Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Toàn cảnh cổ đông và sức khỏe Ngân hàng Xây dựng vừa bị quốc hữu hóa
Hà Tâm - 03/02/2015 07:25
 
VNCB đã bị âm vốn và các cổ đông không bù đắp được trước khi bị NHNN mua lại 100% vốn với giá 0 đồng. Việc quốc hữu hóa VNCB chấm dứt toàn bộ quyền, lợi và tư cách cổ đông của 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thể nhân tại ngân hàng này.
TIN LIÊN QUAN
Toàn cảnh cổ đông và sức khỏe Ngân hàng Xây dựng vừa bị quốc hữu hóa
VNCB là ngân hàng thương mại thứ hai trên thị trường được NHNN sở hữu 100% vốn, sau Agribank.

Trở thành ngân hàng 100% vốn nhà nước

Ngân hàng TMCP xây dựng vừa bị quốc hữu hóa sau khi tiến hành 3 cuộc ĐHCĐ bất thường nhưng vẫn không thể kêu gọi được cổ đông góp thêm vốn để nâng đủ vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng theo quy định của NHNN.

Trước đó, ngân hàng này đã bị “âm” vốn chủ sở hữu và buộc phải bù đắp, song cả ngân hàng này và phía NHNN không công bố số vốn bị âm cụ thể là bao nhiêu.

Với việc bị quốc hữu hóa, VNCB là ngân hàng thương mại thứ hai trên thị trường được Nhà nước sở hữu 100% vốn, sau Agribank.  

Đây là lần đầu tiên NHNN tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần cho dù việc này đã có quy định trong Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/9/2013.

3 lần đổi tên

Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín, được hình thành từ Ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến, thành lập vào năm 1989. Sau 10 năm hoạt động, đến năm 1999, ngân hàng ổn định hoạt động, bước đầu có sự tăng trưởng đều theo từng năm. Quá trình phát triển ổn định này kéo dài đến năm 2005.

Đến năm 2007, ngân hàng tái cơ cấu, chuyển đổi từ mô hình ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị, đổi tên thành  Ngân hàng TMCP Đại Tín – TRUSTBank. Năm 2007 cũng đánh giá giai đoạn phát triển chóng mặt của ngân hàng này. So với khi mới thành lập, tổng tài sản của TrustBank khi đó tăng gấp năm lần, từ hơn 243 tỷ đồng lên hơn 1.142 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng gấp bảy lần, từ 70 tỷ đồng lên hơn 504 tỷ đồng; lợi nhuận tăng gấp bảy lần, từ hơn 4,5 tỷ đồng lên hơn 32 tỷ đồng...

Năm 2010, TRUSTBank nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 19.762 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 302 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm 2009; mạng lưới hoạt động tăng thêm 42 điểm so với năm 2009, đạt 103 điểm trên cả nước. Trong năm 2010, TrustBank lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 30 trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam... Tính đến cuối năm 2011, tổng tài sản của TrustBank đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 3.111 lần so với ngày đầu thành lập.  Lợi nhuận trước thuế của TrustBank đến cuối năm 2011 đạt 550 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 152%.

Từ năm 2011, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, ngân hàng rơi vào khó khăn và phải tái cơ cấu với sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới vào cuối năm 2012.  Ngày 23/05/2013, ngân hàng chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), mở rộng mạng lưới lên 112 điểm. Tổng số nhân sự của VNCB tính đến tháng 10/2013 là 1.500 người.

Tuy nhiên, nhóm cổ đông mới chưa lãnh đạo được VNCB bao lâu thì bị cơ quan điều tra khởi tố. Cụ thể, cuối tháng 7/2014, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam và khởi tố đối với nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB Phạm Công Danh, nguyên Tổng giám đốc Phan Thành Mai và ông Mai Hữu Khương, nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn.

Đầu tháng 12, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với bị can Phạm Công Danh; Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương. Đồng thời, khởi tố bổ sung đối với 6 bị can nguyên là cán bộ của Ngân hàng Xây dựng trong vụ này.

Liên quan đến vụ việc trên, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận có nhiều vấn đề nan giải trong giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống. Khi đó, xử lý các ngân hàng yếu kém phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dựa vào nguồn lực của thị trường, mời gọi các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu để giúp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước. Theo Thống đốc, trong số các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB), có một doanh nghiệp mà theo đánh giá của NHNN, Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu và Chính phủ đều cho rằng là có năng lực tài chính. 

"Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này mới bộc lộ sai phạm và sai phạm này được phát hiện trong quá trình thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nhờ vậy mà giảm thiểu hệ lụy", Thống đốc nói. Ông cho biết, hoạt động sai trái của cổ đông này không diễn tại VNCB, mà thông qua hoạt động vay mượn ở nơi khác. 

"Giám sát tại chỗ chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu sai phạm, mà phải kiểm tra ở nơi khác và kịp thời phối hợp với cơ quan công an. Vì vậy sai phạm này không gây xáo trộn hệ thống ngân hàng", Thống đốc nhấn mạnh vào thời điểm trả lời chất vấn.

Cổ đông lớn của VNCB là ai?

Theo thông báo của VNCB, tại thời điểm 31/5/2013, VNCB có 551 cổ đông. Trong đó có 545 cổ đông thể nhân và 6 cổ đông pháp nhân, gồm 3 cổ đông khối văn phòng nhà nước, 1 tổ chức tín dụng (Agribank), Công ty lương thực Long An (DNNN) và Tập đoàn Thiên Thanh.

Hiện tại, chưa rõ danh sách cổ đông này có thay đổi hay không, song với việc NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNBC với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần, toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNBC đã bị chấm dứt.

TIN LIÊN QUAN
Quốc hữu hóa ngân hàng Xây dựng, Vietcombank tham gia điều hành
Ngân hàng Xây dựng Đại hội cổ đông bất thường lần 2
Đẩy mạnh tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng
Rút tiền: Không xảy ra hiệu ứng domino
Vietcombank cử nhân tài sang Ngân hàng Xây dựng

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư