Chủ Nhật, Ngày 25 tháng 05 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 25/5: Đề xuất Bảo hiểm y tế chi trả điều trị can thiệp bào thai
D.Ngân - 25/05/2025 11:32
 
Chi phí điều trị cho bào thai có thể dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, trở thành rào cản lớn đối với nhiều gia đình. Trước thực trạng đó, các chuyên gia đề xuất Bảo hiểm y tế (BHYT) cần từng bước chi trả cho các kỹ thuật can thiệp bào thai, tiến tới chi trả toàn bộ trong tương lai.

Đề xuất Bảo hiểm y tế chi trả điều trị can thiệp bào thai

Đề xuất này được GS-TS.Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đưa ra tại Hội nghị Y học bào thai thường niên lần thứ 3.

Can thiệp bào thai là kỹ thuật tiên tiến bậc nhất trong y học hiện nay, có thể can thiệp ở nhiều cơ quan như tim, não, phổi… mang lại hy vọng cho nhiều trường hợp dị tật thai nhi trước đây từng phải đình chỉ thai kỳ.

Theo đó, hiện tại nhiều quốc gia phát triển, BHYT chi trả toàn bộ chi phí can thiệp bào thai vì quan niệm "bào thai cũng là bệnh nhân". Nhiều ca can thiệp có chi phí lên đến hàng chục nghìn USD đều được bảo hiểm chi trả. Trong khi đó, tại Việt Nam, BHYT chỉ hỗ trợ điều trị cho thai phụ, còn thai nhi thì chưa được xem xét.

Một ví dụ điển hình là hội chứng truyền máu song thai - biến chứng nguy hiểm thường gặp ở các trường hợp song thai một bánh nhau, với tỷ lệ mắc khoảng 30.

Trước đây, hội chứng này gần như đồng nghĩa với việc mất thai. Tuy nhiên, nhờ can thiệp bằng kỹ thuật đốt laser các thông nối mạch máu bánh nhau trong buồng ối, tỉ lệ sống sót đã được cải thiện rõ rệt: 72% cả hai thai nhi cùng sống, và 92% có ít nhất một bé được cứu.

Chi phí trung bình cho một ca can thiệp vào khoảng 30 triệu đồng. Dù không quá lớn, khoản tiền này vẫn là gánh nặng với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chưa kể, những kỹ thuật phức tạp hơn cần đến thiết bị, vật tư y tế hiện đại với chi phí cao gấp nhiều lần.

Theo GS.Ánh, trước đây tử cung được coi là “vùng cấm”, nhưng hiện nay với sự phát triển của y học, các bác sỹ có thể tiếp cận và can thiệp điều trị ngay từ trong bụng mẹ. Các kỹ thuật hiện đại đã mở ra cơ hội cứu sống thai nhi và giúp các em bé chào đời khỏe mạnh.

Can thiệp bào thai là kỹ thuật tiên tiến bậc nhất trong y học hiện nay, có thể can thiệp ở nhiều cơ quan như tim, não, phổi… mang lại hy vọng cho nhiều trường hợp dị tật thai nhi trước đây từng phải đình chỉ thai kỳ.

Trên thế giới, kỹ thuật này đã được chuẩn hóa và triển khai rộng rãi từ khoảng 20 năm qua. Tại Việt Nam, những ca can thiệp đầu tiên được thực hiện từ cuối năm 2019.

Đến nay, các bệnh viện lớn như Phụ sản Trung ương, Từ Dũ, Nhi đồng 1… đã làm chủ nhiều kỹ thuật, từ can thiệp mạch máu bánh nhau, xử lý tràn dịch màng phổi, thiểu ối đến thông tim trong tử cung.

Điển hình là ca thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai bị dị tật tim nặng, do các bác sỹ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thực hiện, được vinh danh là một trong 12 thành tựu y khoa tiêu biểu năm 2023. Đến nay, ít nhất 5 ca thông tim bào thai đã được thực hiện thành công.

Ngoài ra, các bệnh viện như Phụ sản Hà Nội và một số cơ sở tư nhân lớn cũng đã triển khai các kỹ thuật can thiệp để điều trị nhiều bệnh lý như hội chứng truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, thoát vị cơ hoành, ứ nước ở thận, thiếu máu thai nhi, tràn dịch màng phổi…

Để phát triển lĩnh vực này, tháng 6 tới, Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ ra mắt Trung tâm Y học bào thai, nhằm tăng cường đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật cao trong chăm sóc thai kỳ. Các ca đầu tiên sẽ được bệnh viện hỗ trợ chi phí, với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia quốc tế.

GS.Ánh nhấn mạnh, thế giới đã tiến thêm một bước khi áp dụng công nghệ gene, tế bào gốc để can thiệp điều trị cho bào thai. Đó là đích đến mà chúng ta cần hướng tới. Tôi mong muốn Việt Nam cũng chia sẻ quan niệm 'bào thai là bệnh nhân' và đề xuất BHYT có cơ chế chi trả từng phần, tiến tới toàn bộ chi phí cho lĩnh vực này.”

Tổn thương da nặng nề do tiếp xúc với sứa biển: Những lưu ý quan trọng khi đi biển mùa hè

Mùa hè, việc tắm biển là hoạt động giải trí yêu thích của nhiều gia đình, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, những trải nghiệm vui chơi này cũng tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm nếu không cẩn trọng, điển hình như trường hợp bé gái 10 tuổi bị tổn thương da nặng do tiếp xúc với sứa biển.

Khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây tiếp nhận điều trị cho bé gái N.P.L (10 tuổi) bị viêm da nghiêm trọng sau khi vô tình ôm phải một con sứa trong lúc tắm biển.

Theo lời kể của mẹ bé, ngày 1/5 khi đang vui chơi cùng sóng biển, bé thấy vật thể trong suốt trôi dạt vào gần bờ, đẹp mắt nên vòng tay ôm. Sau đó, trẻ xuất hiện tổn thương da nặng gồm các dát đỏ, sẩn đỏ, mụn nước, phỏng nước thành vệt, sưng nề, trợt rỉ dịch kèm viêm tấy, ngứa và bỏng rát tại vùng tiếp xúc ở cẳng tay và mu bàn tay hai bên.

Nhờ sự phối hợp điều trị tích cực giữa khoa Da liễu và khoa Cấp cứu - Chống độc, sau khoảng một tuần dùng thuốc kháng sinh toàn thân, thuốc giảm viêm, giảm ngứa cùng chăm sóc tại chỗ, tình trạng của bé đã cải thiện rõ rệt, da hết sưng nề và không còn trợt rỉ dịch.

Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thị Thùy Trang, Khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sứa là loài động vật thân mềm sống dưới nước, cơ thể chủ yếu là nước (95%) và protein cấu trúc, tế bào thần kinh, cơ (5%).

Thân sứa trong suốt với xúc tu dài có thể lên đến 60m, chứa hàng ngàn sợi lông xoắn có nọc độc. Khi tiếp xúc, các tế bào châm trên xúc tu phóng ra những sợi lông tẩm độc, đâm xuyên da và tiêm độc tố vào cơ thể.

Nọc độc của sứa chứa protein phá vỡ màng tế bào, tác động lên hệ thần kinh và làm tổn thương mô, gây đau, sưng nề, phát ban, ngứa, thậm chí có thể gây phản vệ hoặc sốc trong những trường hợp nặng. Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Thị Mai Hương khuyến cáo khi trẻ tiếp xúc với sứa mà có các biểu hiện như buồn nôn, nôn, khó thở, đau ngực, tím tái, cần nhanh chóng liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ.

Khi phát hiện trẻ bị sứa đốt, gia đình cần giữ trẻ hạn chế cử động, tránh chà xát vùng da tổn thương và ngay lập tức lấy con sứa ra khỏi người trẻ. Khi làm việc này, nên đeo găng tay hoặc lót tay bằng túi nilon để tránh tiếp xúc với độc tố.

Vết thương cần được rửa bằng nước biển, không dùng nước ngọt vì có thể kích thích xúc tu còn dính trên da tiết độc tố nhiều hơn. Nếu có giấm (acid acetic 3-5%), nên rửa vết thương trong vòng 30 giây để ức chế tế bào giải phóng độc tố.

Gia đình có thể dùng thìa, thẻ cạo nhẹ nhàng để loại bỏ tế bào độc trên da. Để giảm đau, có thể chườm ấm hoặc xả nước ấm (40-45 độ C) trong 20 phút hoặc chườm đá bọc trong túi nilon.

Thuốc giảm đau phổ biến như ibuprofen hoặc paracetamol cũng có thể sử dụng. Các loại kem dưỡng ẩm, kem chứa corticoid hoặc kháng histamin giúp giảm ngứa, sưng và đau cũng rất cần thiết.

Chuyên gia cảnh báo tuyệt đối không được bôi lá cây, thuốc không rõ nguồn gốc hay rửa vết thương bằng nước tiểu vì có thể khiến tổn thương lan rộng hoặc nhiễm trùng nặng hơn. Sau xử lý ban đầu, trẻ nên được đưa đến cơ sở y tế để đánh giá và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

Theo các chuyên gia hải dương học, tại Việt Nam có một số loài sứa độc nguy hiểm như sứa lửa, sứa bắp cày và sứa vòng. Sứa lửa có xúc tu dài trong suốt, màu hơi xanh như túi nilon, chứa độc tố Physaliatoxin gây bỏng rát, thậm chí tử vong.

Sứa bắp cày là loài sứa hộp độc nhất với triệu chứng đau rát dữ dội và phồng rộp da nhanh chóng. Sứa vòng có màu trong suốt, thân có màu nâu cam do tảo cộng sinh, khi tiếp xúc gây đau rát, sưng tấy, phồng rộp da có thể kéo dài hàng giờ hoặc gây viêm loét, hoại tử trong trường hợp nặng.

Để phòng tránh nguy cơ tiếp xúc với sứa độc, các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức nhận biết sứa độc, sơ cứu ban đầu, tham khảo ý kiến người dân địa phương về vùng biển và thời gian có nguy cơ xuất hiện sứa, đồng thời khuyến khích trẻ mặc đồ bơi che kín da khi tắm biển.

Hoạt động vui chơi biển mùa hè là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, nhưng sự an toàn cần được đặt lên hàng đầu để tránh những hậu quả không mong muốn từ việc tiếp xúc với sứa biển độc.

Cô gái 19 tuổi và “bẫy” giảm cân cấp tốc

Khi cân nặng chạm mốc 100 kg, cô gái trẻ N.G.N. (19 tuổi, TP.HCM) đã sử dụng nhiều loại sản phẩm được quảng cáo giúp giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra khi N. phải nhập viện cấp cứu vì hạ đường huyết và rối loạn điện giải do mất nước cấp tính.

Từ một cô bé suy dinh dưỡng, gầy gò lúc nhỏ, N. đã trải qua quá trình tăng cân nhanh chóng khi bước vào tuổi dậy thì. Đến năm 19 tuổi, cô đã nặng gần 100 kg, với thói quen ăn uống không lành mạnh như thích đồ chiên, nướng và uống nước ngọt. Nhận thức được ngoại hình “sồ sề xấu xí”, N. quyết tâm giảm cân và thử nhiều phương pháp khác nhau.

Ban đầu, N. chi tới 20 triệu đồng cho một liệu trình 10 buổi đánh tan mỡ vùng bụng và đùi. Tuy nhiên, sau liệu trình, cô không giảm cân mà còn cảm thấy đau nhức toàn thân.

Không từ bỏ, N. tiếp tục uống nước cần tây ép kết hợp một loại bột thực phẩm chức năng trị giá 4,2 triệu đồng mỗi tháng. Sau hai tháng, cân nặng chỉ giảm vỏn vẹn 1 kg. Tiếp tục tìm kiếm giải pháp, N. mua 4 hộp trà giảm cân được quảng cáo rầm rộ trên mạng với giá gần 700.000 đồng mỗi hộp.

Sau khoảng một tuần sử dụng, mỗi ngày 1-2 gói trà, N. giảm 2 kg nhưng bất ngờ ngất xỉu giữa lớp học và được bạn bè đưa đi cấp cứu. Kết quả chẩn đoán cho thấy cô bị hạ đường huyết, rối loạn điện giải, mất nước cấp và có dấu hiệu suy thận cấp.

Quá hoảng sợ, N. dừng tất cả sản phẩm giảm cân và chuyển sang tập gym, kết hợp ăn kiêng nghiêm ngặt với khẩu phần ăn chỉ gồm 2 muỗng cơm cùng trứng luộc, tôm luộc, ức gà luộc và rau luộc. Dù rất ngán ngẩm, cô vẫn kiên trì nhưng cân nặng chỉ giảm rất ít sau nhiều tháng.

Trong một lần tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung, N. và mẹ tình cờ đọc được thông tin về phương pháp giảm cân đa mô thức tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và quyết định đến tư vấn. Khi đến trung tâm, N. nặng 95 kg, cao 1m54, chỉ số khối cơ thể (BMI) đạt 40,1, thuộc nhóm béo phì nặng. Chỉ số mỡ nội tạng lên đến 250 cm², trong khi mức trên 100 cm² đã nguy hiểm cho sức khỏe. Ngoài ra, cô còn mắc gan nhiễm mỡ độ 3 và rối loạn lipid máu.

Tiến sỹ bác sỹ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giảm cân Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết N. là một trong những trường hợp trẻ tuổi bị béo phì do không kiểm soát được chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Việc tự ý sử dụng các sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc, không được kiểm chứng là rất nguy hiểm, bởi các sản phẩm này thường gây lợi tiểu mạnh làm mất nước nhanh, khiến người dùng giảm cân cấp tốc nhưng không bền vững, đồng thời tăng nguy cơ tổn thương thận, tim mạch và các cơ quan khác.

Theo bác sỹ Hoàng, muốn giảm cân hiệu quả và an toàn, người bệnh cần được khám kỹ lưỡng, tư vấn và xét nghiệm để xây dựng phác đồ phù hợp với từng cá nhân.

Với N., phác đồ điều trị bao gồm sử dụng thuốc hỗ trợ kết hợp thay đổi chế độ ăn và luyện tập khoa học. Điều đáng mừng là cô không còn phải ăn những món luộc đơn điệu mà vẫn được thưởng thức các món yêu thích dưới sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Sau 2 tuần, N. đã giảm được 3 kg và sau 2 tháng tái khám, cân nặng giảm còn 86 kg, giảm tổng cộng 9 kg so với lúc đầu. N. chia sẻ: “Kết quả ngoài mong đợi, tôi giảm cân mà không bị mệt mỏi hay mất sức, cảm thấy rất thoải mái.” Cô gái trẻ quyết tâm tiếp tục tuân thủ phác đồ để giảm thêm 10-12 kg nữa.

Bác sỹ Hoàng cũng nhấn mạnh béo phì do nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ ăn không hợp lý, thiếu vận động, bệnh lý nội tiết (suy giáp, hội chứng Cushing...), yếu tố di truyền... dẫn đến rối loạn chuyển hóa và tích tụ mỡ thừa.

Việc điều trị cá thể hóa, thấu hiểu và thiết kế phác đồ riêng cho từng bệnh nhân là chìa khóa giúp tăng hiệu quả và duy trì kết quả lâu dài. “Chúng tôi điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống một cách linh hoạt, không làm đảo lộn cuộc sống người bệnh. Không có công thức chung áp dụng cho tất cả,” bác sỹ Hoàng cho biết.

Tin mới y tế ngày 2/3: Cứu sống sản phụ nhờ ứng dụng kỹ thuật cao trong can thiệp bào thai
Vừa qua, Trung tâm Can thiệp bào thai (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật can thiệp bào thai cho một sản phụ mang song...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư