Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tiền đâu để hoàn thành Đường Hồ Chí Minh?
Mạnh Bôn - 16/10/2013 13:39
 
Lấy tiền đâu để hoàn thành cơ bản Đường Hồ Chí Minh (HCM)  là bài toán được đặt ra khi Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng Đường HCM tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. >>> >>> >>>
TIN LIÊN QUAN

Tổng chiều dài toàn tuyến Đường HCM dài 3.167 km có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng) và điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển một vùng đất đai rộng lớn, giàu tiềm năng ở phía Tây; kết hợp với Quốc lộ 1A cùng hệ thống 45 quốc lộ và khoảng 100 tỉnh lộ từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông suốt Bắc - Trung - Nam; liên kết với các trọng điểm kinh tế, cửa khẩu, cảng biển… trên toàn quốc và các nước trong khu vực.

Giai đoạn 1 (từ năm 2000 đến năm 2007) đã hoàn thành 1.350 km, với tổng mức đầu tư 13.312 tỷ đồng, hiện đã bố trí 12.604 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (từ năm 2007 đến năm 2015 phấn đấu hoàn thành 996 km với tổng mức đầu tư 42.113 tỷ đồng. “Nếu bố trí đủ 24.003 tỷ đồng số vốn còn thiếu (trong đó có khoảng 14.000 tỷ đồng của Dự án mở rộng Quốc lộ 14) thì Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2015”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng khẳng định.

Vấn đề lớn nhất bây giờ, theo ông Thăng là phải tập trung đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc (Giai đoạn 3 từ năm 2012 đến năm 2020).

“Tổng mức đầu tư Giai đoạn 3 khoảng 273.167 tỷ đồng, không kể 23.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư của 133 km Đường HCM đi trùng với các dự án khác đã được bố trí nguồn. Tuy nhiên, do khả năng nguồn vốn hạn chế nên hiện tại mới đang triển khai đầu tư đoạn Cam Lộ - Túy Loan và Dự án kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thăng cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề đầu tư xây dựng Đường HCM không cần phải bàn cãi vì tính hiệu quả kể cả về mặt kinh tế cũng như xã hội. Vấn đề là lấy tiền ở đâu ra để đầu tư.

“Theo Chỉ thị 1792/TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ thì bất cứ dự án nào, bất kể quy mô, chỉ khi nào nắm chắc được nguồn vốn mới quyết định chủ trương đầu tư. Dự án Đường HCM Giai đoạn 3 với quy mô vốn ươc tính chưa kể trượt giá đã lên đến 273.167 tỷ đồng, nhưng chưa rõ có bao nhiêu nguồn vốn tham gia, mỗi nguồn tham gia bao nhiêu thì đúng là bài toán rất khó”, ông Hiển lo ngại.

Vẫn theo ông Hiển, ngay cả nguồn vốn khả thi nhất là nguồn từ ngân sách nhà nước, nhưng với tỷ lệ bội chi năm nay và sang năm đã lên đến 5,3% GDP thì Quốc hội cũng khó có thể tăng nguồn đầu tư từ ngân sách cho siêu dự án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề xuất, phải rà soát lại tổng thể dự án vì trên địa bàn các tỉnh miền Trung có rất nhiều tuyến đường khác nhau có hướng tuyến trùng với Đường HCM, có quá nhiều đường nối vào Đường HCM và Quốc lộ 1A thì nên cơ cấu lại để giảm tổng mức đầu tư.

“Nếu không bố trí đủ vốn thì không biết đến bao giờ Đường HCM mới hoàn thành, thông toàn tuyến để đưa vào khai thác và như vậy sẽ dễ dẫn tới lãng phí”, ông Hiển nói thêm.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

“Khúc ruột miền Trung năm nào cũng gặp bão lũ, mỗi khi thiên tai xảy ra, nếu không có hệ thống cơ sở đường giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ thì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Vì vậy, tôi còn muốn tiếp tục đầu tư thêm nhiều tuyến đường nữa nối vào Đường HCM và Quốc lộ 1A”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất của ông Hiển.

Theo bà Phóng, tổng mức đầu tư Đường HCM Giai đoạn 3 theo ước tính của Chính phủ vẫn chưa thể đủ được.

“Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì tạm chấp nhận như vậy và thực hiện giải pháp mềm là giao Chính phủ tính toán đối với từng tiểu dự án cụ thể, vì đầu tư liên quan đến 2 bài toán khác cũng hết sức nan giải là nợ công và bội chi ngân sách nhà nước. Hơn nữa, từ nay đến năm 2020, chúng ta đâu chỉ có đầu tư vào mỗi công trình này mà còn phải thực hiện rất nhiều công trình, dự án khác cũng quan trọng không kém”, bà Phóng nói thêm.

Ông Đinh La Thăng thừa nhận, tổng mức đầu tư ước tính 273.167 tỷ đồng kể trên chỉ có thể giải quyết được mục tiêu là đến năm 2020 thông toàn tuyến Đường HCM, trong đó chỉ có một số đoạn cao tốc, còn để cao tốc toàn tuyến thì phải tiếp tục đầu tư sau năm 2020.

“Chính phủ trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư, còn đầu tư vào tiểu dự án nào, đầu tư bao nhiêu thì xin Quốc hội giao cho Chính phủ tính toán cụ thể tùy theo tình hình thực tế và biện pháp huy động vốn trước khi khởi công”, ông Thăng đề nghị.

Đại diện cho các tỉnh Tây Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước ủng hộ quan điểm phải phấn đấu hoàn thiện Đường HCM đúng mục tiêu đặt ra, đồng thời vẫn phải hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng giao thông khác.

“Nếu Quốc hội thực sự quyết tâm thì phải cho Chính phủ cơ chế huy động vốn để triển khai, đồng thời vẫn bảo đảm chỉ tiêu nợ công và bội chi ngân sách. Số tiền ước tính đầu tư Đường HCM Giai đoạn 3 chắc chắn là vẫn còn thiếu, nhưng chúng ta vẫn còn 6 năm để thực hiện, vì vậy, nếu có cơ chế phù hợp, linh hoạt thì vẫn có thể thực hiện được”, ông Phước hy vọng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư