Thứ Hai, Ngày 19 tháng 05 năm 2025,
Tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương sau khi sắp xếp đơn vị hành chính
H.T - 19/05/2025 11:42
 
Sáng nay (19/5), Chính phủ trình Quốc hội tờ trình về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính.
f
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính

 Sáng nay (19/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tính đến nay, cả nước có 10 địa phương (bao gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các Luật, Nghị quyết riêng của Quốc hội

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 sẽ có 6/10 địa phương nêu trên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bao gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến thành phố Buôn Ma Thuột), Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ.

Để phát huy hết các tiềm năng, lợi thế cũng như tạo thế và lực mới cho các địa phương đang có cơ chế, chính sách đặc thù sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh (bao gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện tương ứng tại các địa phương trước khi sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh.

Cho phép các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.

Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện việc tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (sau khi hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC 2 cấp) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hoặc luật hoá những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm để áp dụng trong toàn quốc.

Theo Chính phủ, việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương trên sau khi sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính  sẽ giúp bảo đảm tính liên tục, không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được cũng như không làm mất đi vai trò và đặc điểm riêng biệt của địa phương. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các vấn đề chuyển tiếp, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý; tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật.

Thực tế, các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng vượt trội của địa phương hoặc thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới. Trong thực tiễn thực hiện, các cơ chế chính sách đặc thù này đều được phát huy hiệu quả, tạo động lực cho các địa phương phát triển.  

f
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi 

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành chủ trương này. Đây là chính có tính kế thừa và bảo đảm tính ổn định trong điều hành, không gây gián đoạn hoạt động tại các địa phương sau sắp xếp. Nếu không có quy định chuyển tiếp, sẽ tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong xử lý các vấn đề về đầu tư, ngân sách, quy hoạch và quản lý hành chính tại địa phương mới.

Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, trên thực tế, việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương sau khi sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là việc mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương, mà theo đó sẽ có liên quan đến nhiều mặt về kinh tế, ngân sách (nguồn lực thực hiện, các chính sách thu, chi ngân sách nhà nước).

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo chú trọng việc đánh giá tác động của chính sách bảo đảm giữ vững nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng Luật Ngân sách nhà nước.

Đồng thời, thực hiện đúng Kết luận của Bộ Chính trị: “Tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hoặc luật hóa những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm để áp dụng trong toàn quốc” theo đúng yêu cầu tại Văn bản số 14708-CV/VPTW ngày 05/5/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng.

Gỡ vướng trong thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2025/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư