Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Đề xuất đầu tư dự án xử lý rác 40 triệu USD; gần 1,5 tỷ USD nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 06/04/2024 12:17
 
Asia New Generation đề xuất đầu tư dự án xử lý rác 40 triệu USD tại Đồng Nai; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Gần 1,5 tỷ USD nâng cấp, mở rộng…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Asia New Generation đề xuất đầu tư dự án xử lý rác 40 triệu USD tại Đồng Nai

Chiều 29/3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi làm việc với Công ty Asia New Generation về đề xuất đầu tư Dự án xử lý rác thải phát điện tại huyện Xuân Lộc.

Nơi xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Cù Lao Xanh xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.

Tại buổi làm việc, ông Willy Andreas Kirsch, Chủ tịch HĐQT Công ty Asia New Generation cho biết, qua tìm hiểu các địa điểm doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án xử lý rác thải thành điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Cù Lao Xanh xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc.

Doanh nghiệp cho biết, khi đầu tư sẽ sử dụng công nghệ xử lý rác bằng công nghệ nhiệt phân của Đức. Với công nghệ này rác thải không cần phân loại, không đem đốt trực tiếp, mà xử lý  bằng phương pháp khí hóa nên hạn chế phát sinh khí thải, có thể tạo ra từ 1,2-1,8 MWh điện năng/tấn rác.

Giai đoạn đầu doanh nghiệp dự tính sẽ đầu tư 40 triệu USD, để đầu tư nhà máy có năng lực xử lý 400 tấn rác/ngày. Giai đoạn tiếp theo có thể nâng lên 1.000 tấn/ngày.

Để thực hiện các bước tiếp theo, Công ty Asia New Generation kiến nghị tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các thủ tục pháp lý và đề xuất bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VIII.

Thay mặt UBND tỉnh Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi ủng hộ việc đầu tư dự án có công nghệ mới, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Phi, đề nghị doanh nghiệp thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án; điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch; đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ. Khi doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục đầu tư. 

Hiện nay, các dự án xử lý rác thành điện tại Đồng Nai đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Ngoài dự án do Công ty Asia New Generation đề xuất tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã ký thỏa thuận với  liên danh Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam và Công cổ phần Le Delta để thực hiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nhà máy đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu.

Dự án này được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư 2.286 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động, không dùng vốn ngân sách.

Khi hoàn thành giai đoạn 1, công suất xử lý 800 tấn rác/ngày, công suất phát điện 20 MW. Đến giai đoạn 2 nâng công suất xử lý rác đạt 1.200 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 30 MW.

Theo kế hoạch ban đầu dự án sẽ khởi công trong năm 2023, thời gian xây dựng khoảng 3 năm. Tuy nhiên, đến nay tiến độ bị chậm.

Bà Rịa - Vũng Tàu trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án 

Ngày 30/3, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 doanh nghiệp.

Trong số này, có 10 Dự án đầu tư trong nước đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, chế biến gỗ, cơ khí.

Một số dự án có vốn đầu tư lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như: Công ty cổ phần Tập đoàn Eco Pearl City đầu tư dự án Khu nhà ở sinh thái An Điền tại thị trấn Long Điền, tổng vốn đầu tư 4.269 tỷ đồng; Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ đầu tư dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, Dự án Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ tại KCN Cái Mép của Công ty cổ phần sản xuất nhựa Phú Mỹ điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư thêm 11.390 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án lên 24.855 tỷ đồng.

Đối với 5 dự án FDI được trao giấy chứng nhận đầu tư thì Công ty TNHH Hóa Chất Hyosung Vina đầu tư Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại KCN Cái Mép, tổng vốn đầu tư tăng thêm 49 triệu USD, tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1,6 tỷ USD.

Công ty TNHH Điện tử nghe nhìn BOE Việt Nam đầu tư dự án thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn 2 tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tổng vốn đầu tư 277,5 triệu USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Lee Sang-Woon, Phó chủ tịch Tập đoàn Hyosung cho biết, tập đoàn quyết định đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu vì tỉnh có lợi thế về địa lý là cửa ngõ hàng hải, có lực lượng lao động dồi dào và trình độ cao, cơ sở hạ tầng tốt và chính sách ưu đãi hấp dẫn.

“ Tập đoàn Hyosung đánh giá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược đầu tư của Hyosung tại Việt Nam” ông , Lee Sang-Woon cho biết.

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trong quý I/2024, tỉnh thu hút hơn 1,5 tỷ USD vốn FDI và 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Các dự án đầu tư vào Bà Rịa- Vũng Tàu được chọn lọc với công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít thâm dụng lao động, năng suất cao, thân thiện với môi trường.

Ninh Thuận kêu gọi đầu tư vào 55 dự án

Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh vừa phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận kêu gọi đầu tư vào Dự án Cảng cạn Cà Ná giai đoạn 2. Trong ảnh: Cảng cạn Cà Ná giai đoạn 1
Ninh Thuận kêu gọi đầu tư vào Dự án Cảng cạn Cà Ná giai đoạn 2. Trong ảnh: Cảng Tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1. Ảnh: Trung Nam Group.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận có 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư với tổng diện tích 3.435,882 ha. Trong đó, 18 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch (317,26 ha); 14 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản (745,152 ha); 9 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo (528,95 ha); 9 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (412,62 ha); 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp (1.431,9 ha).

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch có một số dự án có diện tích lớn như Dự án Khu du lịch sinh thái Vĩnh Hy (79,55 ha); Dự án Trung tâm logistics Cà Ná và Dư án Cảng cạn Cà Ná (đều 60 ha); Dự án Khu du lịch cao cấp (tại khu vực bãi đá trứng, 35,36 ha); Dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Mũi Dinh (30,43 ha)…

Lĩnh vực năng lượng, tái tạo có các dự án như Dự án điện khí LNG Cà Ná (1.500 MW, 51.793 tỷ đồng); Dự án thủy điện tích năng Phước Hòa (1.200 MW, 22.865 tỷ đồng); Dự án điện gió Tri Hải(79,5 MW, 2.760 tỷ đồng); Dự án điện gió Đầm Nại 4 (27,6 MW, 1.649 tỷ đồng)…

Một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có Dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối (101 ha);  Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná (giai đoạn 2, 49,62 ha); Dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phước Nam 1, 2, 3, 4, 5 (quy mô đều 50 ha)…

UBND tỉnh Ninh Thuận giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên tổ chức kêu gọi và hướng dẫn các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án theo quy định.

Quảng Nam: Thị xã Điện Bàn có 64 dự án đầu tư xây dựng chậm tiến độ

UBND thị xã Điện Bàn đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình các dự án triển khai chậm tiến độ trên địa bàn thị xã. Theo đó, thị xã Điện Bàn hiện có 64 dự án đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ so với bản cam kết thực hiện dự án.

Hiện nay, địa phương nhận thấy khó khăn lớn nhất liên quan đến nội dung này là thời gian thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ triển khai dự án đang chồng chéo với kế hoạch sử dụng đất thực hiện dự án.

Ảnh minh họa
Hàng chục Dự án tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bê bết tiến độ so với cam kết thực hiện.

Theo quy định thì các dự án hết tiến độ thực hiện thì không đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm, tuy nhiên khi thực hiện xong thủ tục gia hạn tiến độ thì dự án lại không nằm trong kế hoạch sử dụng đất, chủ đầu tư phải thực hiện tiếp thủ tục này (trong khi thời gian gia hạn không quá 24 tháng theo quy định).

Trong khi việc chậm trễ tiến độ của dự án phần lớn là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, không hoàn toàn lỗi thuộc về nhà đầu tư.

UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, việc chậm trễ tiến độ của dự án là do nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhưng chủ yếu là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Do đó, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư có cơ sở tiếp tục triển khai hoàn thành dự án, UBND thị xã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, quan tâm giải quyết; đồng thời, có phương án thống nhất giữa ngành Tài nguyên Môi trường và Kế hoạch Đầu tư để việc thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ và đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm được đồng bộ về mặt thời gian.

Thị xã Điện Bàn là nơi “hội tụ” số lượng dự án triển khai khá lớn ở tỉnh Quảng Nam, nhất là tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Cụ thể, tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc hiện nay có hơn 82 dự án nhà ở. Trong đó, 58 dự án đang triển khai thực hiện và đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để chuẩn bị thi công; 5 dự án đã bàn giao và 6 dự án đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị bàn giao.

Đồng thời, tại đây còn có 13 dự án UBND tỉnh Quảng Nam đã thu hồi và chuyển giao về UBND Điện Bàn tiếp tục triển khai theo chỉ đạo.

Đối với khu vực ngoài Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, UBND tỉnh Quảng Nam đã thực hiện giao chủ đầu tư được 28 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại ngoài đô thị, trong đó có 5 dự án cơ bàn hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng; 23 đang thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý và đang triển khai thi công công trình. Theo UBND thị xã Điện Bàn, hiện nay, các chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng dự án nhằm hoàn thiện dự án theo tiến độ cam kết.

Ngoài ra, tại khu vực ven biển thị xã Điện Bàn (từ bờ đông Sông Cổ Cò đến biển Đông) có tổng cộng 27 dự án, trong đó có 18 là các dự án du lịch, thương mại - dịch vụ và 09 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, tái định cư.

Phần lớn các dự án trên đều triển khai thực hiện từ trước năm 2016 và thực hiện theo Quy hoạch chung ven biển được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt.

Giao dự toán, kế hoạch đầu tư 6.458 tỷ đồng thực hiện 3 dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho 1 Bộ và 8 địa phương. 

Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Giao thông Vận tải và 8 địa phương để thực hiện 3 Dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, Nghị quyết số 59/2022/QH15 và Nghị quyết số 60/2022/QH15.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Cụ thể, Phó thủ tướng giao bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Giao thông Vận tải 2.571 tỷ đồng và Ủy ban nhân dân 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng với tổng vốn là 3.887 tỷ đồng để thực hiện 03 dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, Nghị quyết số 59/2022/QH15 và Nghị quyết số 60/2022/QH15.

Phó thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng căn cứ dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 được giao quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, đúng mục đích, hiệu quả.

Thời gian thực hiện giải ngân số vốn được giao bổ sung thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công.

Bộ Giao thông Vận tải và 8 địa phương trên chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Chính phủ dự kiến vay tối đa 676.057 tỷ đồng trong năm 2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 260/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024 - 2026.

Chính phủ dự kiến vay tối đa 676.057 tỷ đồng trong năm 2024

Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024 - 2026 nhằm đảm bảo nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ công, không ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ phù hợp với điều kiện thị trường và nhu cầu triển khai.

Đồng thời, đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp, tập trung ưu tiên huy động vốn nước ngoài cho các Dự án lớn, quan trọng có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong mức trần, ngưỡng cảnh báo được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 

Quyết định nêu rõ, kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 676.057 tỷ đồng, gồm: Vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 659.934 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 372.900 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 287.034 tỷ đồng; vay về cho vay lại: khoảng 16.123 tỷ đồng.

Nguồn huy động linh hoạt từ các công cụ: (i) phát hành trái phiếu Chính phủ (ii) vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; và (iii) trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Trả nợ của Chính phủ khoảng 453.990 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 395.874 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại khoảng 58.116 tỷ đồng.

Về vay được Chính phủ bảo lãnh 

Quyết định nêu rõ, mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa 1.160 tỷ đồng, bằng mức trả nợ gốc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm 2024. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội: Không phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh trong năm 2024.

Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cụ thể đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, không bố trí hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2024 do các dự án không có nhu cầu rút vốn, chỉ trả nợ.

Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương 

Quyết định nêu rõ, vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác khoảng 30.619 tỷ đồng.

Trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 6.993 tỷ đồng, gồm chi trả gốc khoảng 4.119 tỷ đồng và chi trả lãi khoảng 2.874 tỷ đồng.

Vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh năm 2024: Hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả khoảng 6.599 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 18 - 20% so với dư nợ tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2023. (**)

Quyết định nêu rõ, Kế hoạch vay, trả nợ năm 2024 thực hiện trong các mức tối đa nêu tại (*) và (**); trường hợp phát sinh nhu cầu vượt mức tối đa nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch.

Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024 - 2026 

Theo Quyết định, về vay, trả nợ của Chính phủ, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2024 - 2026 tối đa khoảng 1.862,2 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.818,3 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 43,9 nghìn tỷ đồng.

Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2024 - 2026 tối đa 1.102,8 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 976,4 nghìn tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 126,4 nghìn tỷ đồng.

Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.

Về hạn mức bảo lãnh Chính phủ 

Quyết định nêu rõ, đối với bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu: mức bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026 tối đa 8.620 tỷ đồng, mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2024 - 2026 tối đa 11.590 tỷ đồng; bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2024 - 2026.

Quán triệt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức rút vốn không vượt quá nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm.

Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương, Quyết định nêu rõ, khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương và Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Bộ Tài chính nghiên cứu các phương thức huy động vốn vay mới, đảm bảo huy động đủ vốn vay cho đầu tư phát triển, đáp ứng các Dự án lớn về hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, cam kết phát thải ròng về 0, chuyển đổi số đồng thời kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn trần, ngưỡng cảnh báo giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ động điều hành khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ theo nhu cầu và khả năng hấp thụ của thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương với lãi suất phù hợp điều kiện thị trường. Phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, đảm bảo kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân theo mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức bảo lãnh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cụ thể cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam năm 2024 căn cứ quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, Quyết định này và đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vốn vay và trả nợ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt; chủ trì quản lý nợ nước ngoài của khu vực tư nhân và chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp diễn biến tiêu cực.

Quảng Nam đã phân bổ hơn 6.300 tỷ đồng vốn đầu tư công 

Ngày 2/4, thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, ông Nguyễn Hưng – Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, Tỉnh đã phân bổ chi tiết đạt hơn 90% vốn đầu tư công.

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 sau khi điều chỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là hơn 7.056 tỷ đồng, bằng 82,5% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 2.194 tỷ đồng và ngân sách địa phương 4.861 tỷ đồng.

Theo ông Hưng, đến nay, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương hơn 6.394 tỷ đồng, đạt 90,6%.

Trong đó, ngân sách Trung ương 2.088 tỷ đồng, đạt 95,1%; ngân sách tỉnh 4.306,5 tỷ đồng, đạt 88,6%. Kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ là 662,2 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương là 106,9 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 555,3 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 26/3, kế hoạch vốn năm 2024 của tỉnh Quảng Nam đã giải ngân hơn 629,7 tỷ đồng, đạt 8,9%.

Ông Nguyễn Hưng cũng cho biết, thu hút đầu tư trong quý I/2024 của Quảng Nam khởi sắc hơn so với cùng kỳ.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 7 Dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 124,24 triệu USD và cấp mới 11 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 4.112 tỷ đồng, thu hồi 2 dự án trong nước.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 200 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD và 1.147 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 230.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2024 là 301 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 1.643 tỷ đồng, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và giảm 24,7% về số vốn đăng ký. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 516 doanh nghiệp, tăng 5,74%.

Tuy nhiên, tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 721, tăng 14,26% …

Theo ông Hưng, trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự phục hồi và đang phải đối mặt với những áp lực như thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao…

 Ông Nguyễn Hưng khẳng định, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản

Tỉnh Quảng Nam sẽ xử lý, tháo gỡ các vướng mắc một cách cụ thể, thiết thực, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành kinh tế chủ lực…

Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ thể hiện quyết tâm cao trong giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và xuyên suốt trong năm 2024, phấn đấu mục tiêu giải ngân đạt 100%; trong đó, đến hết ngày 30/6 giải ngân đạt trên 40% ...

Khánh Hòa khởi công trụ sở làm việc hơn 544 tỷ đồng

Sáng 2/4, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa.

Dự lễ khởi công có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ.

Dự án Xây dựng Trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh có tổng vốn đầu tư hơn 544,6 tỷ đồng, lấy ý tưởng từ cánh chim hòa bình tung cánh hướng ra đại dương và bầu trời; trục thiết kế của công trình được xác định từ điểm trung tâm khu đất hướng về phía cột mốc chủ quyền trên Đảo Trường Sa lớn, hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thể hiện khát khao làm chủ đại dương, làm giàu từ biển đảo quê hương.

Dự án được xây dựng sẽ đáp ứng yêu cầu về nơi làm việc mới cho cán bộ, công chức, viên chức; là nơi tổ chức tiếp công dân và tiếp các đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương và bạn bè quốc tế đến tham quan, công tác và làm việc, tạo sự liên kết giữa các khối cơ quan, định hình một khu vực làm việc tập trung của các cơ quan đầu não tỉnh Khánh Hòa.

Công trình sau khi hoàn thiện sẽ trở thành một điểm nhấn cho thành phố biển Nha Trang, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước tháng 9 năm 2025 chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Gần 1,5 tỷ USD nâng cấp, mở rộng

Bộ Công thương vừa có thông báo kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đệ trình.

Là dự án nhóm A, cấp I, thuộc công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác, việc thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi điều chỉnh được thực hiện theo khoản 15, Điều 1, Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 và Điều 58, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

Sau khi nâng cấp, mở rộng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ có công suất chế biến 171.000 thùng/ngày.  Ảnh: D.M

Liên quan sự tuân thủ quy định của pháp luật về lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân hành nghề xây dựng, Báo cáo Thẩm định cho hay, các tổ chức, cá nhân hay nhà thầu liên quan công đoạn này đều đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật.

Thiết kế cơ sở của Dự án cũng phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt của cấp có thẩm quyền như Quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp phía Đông Dung Quất, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045. Việc đầu tư xây dựng dự án phù hợp với định hướng/chỉ đạo tại các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ngành dầu khí; Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Mục tiêu, quy mô của Dự án được Bộ Công thương cho là phù hợp với chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 482/QĐ-TTg ngày 5/5/2023.

Tuy vậy, Bộ Công thương cho hay, tổng mức đầu tư Dự án là 36.397 tỷ đồng (tương đương 1,489 tỷ USD), tăng 18,55% so với tổng mức đầu tư tại Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 5/5/2023 (31.240 tỷ đồng, tương đương 1,257 tỷ USD).

Dù vậy, Báo cáo Thẩm định cho rằng, Dự án không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Bộ Công thương cũng kết luận, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các số liệu báo cáo, chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả đầu tư Dự án; các bên Tư vấn thiết kế, Tư vấn thẩm tra chịu trách nhiệm về các số liệu tại Báo cáo Nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh, Báo cáo Thẩm định. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư giải trình rõ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lựa chọn công nghệ tối ưu cho dự án; nghiên cứu các giải pháp tối ưu chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế của Dự án; có giải phát kiểm soát và quản lý chặt chi phí đầu tư, đảm bảo tối ưu và hiệu quả kinh tế.

Ngày 29/3/2024, BSR tiến hành công bố thông tin về Quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Theo đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được đầu tư nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro V; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ, đồng thời nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy.

Để đáp ứng các mục tiêu này, hàng loạt phân xưởng công nghệ sẽ được đầu tư mới hoặc hiệu chỉnh, cải hoán. Thời gian thực hiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng này là 37 tháng kể từ ngày ký hợp đồng EPC và mục tiêu đưa Dự án vào vận hành trong năm 2028.

Để thu xếp vốn, BSR cho hay, cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 40/60, nhưng cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn.

BSR thuê tư vấn thu xếp vốn dưới hình thức tín dụng xuất khẩu và vay ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.

Trước đó, khi báo cáo xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, BSR cho hay, dự án sử dụng vốn chủ sở hữu được thu xếp từ nguồn nội bộ của Công ty, từ lợi nhuận sau thuế để lại hàng năm (2020-2025), sau khi trích các quỹ và chia cổ tức, nguồn khấu hao sau khi đã trả nợ vay dài hạn và phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và cổ đông mới trong trường hợp các nguồn trên không đủ.

Khoảng 660 triệu USD trong phương án thu xếp vốn được BSR đưa ra trước khi phê duyệt Điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định 428/QĐ-TTg, kèm theo thông tin về các tổ chức tín dụng bày tỏ mối quan tâm. Đó là KooKmin Bank (100 triệu USD), BIDV (200-300 triệu USD), Bangkok Bank (200 triệu USD), OCBC Bank (75 triệu USD).

Theo Bộ tài chính, trường hợp đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng và các ngân hàng thực hiện theo đúng cam kết, thì BSR có thể vay được 575 - 675 triệu USD, chưa kể một số ngân hàng khác có thư quan tâm và sẽ xem xét ở giai đoạn sau.

Như vậy, đã 10 năm trôi qua kể từ khi BSR được phê duyệt Dự án Đầu tư nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, với mục tiêu chế biến đạt 192.000 thùng/ngày, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro V hồi tháng 12/2014. Giờ đây, với mục tiêu hạ thấp hơn, còn 171.000 thùng/ngày, cơ hội để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thực hiện việc nâng cấp, mở rộng đã gần hơn.

Kiến nghị cắt giảm kế hoạch vốn năm 2024 với các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 31/3/2024, trong tổng số gần 657.349 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết 625.300 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 215.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 409.800 tỷ đồng. 

Như vậy, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 32.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 9.500 tỷ đồng của 21/44 bộ, cơ quan và 24/63 địa phương, vốn cân đối ngân sách địa phương là 22.500 tỷ đồng của 25/63 địa phương.

Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 đối với các đơn vị chưa phân bổ chi tiết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân khiến các bộ ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ nguồn ngân sách trung ương năm 2024 chủ yếu là của các Dự án khởi công mới, chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hằng năm.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, như các dự án chuyển tiếp cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công; vốn giao cho các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; vốn giao cho các dự án đang được tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; hoặc là của các dự án đang rà soát, điều chỉnh nội dung đầu tư theo quy định; các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội không còn nhu cầu bố trí kế hoạch vốn năm 2024, do đã được bố trí vốn từ nguồn kế hoạch năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội…

Trong khi đó, vốn nước ngoài không phân bổ hết là do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định; đang trình cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn hiệp định dự án; hoặc là vướng mắc trong trong công tác thẩm định giá thiết bị, cơ chế đấu thầu dự án... 

Về vốn giải ngân, dẫn số liệu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 31/3/2024 ước đạt 89.874,751 tỷ đồng, bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối (năm ngoái đạt 10,35%) và tuyệt đối (cao hơn 16.500 tỷ đồng).

Trong đó, vốn trong nước là  89.342,002  tỷ đồng (đạt 14,02%kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 532,749 tỷ đồng (đạt 2,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 

Tính theo tỷ lệ giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 4 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Tuy nhiên, vẫn còn 38 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, đặc biệt có 15 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (tỷ lệ giải ngân là 0%).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các bộ ngành, địa phương phải đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Phải kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Quảng Nam có 53 dự án du lịch ven biển còn hiệu lực

Thông tin về các Dự án du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam, cho biết, đến hiện tại tỉnh Quảng Nam có 58 dự án du lịch ven biển. Tỉnh đã thu hồi 5 dự án và chỉ còn 53 dự án đủ hiệu lực để tiếp tục triển khai.

Các dự án du lịch ven biển đã đóng góp lớn cho ngành du lịch tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Nguyễn Hưng, những dự án du lịch ven biển được đầu tư, đi vào hoạt động, không chỉ thúc đẩy phát triển ngành du lịch, mà còn đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Hiện Quảng Nam có 26 dự án du lịch ven biển đã đi vào hoạt động, góp phần lớn vào thu hút du khách cho du lịch tỉnh. Công suất sử dụng phòng của các cơ sở du lịch ven biển bình quân cuối tuần là trên 80%, trong tuần là trên 60%...

Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án du lịch ven biển triển khai không đảm bảo tiến độ, do vướng mắc về công tác bồi thường; thủ tục triển khai đầu tư dự án kéo dài, khó khăn trong sản xuất kinh doanh…

Theo ông Hưng, Tỉnh đã có những văn bản chỉ đạo để giải quyết các dự án chậm tiến độ, trong đó có những dự án du lịch ven biển.

Được biết, năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết đối với từng nhóm vấn đề các dự án chậm tiến độ; phấn đấu xử lý, giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ trước ngày 31/12/2024.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

Ngoài ra, kiên quyết tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, không để phát sinh thêm các dự án chậm tiến độ trên địa bàn; đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư và các tồn tại, vướng mắc, kéo dài, phát sinh…

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các thị trường ASEAN

Kết quả cuộc "Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN" của HSBC cho thấy, khoảng 9/10 doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các thị trường ASEAN

Khảo sát được HSBC tổng hợp 600 câu trả lời từ các doanh nghiệp với doanh thu hàng năm ít nhất 150 triệu USD. Số lượng người tham gia chia đều cho 6 thị trường ASEAN lớn nhất: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Dữ liệu biểu đồ đề cập đến các công ty hoạt động tại Việt Nam.

ASEAN là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong quý 1/2024, theo Tổng cục Thống kê.

Theo kết quả khảo sát của HSBC thực hiện với những người có vai trò quyết định về tài chính doanh nghiệp tại 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực. Ở hầu hết các thị trường ASEAN, hơn phân nửa người tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn chọn Việt Nam là thị trường mới để mở rộng kinh doanh.

Khảo sát cũng chỉ ra năng lực công nghệ trong nước và thách thức về chuỗi cung ứng là những rào cản hàng đầu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam khi tìm cách mở rộng ra thị trường ASEAN mới, nhấn mạnh sự cần thiết phải lập kế hoạch cẩn thận và tìm kiếm tư vấn chuyên môn khi đầu tư ra nước ngoài.

Phát triển sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam, sau đó là mở rộng ra ASEAN. 94% người được hỏi kỳ vọng hoạt động thương mại của họ trong nội khối ASEAN tăng trong năm 2024, với 27% kỳ vọng mức tăng cao hơn 30%. 

Doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào mở rộng thị trường mới ở ASEAN, công nghệ và số hóaCác lĩnh vực dự kiến mở rộng tại ASEAN. Các thị trường ASEAN đều tự tin vào tăng trưởng kinh doanh Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam rất tự tin về khả năng phát triển kinh doanh tại từng thị trường...

ASEAN là một khối thương mại năng động với mức tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Tổng GDP của cả khu vực đạt 3 nghìn tỷ USD. Đây cũng là thị trường Internet tăng trưởng nhanh nhất, đồng thời có mức độ kết nối số cao nhất thế giới. Với những lợi thế này, ASEAN chắc chắn là một trong những thị trường ưu tiên nhất của HSBC.

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, cho biết, ASEAN là một trong những khối thương mại năng động và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam tự hào có 16 FTA ký kết cùng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, một thị trường tiêu dùng tăng trưởng mạnh, một câu chuyện FDI ấn tượng và nền kinh tế số tăng trưởng.

"Dữ liệu khảo sát của chúng tôi cho thấy các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam không chỉ tập trung vào tăng trưởng trong nước, mà còn đặt mục tiêu mở rộng sang các thị trường mới ở ASEAN, cũng như phát triển kinh doanh thông qua hoạt động đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và số hóa, nhằm đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế số tại đây", ông Ahmed nói.

Trong tháng 3/2024 vừa qua, HSBC công bố Quỹ Tăng trưởng ASEAN (ASEAN Growth Fund) trị giá 1 tỷ USD, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp nền tảng số của khu vực đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, phát triển danh mục tài sản và tăng trưởng trong suốt vòng đời của doanh nghiệp.

Quỹ Tăng trưởng ASEAN của HSBC cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp đang gia tăng quy mô thông qua các nền tảng số trên khắp Đông Nam Á. Quỹ hỗ trợ những doanh nghiệp kinh tế mới, các doanh nghiệp lâu đời hơn và các tổ chức tài chính phi ngân hàng thông qua đánh giá các chỉ số hoạt động liên quan đến danh mục tài sản sinh dòng tiền của họ, thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào các chỉ số tài chính truyền thống.

Đà Nẵng cấp mới 15 dự án FDI, tổng vốn hơn 22 triệu USD 

Theo Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 15/3, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 Dự án có vốn trong nước với tổng vốn đăng ký mới là 1.228 tỷ đồng. Trong đó, có 1 dự án nằm ngoài khu công nghiệp với vốn đăng ký 1.168 tỷ đồng; 1 dự án nằm trong khu công nghiệp vốn đăng ký 60 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 15/3, thành phố Đà Nẵng đã cấp mới 15 dự án cấp với vốn đăng ký cấp mới là 22,148 triệu USD.

Tháng 1/2024, Tập đoàn KP AERO INDUSTRIES CO., LTD (Hàn Quốc) đã đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy linh kiện hàng không KP VINA tại Đà Nẵng.

Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội dự ước quý I/2024 đạt 6.201 tỷ đồng.

Trong đó, vốn đầu tư thực hiện khu vực nhà nước quý I/2024 tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng ổn định tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng vốn ước đạt 1.675 tỷ đồng. Vốn trung ương quản lý ước đạt 334 tỷ đồng; vốn địa phương quản lý ước đạt 1.341 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp nhà nước có đầu tư cao trong quý I/2024, như Công ty CP Cao su Đà Nẵng với dự án Đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm; Công ty CP Cảng Đà Nẵng với dự án đầu tư bãi sau cầu 4,5 Cảng Tiên Sa; Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng …

Khu vực ngoài nhà nước, giá trị vốn đầu tư thực hiện của khu vực này trong quý I/2024 ước đạt 3.597 tỷ đồng.

Một số dự án lớn được triển khai trong năm 2024, dự kiến mang lại giá trị thực hiện cao trên địa bàn thành phố phải kể đến như: dự án Tháp CT3-CT7 Đà Nẵng Times Square của Công ty CP Kim Long Nam; dự án căn hộ The Filmore của Công ty CP Phát triển bất động sản Filmore; văn phòng kết hợp căn hộ du lịch của Công ty CP Dược Danapha; dự án Khu Đô thị thương mại và Dịch vụ thể thao cao cấp New Town của Công ty TNHH Phát triển New Town; tòa nhà Fcomplex 3 của Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng…

Đối với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư thực hiện của khu FDI quý I/2024 ước đạt 929 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp có phát sinh giá trị đầu tư lớn trong quý, gồm: Công ty CP Khu Du lịch Biển Ngũ Hành Sơn; Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam; Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát; Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam…

Về tình hình doanh nghiệp, trong 3 tháng năm 2024, thành phố Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 824 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 2.904 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 160 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc; có 2.669 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động.

Dù vậy, theo Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng tín hiệu lạc quan là số doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại tăng 17,8 % so với cùng kỳ 2023. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 40.223 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động…

Quảng Ngãi gỡ vướng cho dự án giao thông 3.500 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi đến nay, đã hoàn thành công tác kiểm đếm đất đai và tài sản trên đất đối với tuyến chính là 163,21/164.51 ha, đạt 99,2% tổng diện tích quy hoạch; hoàn thành 100% công tác kiểm đếm 4.856 mồ mả bị ảnh hưởng; đã ban hành thông báo thu hồi đất cho 90,69/164,51 ha, đạt 55,1% tổng diện tích quy hoạch.

Về công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt 14 phương án bồi thường cho 6,15/164,51 ha, đạt 3,7% và 2.891/4.856 ngôi mộ, đạt 59,3%.

Dự án có điểm cuối kết nối với đường Hoàng Sa tại nút đầu cầu đập dâng Trà Khúc.

Công tác bàn giao mặt bằng thi công đạt 15,5%, với 25,54/164,51 ha được bàn giao cho các nhà thầu thi công; hoàn thành công tác phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 10/10 khu tái định cư; đang thực hiện các thủ tục đầu tư để tổ chức triển khai xây dựng Khu cải táng mồ mả.

Lãnh đạo Ban quản lý Dự án này cho biết, hiện còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc xác định giá đất cụ thể dể tính tiền bồi thường năm 2024.

Cụ thể, hiện nay, các hồ sơ trình xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường năm 2024 của các Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường trình sau khi Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ có hiệu lực đều chưa thực hiện công tác điều tra, khảo sát, thu thập thông tin giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc giá đất chuyển nhượng thành công trên thị trường và lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất theo quy định pháp luật về đấu thầu. Để triển khai thực hiện đầy đủ các thủ tục này thì thời gian thực hiện sẽ kéo dài, không đảm bảo tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Do đó, các cơ quan tham mưu còn lúng túng, chưa trình UBND các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi phê duyệt giá đất cụ thể.

Vì vậy, Ban quản lý đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đảm bảo trình tự theo quy định và thời gian hoàn thành các thủ tục là ngắn nhất.

Ngoài ra, dự án đi qua diện tích đất trồng lúa chiếm tỷ lệ lớn trong diện tích quy hoạch (37,5%) tuy nhiên đến nay chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng nên chưa đủ điều kiện để ban hành thông báo thu hồi đất để làm cơ sở triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án, Ban quản lý Dự án đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương giải trình, chỉnh sửa hoàn thiện một số nội dung của hồ sơ theo đề nghị của Hội đồng thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ (UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu tại Công văn số 1295/UBND-KTN ngày 14/3/2024 nhưng đến nay chưa hoàn thành).

Liên quan đến dự án này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu Ban quản lý Dự án tập trung phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo kế hoạch; chính quyền các địa phương trong vùng dự án phải tích cực, chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc và bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban quản lý Dự án xây dựng, lập kế hoạch triển khai thực hiện dự án với các nội dung cho từng phần việc cụ thể, trong đó khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa đối với dự án trong tháng 4/2024.

Thẩm tra sơ bộ Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8 km

Chiều 3/4 , Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông - Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải nêu, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) tại km1.915 + 900, thuộc địa phận huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8 km. Trong đó, chiều dài đường cao tốc khoảng 126,8 km; chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa khoảng 2 km. Dự án có 27,8 km qua địa phận tỉnh Đắk Nông, còn lại 101 km đi qua tỉnh Bình Phước. Đầu tư phân kỳ giai đoạn 1, Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 25.540 tỷ đồng, bao gồm 12.770 tỉ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.

Chính phủ đề xuất phân chia Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).

Về tiến độ dự kiến, Dự án chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện Dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành Dự án năm 2026.

Các ý kiến tại phiên họp cơ bản thống nhất với sự cần thiết đầu tư Dự án, cho rằng, sau khi hoàn thành cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ hình thành trục kết nối quan trọng, tạo không gian mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc đầu tư dự án theo phương thức PPP sẽ giúp tận dụng lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm, năng lực quản lý và nguồn vốn của nhà đầu tư tư nhân, cũng như đáp ứng đòi hỏi của thực tế hiện nay, vì nhu cầu đầu tư công trong những năm tới là rất lớn. Mặt khác, kinh nghiệm từ thực hiện cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, cũng như một số đoạn cao tốc trên dự án đường cao tốc khác cho thấy, khi có sự kết nối lưu thông giữa các tuyến cao tốc trong một khu vực thì lưu lượng lưu thông sẽ tăng nhanh, bảo đảm phương án tài chính của chủ đầu tư..

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sớm hoàn thiện bộ hồ sơ, các tài liệu liên quan để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32 tới.

Thẩm tra sơ bộ Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8 km

Chiều 3/4 , Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông - Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải nêu, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) tại km1.915 + 900, thuộc địa phận huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8 km. Trong đó, chiều dài đường cao tốc khoảng 126,8 km; chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa khoảng 2 km. Dự án có 27,8 km qua địa phận tỉnh Đắk Nông, còn lại 101 km đi qua tỉnh Bình Phước. Đầu tư phân kỳ giai đoạn 1, Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 25.540 tỷ đồng, bao gồm 12.770 tỉ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.

Chính phủ đề xuất phân chia Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).

Về tiến độ dự kiến, Dự án chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện Dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành Dự án năm 2026.

Các ý kiến tại phiên họp cơ bản thống nhất với sự cần thiết đầu tư Dự án, cho rằng, sau khi hoàn thành cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ hình thành trục kết nối quan trọng, tạo không gian mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc đầu tư dự án theo phương thức PPP sẽ giúp tận dụng lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm, năng lực quản lý và nguồn vốn của nhà đầu tư tư nhân, cũng như đáp ứng đòi hỏi của thực tế hiện nay, vì nhu cầu đầu tư công trong những năm tới là rất lớn. Mặt khác, kinh nghiệm từ thực hiện cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, cũng như một số đoạn cao tốc trên dự án đường cao tốc khác cho thấy, khi có sự kết nối lưu thông giữa các tuyến cao tốc trong một khu vực thì lưu lượng lưu thông sẽ tăng nhanh, bảo đảm phương án tài chính của chủ đầu tư..

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sớm hoàn thiện bộ hồ sơ, các tài liệu liên quan để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32 tới.

Quảng Bình đầu tư 100 tỷ đồng khắc phục sự cố sạt lở bờ biển

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng vừa ký ban hành quyết định phân bổ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở cho Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn với kinh phí 100 tỷ đồng.

Theo đó, dự án này được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình) làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời hạn này, số vốn không được giải ngân hết sẽ bị hủy dự toán theo quy định.

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu chủ đầu tư dự án có trách nhiệm triển khai các bước tiếp theo đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư công hiện hành và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương; đồng thời thực hiện giải ngân nguồn vốn theo đúng tiến độ quy định, chịu hoàn toàn trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh nếu không thực hiện và giải ngân hết số vốn bố trí, bị cắt giảm, thu hồi. Và phải tự thu xếp nguồn vốn thuộc ngân sách để thực hiện phần khối lượng bị cắt vốn.

Được biết, trong những năm qua, khu vực bờ biển ở tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn bị biển xâm thực khá mạnh.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các cơn bão kết hợp với gió mùa đông bắc và triều cường, biển động mạnh đã làm bờ biển tại tổ dân phố Tân Mỹ bị sóng biển đánh gây sạt lở nghiêm trọng hơn, chiều dài ước tính khoảng 2 km.

Theo lãnh đạo thị xã Ba Đồn cho biết, tình trạng sóng biển mạnh đã làm sạt lở sâu vào bãi bồi, đẩy cát tràn vào đường, khiến xe cộ không thể qua lại được. Hiện tượng sạt lở dọc bờ biển cũng gây ảnh hưởng đến đời sống của 10 hộ dân với 40 nhân khẩu của tổ dân phố Tân Mỹ. Trước tình hình trên, UBND thị xã Ba Đồn và UBND phường Quảng Phúc cũng đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình xem xét bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng tuyến kè biển này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư