Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tiết kiệm hơn 20.000 m2 đất nhờ sáng tạo của kỹ sư BSR trong việc xây dựng hồ nước ứng phó sự cố
Như Loan - 07/06/2024 19:53
 
Cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải để phù hợp với quy định mới về phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải.

Với quy mô của nhà máy, cần hơn 20.000 m2 đất để xây dựng công trình này. Bằng sự sáng tạo và thông minh, các kỹ sư Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã đề ra giải pháp mà không cần một m2 đất nào vẫn đáp ứng được yêu cầu của cơ quan chức năng. 

Mới đây, giải pháp "Đánh giá hiện trạng và thực hiện cải hoán, tối ưu vận hành để xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hệ thống xử lý nước thải" của tác giả Bùi Quốc Phong - Ban An toàn Môi trường BSR và nhóm tác giả nghiên cứu đã được Giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022-2023).

“Sự kiện trên đánh dấu sự sáng tạo và hiệu quả trong quản lý môi trường tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất”, ông Nguyễn Quang Hưng - Trưởng Ban ATMT BSR cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Hưng, để phát triển bền vững, yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng rất nghiêm ngặt. Việc phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường được cơ quan quản lý nhà nước ban hành nhiều quy định bổ sung. Riêng đối với hệ thống xử lý nước thải phải có công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải. Công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải phải có khả năng lưu chứa hoặc quay vòng xử lý lại nước thải nhằm bảo đảm không xả nước thải chưa được xử lý ra môi trường trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải xảy ra sự cố.

Tác giả Bùi Quốc Phong (đội mũ đỏ) báo cáo về việc cải hoán tối ưu hệ thống xử lý nước thải tại NMLD Dung Quất với Đoàn Giám sát Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Căn cứ vào quy định tại Khoản 19, Điều 3, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ, công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải cho hệ thống xử lý nước thải của NMLD Dung Quất phải có khả năng lưu chứa tối thiểu là 40.680 m3, tương đương với diện tích mặt bằng khoảng 20.340 m2.

Để đáp ứng yêu cầu này, Nhà máy cần phải đầu tư thêm hạng mục hồ sự cố nước thải và phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, do đã đi vào hoạt động hơn 10 năm, Nhà máy không còn quỹ đất dự phòng cho việc xây dựng thêm hạng mục hồ sự cố nước thải với diện tích khoảng 20.340 m2. Thêm vào đó, chi phí xây dựng và vận hành hồ sự cố nước thải rất lớn, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch Covid-19. Do vậy việc hoàn thành theo yêu cầu trước hạn 31/12/2020 là điều không thể thực hiện được.

Trước những thách thức trên, bằng sự đam mê, sáng tạo trong công việc, ông Bùi Quốc Phong cùng các đồng nghiệp đã đề xuất được giải pháp khả thi phù hợp với yêu cầu tại Khoản 19, Điều 3, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2020.

Cụ thể, tác giả Bùi Quốc Phong cho biết, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thực hiện cải hoán hồ kiểm chứng nước thải (TK-5809) từ dạng chảy tràn sang dạng xả đáy để tăng dung tích lưu chứa dành cho ứng phó sự cố. Với hiện trạng ban đầu, dung tích chứa của hồ khoảng 9.000 m3 (100% diện tích), dung tích chứa còn lại là 0. Sau khi cải hoán, hồ có dung tích chứa thường xuyên là 3.150 m3 (35% diện tích), dung tích chứa hữu ích dành cho ứng phó sự cố là 5.850 m3.

Hạng mục Hồ kiểm chứng TK5809 được cải hoán từ dạng chảy tràn sang dạng xả đáy

Tiếp theo, nhóm tác giả đề xuất thực hiện tối ưu vận hành. Cụ thể, đối với hệ thống xử lý vi sinh và bể chứa TK-5804 (dung tích 8.600 m3), trong điều kiện vận hành bình thường mức bể duy trì ở mức từ 70-80%, nhằm tránh sự thay đổi nồng độ đột ngột khi có sự bất thường từ các nguồn nước thải đầu vào và duy trì ổn định cụm xử lý sinh học. Qua đánh giá và tính toán, để tối ưu dung tích chứa hữu ích của TK-5804 dùng cho ứng phó sự cố nước thải, đồng thời tránh ảnh hưởng đến hệ thống xử lý vi sinh, giải pháp tuần hoàn một phần dòng nước thải đã qua xử lý trở lại để ổn định hệ thống xử lý vi sinh được áp dụng.

Quá trình tối ưu này sẽ duy trì vận hành bể TK-5804 ở mức ≤50% so với thiết kế, do đó có thể tăng thêm dung tích chứa khoảng 4.300 m3 dòng nước thải đầu vào trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải xảy ra sự cố.

Tương tự, đối với bể chứa TK-5810 (dung tích 5.500 m3), các kỹ sư tăng dung tích chứa hữu ích sử dụng cho phòng ngừa, ứng phó sự cố từ 20-30%, đối với bể TK-5824 (dung tích chứa 500m3) được tối ưu vận hành ở mức 25-40%. Sau khi tối ưu, trong điều kiện vận hành bình thường thì dung tích chứa hữu ích có thể sử dụng cho mục đích phòng ngừa, ứng phó sự cố của bể TK-5810 khoảng 4.125 m3, bể TK-5824 là 300 m3.

Giải pháp cải hoán, tối ưu vận hành hệ thống xử lý nước thải tại NMLD Dung Quất của kỹ sư Bùi Quốc Phong đã được Tổng cục Môi trường xác nhận đáp ứng quy định về phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hệ thống xử lý nước thải.

Ông Bùi Quốc Phong cho biết, giải pháp trên không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư thêm các hạng mục mới, tiết kiệm hơn 50 tỷ đồng, mà còn giải quyết vấn đề về giảm tiêu thụ năng lượng, giảm sử dụng tài nguyên. Giải pháp cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố và hồ sơ môi trường của của BSR, giúp nhà máy chủ động ứng phó với các tình huống sự cố.

 

Công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn được các cơ quan quản lý, chính quyền và cộng đồng địa phương đánh giá cao. Các hệ thống xử lý môi trường được đầu tư đầy đủ với những công nghệ tiên tiến nhất, trong đó có hệ thống xử lý nước thải công suất thiết kế là 565 m3/giờ gồm nhiều công đoạn xử lý như Lý- Hóa - Sinh và cuối cùng là hồ sinh học. Hằng năm, BSR cũng tổ chức đưa bà con nhân dân và chính quyền địa phương xung quanh Nhà máy đi thăm quan khu xử lý môi trường của NMLD Dung Quất để cùng tham gia giám sát công tác bảo vệ môi trường.

 

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Gần 1,5 tỷ USD nâng cấp, mở rộng
Báo cáo Nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Bộ Công thương đánh giá là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư