Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tín hiệu vui từ CPI tháng 1
Hà Nguyễn - 30/01/2019 09:36
 
Bất chấp nhu cầu tiêu dùng tăng cao ở tháng giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 chỉ tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước và điều này, cùng với những chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực khác, có thể là tín hiệu vui đầu năm mới.
.
Tháng 1/2019 CPI chỉ tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước.

Nói vậy là bởi, ngay từ cuối năm ngoái, nhiều dự báo cho rằng, áp lực lạm phát có thể tăng cao hơn ngay từ đầu năm 2019. Nhưng tháng 1 năm nay, CPI chỉ tăng ở mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng CPI của hầu hết các tháng cùng kỳ khoảng 10 năm trở lại đây. Tính từ năm 2010 đến nay (ngoại trừ năm 2015, CPI tháng 1 giảm 0,2% và năm 2016, CPI tháng 1 giậm chân tại chỗ), thì 2019 là năm có tốc độ tăng CPI thấp nhất (0,1%). Con số này của tháng 1/2011 thậm chí lên tới 1,74%, còn tháng 1/2010 là 1,36%...

CPI tháng 1 tăng thấp là điều đáng mừng, chủ yếu do hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết dồi dào. Trong tháng 2, xu hướng CPI có thể tăng cao hơn, bởi những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 trùng với Tết Nguyên đán. Nhưng mức tăng này nhiều khả năng sẽ không quá cao do diễn biến giá cả thị trường cho thấy, không có sự tăng giá đột biến, sốt hàng, sốt giá như nhiều năm trước.

Như vậy, CPI quý I sẽ không quá căng thẳng.

Mặc dù vậy, chưa thể vội mừng khi CPI tháng 1 tăng thấp. Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, CPI năm nay có thể sẽ tăng cao hơn năm trước và điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2019.

Các yếu tố tạo áp lực tới lạm phát năm 2019 được chỉ ra là chủ yếu do giá cả hàng hóa dự kiến tiếp tục đà tăng nhẹ, biến động của đồng USD, lãi suất… Chưa kể, ở trong nước, lộ trình tăng giá một số mặt hàng cơ bản, đặc biệt là giá điện, cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường và lạm phát cả năm. Đó còn chưa nói việc ở Việt Nam, luôn có yếu tố liên quan đến lạm phát kỳ vọng...

Điều này cho thấy, dù tín hiệu đầu năm là tích cực, thì vẫn cần phải thận trọng trong điều hành giá cả thị trường, bao gồm cả điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, làm sao cho nhuần nhuyễn, nhịp nhàng. Chuyện điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng cơ bản, nhất là giá điện, dịch vụ y tế hay giáo dục cũng vậy, phải tính toán để có kịch bản hợp lý, theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Thêm vào đó, quan trọng không kém là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá, lãi suất để tránh tạo nên kỳ vọng lạm phát tương đối cao ở Việt Nam.

Trong một cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo, năm 2019 phải kiểm soát lạm phát ở mức 3,3 - 3,9%; lạm phát cơ bản ở mức 1,6 - 1,8%. Đây sẽ là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải cẩn trọng trong điều hành lạm phát cả năm, bởi mục tiêu này là cao hơn mục tiêu mà Quốc hội quyết nghị vào cuối năm 2018.

Để thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp cần được nỗ lực và đồng bộ thực hiện. Nhưng trước mắt, khi Tết Nguyên đán cận kề, thì phải bằng mọi cách bình ổn thị trường hàng hóa, tuyệt đối không để thiếu hàng, sốt giá, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, bão lũ. Đây là công việc rất quan trọng, không chỉ đảm bảo kiểm soát tốc độ tăng giá, mà còn để người dân đón tết trong an bình, ấm no.

CPI tháng 11 bất ngờ giảm, do giá xăng dầu giảm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2018 giảm 0,29% so với tháng trước, theo công bố của Tổng cục Thống kê. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư