu tư, xây dựng khoảng 5.000 trạm BTS 5G trong năm 2023. Viettel đang làm chủ toàn bộ hệ thống mạng 5G từ trạm thu phát vô tuyến, thiết bị truyền dẫn và mạng lõi. Đến nay, Viettel đã triển khai diện rộng đầy đủ các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G. Viettel đang lên kế hoạch phát triển mạng lưới 5G của riêng mình.

Mới đây nhất, Viettel hoàn thành chế tạo khối thu phát vô tuyến trạm 5G sử dụng chipset QRU100 5G RAN của Qualcomm. Đây là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác. Tiếp theo thành công này, Viettel sẽ hoàn thiện thiết bị 5G (64 phát, 64 thu) để phục vụ các nhà mạng phát sóng vào những khu vực có nhiều nhà cao tầng cần phủ cao và sâu. 

Trong khi đó, ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, với quan điểm triển khai theo nhu cầu thị trường, MobiFone sẽ thương mại hóa, triển khai 5G ở những vùng có lưu lượng cao, nhu cầu lớn.

Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất. Qua đó, nâng cao năng lực tự chủ và phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào những nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.

Dù tiên phong, vì sao thương mại hóa 5G tại Việt Nam lại chậm?
Từ quốc gia đi đầu cùng công nghệ 5G của thế giới, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa thương mại hóa 5G.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư