Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
[TOÀN CẢNH] Chất vấn lĩnh vực Công Thương: Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, thẳng thắn nhận trách nhiệm
Kỳ Thành - 06/11/2019 14:58
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh rõ ràng, nắm chắc vấn đề, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế.
TIN LIÊN QUAN
Toàn cảnh phiên chất vấn về lĩnh vực công thương
Toàn cảnh phiên chất vấn về lĩnh vực công thương

4 thuộc nhóm vấn đề mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ trả lời chất vấn gồm:

(1) Công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo;

(2) Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số;

(3) Công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng;

(4) Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh là Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ. Phó Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn và giải trình về các nhóm vấn đề lĩnh vực công thương vào lúc 10h20 sáng mai (7/11).

Phiên chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực công thương sẽ diễn ra từ chiều nay đến 10h45 sáng mai (5/11).

 
11/06/2019 15:08

Bộ trưởng Công Thương lần thứ 3 trả lời chất vấn

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ông vui mừng được tham dự phiên chất vấn, và đây là phiên thứ 3 Bộ trưởng Công Thương tham gia phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Điều đó cho thấy trọng trách của ngành trong xây dựng pháp luật, điều hành của Chính phủ để đảm bảo những yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo hướng bền vững, hội nhập sâu rộng với thế giới, Bộ trưởng Công Thương nói.

Đồng thời, ông cho rằng, điều này thể hiện rõ sự quan tâm cử tri và nhân dân cả nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp  đối với những yêu cầu trách nhiệm của mình trong thực thi nhiệm vụ để xây dựng môi trường, phục vụ cho phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trên bảng điện tử cho thấy đã có 77 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

 
11/06/2019 15:16

'Đại biểu Hà Tĩnh phát biểu thì Bộ trưởng cũng đã biết nội dung câu hỏi là gì'

Theo đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh phát biểu thì Bộ trưởng cũng đã biết nội dung câu hỏi là gì.

Vấn đề mà vị đại biểu này đề cập là, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã tiếp thu ý kiến cử tri, đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Đến nay, cơ bản Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan  đã nhất trí với đề xuất này.

“Xin hỏi Bộ trưởng lúc nào bộ tham mưu cho Chính phủ có kết luận chính thức về vấn đề này? Cử tri Hà Tĩnh nói chung nhân dân các xã vùng dự án nói riêng đang rất mong chờ câu trả lời của Chính phủ”, ông Gia nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họpcho biết, câu hỏi của đại biểu Trần Đình Gia về không nằm trong nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng, do đó Bộ trưởng Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản.

 
06/11/2019 15:39

Phòng chống gian lận thương mại, lẩn tránh thuế: Không chậm trễ và không gây ra những tổn hại trong quan hệ với các đối tác

Trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng xuất xứ Việt Nam đề xuất khẩu đi các nước khác, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, có dấu hiệu của việc chậm phát hiện.

"Chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các ưu đãi về thuế quan trong việc xuất khẩu hàng hoá sang các nước đối tác, tạo lợi thế trong thâm nhập thị trường so với các quốc gia khác", Bộ trưởng nói.

Liệt kê một số hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia và các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các hiệp định sẽ mang lại những cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cũng như năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sang các nước này.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm và đội lốt xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan để xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp này và đã có những báo cáo cụ thể. Chính phủ cũng đã chỉ đạo cụ thể và giao cho Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ không cho phép lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để thực hiện gian lận thương mại trong hoạt động thương mại quốc tế.

Theo Bộ trưởng Công Thương, các sản phẩm thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán… có dấu hiệu để tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại để lẩn tránh thuế phòng vệ và thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU… đã bị phát hiện.

Bộ Công Thương đã báo cáo với Chính phủ và phối hợp cùng các bộ, ngành quản lý và xử lý những vấn đề này đặc biệt là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, đặc biệt tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại, trong đó gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính được giao cho các cơ quan chức năng, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và nhiều địa phương để đấu tranh có hiệu quả.

“Có thể nói là chúng ta không chậm trễ và không gây ra những tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ chính thức của chúng ta đối với các đối tác”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
 
11/06/2019 16:47

Dự án đưa điện về vùng khó chậm tiến độ vì thiếu vốn

Về tiến độ thực hiện dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, mặc dù đây là đề án rất quan trọng của Đảng, Nhà nước nhưng đến nay chưa được thực hiện đúng tiến độ.

Bộ trưởng Công Thương cho biết, mục tiêu dự án hướng tới là cung cấp điện lưới quốc gia cho 11.000 hộ dân, 17 xã và 9.000 thôn, bản ở tất cả các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn trên cả nước cũng như một số nội dung khác liên quan đến cấp điện cho các trạm bơm tưới nước tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô tổng vốn đầu tư dự kiến trên 30 nghìn tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, Bộ đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch để cung ứng vốn cho dự án này, bao gồm các nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước, Tập đoàn Điện lực (EVN), ngân sách địa phương và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức khác. Trong đó nguồn vốn lớn nhất mà chúng ta trông đợi là của WB và EU, với quy mô lên tới 24.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, trần nợ công của nước ta lên rất cao, xấp xỉ chạm giới hạn nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả các chương trình đang sử dụng vốn vay dưới danh nghĩa chương trình quốc gia. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định tạm thời không xem xét đưa nguồn vay từ WB và EU, ngoại trừ duy nhất khoản tiền hơn 2.800 tỷ đồng đã được EU giải ngân cho dự án.

Do yêu cầu thời điểm đó, các dự án này không được tiếp tục bố trí vốn cũng như cung cấp các nguồn lực đầu tư cho các địa phương. Tính đến nay, xét cả về tiêu chí vốn và các chỉ tiêu của các dự án, chỉ có khoảng hơn 10% các nội dung của dự án này được thực hiện; khoảng 18% nguồn vốn từ ngân sách được giải ngân đã được thực hiện. 

Tuy nhiên, sau khi Quốc hội và Chính phủ có những nỗ lực thực hiện an toàn nợ công quốc gia, giảm trần nợ công xuống thì hiện nay, chúng ta có những cơ sở thuận lợi để thực hiện tiếp dự án này.

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm việc tiếp với WB và EU, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ ưu đãi của hai tổ chức này, với quy mô lên khoảng 24.000 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta đủ điều kiện nhằm tiếp tục triển khai các thành phần của dự án. Tuy nhiên, dự kiến đến 2020 mới bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Bộ Công Thương cũng thiết tha kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng vốn vay từ các tổ chức quốc tế nhằm phục vụ cho việc triển khai dự án này.

 
11/06/2019 17:15

Có sự chủ quan, đánh giá không hết khi phát triển điện mặt trời

Chất vấn Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đặt vấn đề phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch.

"Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu. Hiện 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt", bà Hà hỏi.

Thừa nhận là có tình trạng này, Bộ trưởng Công Thương cho biết, khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2017 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Tư lệnh ngành Công Thương cho biết mức giá này trên cơ sở phối hợp với tư vấn quốc tế và thực tiễn Việt Nam. "Khi ban hành Quyết định 11 cũng đối mặt nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể", ông chia sẻ. Và thực tế tới 30/6 - khi Quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019.

Trả lời chất vấn về vấn đề ồ ạt cấp phép dự án điện mặt trời, khiến nhiều dự án khi vào vận hành bị giải toả công suất, ông Trần Tuấn Anh cho biết, khi xây dựng các cơ chế mong muốn phát triển điện mặt trời để tạo ra môi trường thí điểm và sau này tổng kết phát triển điện sạch gồm cả điện gió.

"Đúng là quá trình thực hiện thì đã có sự chủ quan, đánh giá không hết nên trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, gần 4.900 MW điện mặt trời vận hành tới cuối tháng 6/2019", tư lệnh ngành công thương thừa nhận.

Ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất, ở mức 30-40%.

Ông Tuấn Anh cho rằng, có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp tổ chức, các cơ quan chức năng giữa Bộ Công Thương - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương trong thẩm định, phê duyệt các dự án điện mặt trời.

Tuy nhiên, ông cũng nêu khó khăn khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo.

Song Bộ trưởng cho biết, năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi có thể giao tư nhân đầu tư đường dây 500 kV. Hiện có nhiều tập đoàn đề xuất tham gia đầu tư đường dây 500 KV và có thể sẽ được xem xét phê duyệt.

"Về lâu dài phải có quy định pháp luật để cho phép xã hội hoá đầu tư truyền tải điện, nhưng không làm mất vai trò độc quyèn của nhà nước. Có thể sẽ áp dụng hình thức BT trong đầu tư hệ thống chuyển tải điện", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
 
11/06/2019 17:47

Nguy cơ thiếu điện cao, kéo dài tới 2022-2023

Trước lo ngại về nguy cơ thiếu điện của đại biểu, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

Ngoài ra, điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.

Về phương án đảm bảo cân đối điện, ngành điện sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát như điện than, thuỷ điện, điện khí, điện mặt trời. Cùng đó, trình Chính phủ cơ chế mới về điện mặt trời với phương án thấp bổ sung thêm khoảng 6.000 MW điện mặt trời và 1.500 MW điện gió. Khả năng phải huy động cao hơn các nguồn điện này với 8.000 MW và điện gió huy động 3.000 MW.

Bộ cũng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đàm phán mua khí từ Malaysia, Thái Lan đảm bảo cung ứng điện cho miền Tây, Đông Nam Bộ. Nhà điều hành cũng tính toán phương án chuyển đổi cơ cấu phát điện của một số nhà máy điện, như Điện Hiệp Phước chuyển từ chạy dầu sang dùng khí LNG nhập khẩu, thì sẽ có thêm công suất 400 MW.

Về dài hạn, để phát triển bền vững lĩnh vực năng lượng, trong đó tính tới phát triển các trung tâm điện lực khí lớn như Long Sơn, Cà Ná và Bạc Liêu, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện VIII 8 trung tâm điện khí lớn vì Việt Nam hiện không còn khả năng phát triển điện than.

 
11/06/2019 18:08

Còn 23 doanh nghiệp và 800.000 người bán hàng đa cấp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) liên quan đến tình hình quản lý bán hàng đa cấp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đã siết chặt quản lý và thu nhỏ lại số doanh nghiệp bán hàng đa cấp. 

Trước đây có khoảng 50 doanh nghiệp và 1,3 triệu người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp, thì nay con số chỉ còn 23 doanh nghiệp và 800.000 người tham gia. Trong số này, có khoảng 300.000 người thực sự tham gia đặt mục tiêu hướng tới lợi nhuận, còn lại muốn được hưởng chiết khấu cho các sản phẩm bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hiện nay đa cấp bất chính không chỉ bán hàng đa cấp trong các mặt hàng sản phẩm thương mại, mà còn huy động tín dụng hay đa cấp trong các dịch vụ khác. Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có biện pháp để điều tra, xử lý.

 
11/06/2019 18:32

Tịch thu ô tô có “bản đồ lưỡi bò”

Về biện pháp kiểm soát thị trường để ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có cài cắm "bản đồ lưỡi bò”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận đây là một hiện tượng mới xuất hiện.

Vừa qua, một số ô tô nhập khẩu phục vụ triển lãm trong hội chợ có sử dụng bản đồ định vị "đường lưỡi bò", sau đó một số sản phẩm nghe nhìn gặp tình trạng tương tự. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ đã tổ chức kiểm tra rà soát lại. Trước mắt, Bộ Công Thương thống nhất với Tổng cục Hải quan tổ chức tịch thu, sung công đối với ôtô phục vụ triển lãm.

Bộ trưởng cho biết cần có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát pháp lý để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn, tránh trường hợp lợi dụng tương tự trong tương lai.

Với một doanh nghiệp khác thực hiện hoạt động nhập khẩu ôtô, cũng xuất hiện "đường lưỡi bò" cài cắm vào, Bộ Công Thương đã yêu cầu thu hồi toàn bộ. Đồng thời, tước giấy phép nhập khẩu và kinh doanh ở Việt Nam cho đến khi nào khắc phục xong.

"Qua đây chúng tôi thấy có một lỗ hổng trong pháp lý, mà các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin & Truyền thông... sẽ tiếp tục cần rà soát lại, để đảm bảo không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai. Chúng ta sẽ hoàn thiện pháp luật và thể chế", Bộ trưởng nói.

 
11/06/2019 18:38

Còn 44 đại biểu chờ chất vấn lĩnh vực công thương

Kết thúc ngày làm việc 6/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vẫn còn tới 44 đại biểu chờ chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Phiên chất vấn sẽ tiếp tục vào sáng 7/11.

Báo Đầu tư Online sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin của phiên chất vấn trong bản tin này. Kính mời quý đọc giả quan tâm theo dõi.

 
11/07/2019 08:16

Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, sáng nay (7/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời các nội dung chất vấn từ phía đại biểu Quốc hội. Đúng 8h00, Quốc hội bắt đầu làm việc.

Theo chương trình làm việc, từ 10h20 đến 10h35, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục trả lời chất vấn và giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc nhóm vấn đề lĩnh vực công thương. Từ 10h35 đến 10h45, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai.

Trước đó, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tuấn Anh cuối phiên chất vấn chiều 6/11, ông Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng các phần trả lời trước đó của Bộ trưởng Công Thương chưa chỉ ra được lỗ hổng lớn về pháp lý, nhất là thiếu quy định thế nào là hàng "made in Vietnam". Chính sự thiếu minh bạch này khiến doanh nghiệp như Asanzo không biết mình có vi phạm hay không, đẩy người dân, doanh nghiệp vào thế rủi ro.

"Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian lận thương mại? Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra và giải pháp là gì", đại biểu Sinh chất vấn.

 
07/11/2019 09:26

Xây dựng thông tư mở về ghi chứng nhận "made in Vietnam"

Về vấn đề chống gian lận xuất xứ của hàng hoá mà đại biểu Nguyễn Tiến Sinh hỏi, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Nghị định 31 hướng dẫn thực hiện Luật Ngoại thương, hướng dẫn các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến với doanh nghiệp về hành vi gian lận thương mại, chủ động hơn nữa trong bối cảnh nguy cơ gian lận hàng hoá tăng cao.

Cùng với đó, Thủ tướng đã ký văn bản nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với tất cả các khâu xuất, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài để chống gian lận thương mại. Bộ trưởng Công thương cũng nhắc đến Nghị định 43 quy định nội dung điều chỉnh chứng nhận nhãn mác và xuất xứ hàng hoá với sản phẩm lưu thông trong nước, giao trách nhiệm cho doanh nghiệp và đơn vị sản xuất tự kê khai nguồn gốc xuất xứ.

Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng pháp quy về ghi chứng nhận xuất xứ với hàng hoá Việt Nam sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây là việc khó nên Bộ xin ý kiến các bộ ngành xây dựng một thông tư mở. Sau gần 1 năm xây dựng, cơ quan này đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá sản xuất, lưu thông trong nước, hiện đang lấy ý kiến phản biện của nhân dân và các tổ chức.

 
07/11/2019 09:30

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách tranh luận về đề xuất cho tư nhân xây đường dây 500 kV. Theo bà, phần trả lời trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói đã báo cáo Chính phủ về việc ủng hộ Tập đoàn Trung Nam đầu tư đường dây 500 kV.

"Cần cân nhắc vì trái pháp luật, Luật Đầu tư, Đấu thầu và Luật Điện lực", bà Mai nói.

Ngoài ra, bà Mai cho rằng, Bộ trưởng Công Thương cần cân nhắc tính khả thi khi nói năm 2020 sẽ giải toả hết công suất nhà máy điện mặt trời. Bà Mai dẫn 4 lý do, là thời gian thực hiện còn 1 năm; cơ chế chính sách chưa rõ ràng, chưa kể quy trình đầu tư theo pháp luật đầu tư công mất thời gian; nguồn lực đầu tư chưa rõ ràng và số lượng dự án còn khá lớn.

"Tới giờ mới giải toả được 30%, nghĩa là còn 70% công suất nữa, mà Bộ trưởng nói hy vọng trong một năm giải toả hết công suất. Tôi nghĩ khi đưa ra một thông điệp cần đảm bảo tính chắc chắn", nữ đại biểu nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai
 
07/11/2019 11:16

M&A là xu thế phát triển trong các hoạt động của doanh nghiệp

Đề cập đến làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập), đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi liệu có thất thoát tài sản trong quá trình tái cơ cấu hoặc bán vốn của Nhà nước trong các dự án này không.

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, M&A là xu thế phát triển trong các hoạt động của doanh nghiệp trên bình diện quốc tế. Mặt tích cực, M&A phát huy hiệu quả trong chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước không chỉ nhắm tới thu nhỏ lại số lượng mà còn tạo ra một thị trường, thể chế và pháp luật thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Về thất thoát tài sản thông qua việc bán vốn hay liên quan đến cổ phần hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định “đã có nhiều nơi, nhiều chỗ”. Lý do được đưa ra là quá trình cổ phần hóa thực hiện không đúng quy định hoặc việc chấp hành không nghiêm, thậm chí có nguyên nhân không nắm vững cơ sở và quy định của luật pháp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
 
07/11/2019 11:19

3 lý do dẫn tới chưa đạt mục tiêu công nghiệp hóa

Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Quang Hàm về nguyên nhân nước ta chưa đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra 3 lý do.

Thứ nhất, ông cho rằng xuất phát điểm của Việt Nam quá thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực từ 2-3 thế hệ công nghệ trong công nghiệp hóa.

Thứ hai, nước ta chưa xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất, nên môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí… chưa có điều kiện phát triển đặc biệt. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của xã hội còn hạn chế, điển hình như đào tạo nguồn nhân lực, rất ít sinh viên tham gia nghiên cứu và được đào tạo về công nghệ trong sản xuất.

Thứ ba, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định công nghiệp hóa đòi hỏi vốn đầu tư và trình độ công nghệ ở mức cao, do đó gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, nước ta cũng thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp này.

Tư lệnh ngành Công Thương thừa nhận nguyên nhân chủ quan đến từ công tác quản lý Nhà nước, trong đó có sự thiếu đồng bộ của các Bộ, ngành và tâm lý thụ động của các doanh nghiệp.

 
11/07/2019 11:46

Bộ trưởng Công Thương nắm chắc vấn đề, thẳng thắn nhận trách nhiệm

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh rõ ràng, nắm chắc vấn đề, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề nghị tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp.

Tại phiên chất vấn đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi và 9 đại biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi liên quan đến công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chât vấn lĩnh vực công thương
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chât vấn lĩnh vực công thương
 
07/11/2019 11:48

Hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong năm 2020

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; rà soát, xử lý vấn đề phát sinh trong quy hoạch, vận hành các dự án điện, điện khí, mặt trời, điện gió; huy động các nguồn lực, giải pháp về công nghệ để xây dựng hệ thống truyền tải điện, nâng cấp trạm biến áp, tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải để giải tỏa nguồn điện; nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng hệ thống truyền tải điện; tiếp tục mở rộng thị trường cạnh tranh bán buôn điện, thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023.

Tiếp tục huy động nguồn lực triển khai Đề án điện nông thôn, miền núi, hải đảo; nghiên cứu sửa đổi cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; rà soát, đẩy nhanh tiến độ, xử lý các tồn tại, phát sinh của các công trình, các dự án điện trọng điểm như đối với dự án điện Bạc Liêu, Long Phú, Ô Môn, Thái Bình 2 và các dự án điện khác đã được đại biểu Quốc hội chất vấn để đảm bản nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cho sản xuất, kinh doanh.

Hai là, triển khai hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu; rà soát, hoàn thiện quy định về tạm nhập, tái xuất, quản lý hàng hóa tại các kho ngoại quan; đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu; nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng phụ thuộc thương mại, nhập siêu.

Động thời, tăng cường xây dựng thương hiệu Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế; triển khai các quy định về phòng vệ thương mại, nhất là hỗ trợ xử lý các tranh chấp thương mại, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu; hoàn thiện môi trường kinh doanh, tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Ba là, rà soát hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; rà soát, xây dựng đầy đủ quy định pháp luật về quy tắc xuất xứ phù hợp với thông lệ quốc tế; khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; có các giải pháp để giám sát, kiểm soát việc nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3; chủ động xây dựng các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường trong nước; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, hoạt động mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, vai trò của lực lượng quản lý thị trường, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho buôn lậu; xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu các hàng hóa có hình ảnh vi phạm chủ quyền Quốc gia.

Bốn là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử; xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số; năm 2020, ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam; có giải pháp để quản lý, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; giám sát việc quảng cáo, chất lượng hàng hóa trên mạng.

Năm là, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển cơ khí chế tạo; tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu; nâng cao khả năng của các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư