Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tín dụng bất động sản được ngân hàng rộng cửa hơn
Thùy Vinh - 13/06/2013 13:31
 
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN) cho rằng, so với trước đây, hiện tín dụng bất động sản đã được ngân hàng rộng cửa hơn. Room cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích không còn phải hạn chế trần như trước đây. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các ngân hàng ồ ạt cho vay.
TIN LIÊN QUAN

Lãi suất cho vay đã giảm xuống mức đáng kể cũng tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp và cả với khách hàng có nhu cầu vốn mua nhà để ở.

Riêng với gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho người có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, theo ông Mạnh, không hề đặt mục tiêu giải cứu thị trường bất động sản, mà nhằm giải quyết về nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Vì thế, đây cũng chỉ là một giải pháp nhỏ trong tất cả các giải pháp đưa ra tại Nghị quyết 02/2013/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN)

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng cho rằng, nhu cầu của nền kinh tế về nhà ở là rất lớn, do đó không chỉ với gói 30.000 tỷ đồng, mà ngành ngân hàng cũng đang từng bước mở rộng tín dụng, trong đó có tín dụng bất động sản, hỗ trợ khách hàng có nhu cầu về nhà ở vay vốn.

Song theo ông Mạnh, có một điều cần quan tâm đó chính là hiện tồn kho bất động sản trên thị trường bất động là rất lớn.

Tuy nhiên, tồn kho không đồng đều giữa các phân khúc của thị trường. Trong khi, phân khúc nhà ở cao cấp, văn phòng cho thuê có tồn kho lớn, thì cung cho thị trường phân khúc nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội còn khá khiêm tốn.

Đại diện một doanh nghiệp cũng cho biết, gói vốn 30.000 tỷ đồng cũng chưa đủ để kích thích được thị trường bất động sản, mà cần có sự lan tỏa từ các ngân hàng thương mại khác. Bởi hiện nay, việc tiếp cận vốn ngân hàng đối với doanh nghiệp bất động sản là rất khó. Vì thế, cần thiết có các gói tín dụng bất động sản từ ngân hàng thương mại để kích thích nhu cầu khách hàng.

Trong khi đó, một ý kiến khác được đưa ra, mấu chốt của vấn đề hiện nay là giải quyết nợ xấu mới có thể kích cầu được tín dụng và làm ấm thị trường bất động sản. Thế nhưng, trong 2 năm qua, nợ xấu vẫn chưa thể giải quyết được, do đó điều cần làm trước hết là giải quyết nợ xấu trước khi đưa ra các giải pháp tài chính kích thích người mua.

Hiện không chỉ với 4 ngân hàng thương mại nhà nước đang triển khai gói vốn 30.000 tỷ đồng, mà các ngân hàng thương mại cổ phần cũng từng bước đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và giảm lãi suất xuống mức phù hợp hơn.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đưa gói vốn 1.600 tỷ đồng và đã giải ngân được 1.300 – 1.350 tỷ đồng cho 2.400 khách hàng. Lãi suất cho vay thấp nhất được áp dụng cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà tại Sacombank hiện nay là 9%/năm.

Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện nay ở mức tương đối thấp, vì thế, việc khơi dòng vốn vào thị trường bất động sản cũng được các nhà băng đẩy mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư