Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Toàn cảnh xét xử đại án bầu Kiên
PV - 16/04/2014 07:30
 
Hôm nay, 16/4, cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) cùng 5 cựu lãnh đạo cao cấp của nhà băng này bị đưa ra xét xử tại TAND Hà Nội với cáo buộc cố ý làm trái gây thiệt hại  hàng nghìn tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Huyền Như "xỏ mũi" Bầu Kiên như thế nào?
Ngày 16/4 xét xử bầu Kiên, kéo dài nửa tháng
Vụ "bầu Kiên": Điều tra 22 ngân hàng nhận tiền gửi vượt trần từ nhân viên ACB
Diễn biến cuộc vây bắt bầu Kiên
Bầu Kiên bị kê biên hàng ngàn m2 nhà đất
Hình ảnh trong tù của Bầu Kiên một thời hét ra lửa
Cựu phó chủ tịch ACB Phạm Trung Cang bị phục hồi điều tra

Nhấn F5 để liên tục cập nhật...

14h30: Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính tuyên bố hoãn tòa, vì lý do sức khỏe của bị cáo Trần Xuân Giá. Tòa xét thấy, nếu không có mặt ông Giá tại tòa, sẽ không đảm bảo cho quá trình xét xử.

14h: Tòa bắt đầu làm việc. Bầu Kiên bước ra tòa với đôi dép lê tổ ong mầu trắng và vẫn bộ trang phục áo sơ mi, quần vải, sơ-vin như buổi sáng.

11h15: Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phiên xét xử buổi sáng. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào 14h chiều nay, 16/4.

10h58: Trước ý kiến của luật sư và bị cáo Kiên, HĐXX đã nghỉ hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX nhận thấy một số vấn đề như sau:

Luật sư yêu cầu triệu tập ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, tuy nhiên Tòa đã triệu tập Vietinbank và Ngân hàng này đã ủy quyền cho luật sư tham gia nên không cần triệu tập ông Hùng.

Đối với đề nghị của luật sư xin hoãn phiên tòa vì vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chưa kết thúc, tòa thấy rằng đây là 2 vụ án độc lập về tội danh. Tòa đã triệu tập Huỳnh Thị Huyền Như ra tòa để đối chất trong vụ án này. 

Do đó, tòa sẽ tiếp tục tiến hành xét xử.

10h15: Sau khi các luật sư đề nghị hoãn tòa với nhiều lý do khác nhau thì bầu Kiên cho rằng phiên tòa cần được tiếp tục.

Ông Kiên cho rằng bị buộc tội kinh doanh trái phép nhưng tất cả các việc làm đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định nên yêu cầu Tòa án triệu tập Phòng ĐKKD TP HCM, Phòng ĐKKD Hà Nội, đại diện các bộ Công thương, KHĐT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Ông Kiên đề nghị triệu tập một số cá nhân mà Tòa đã mời gồm ông Trần Mộng Hùng với tư cách nhân chứng, ông Đỗ Minh Toàn, Chủ tịch Hội đồng tín dụng ACB vào thời điểm trước khi bị bắt. Theo ông Kiên, đây là nhân chứng quan trọng với bị cáo.

Trong đơn bị cáo Kiên gửi Tòa án và Viện Kiểm sát, bị cáo đề nghị triệu tập bổ sung 3 người gồm ông Dũng, hiện nay là Phó TGĐ Ngân hàng ACB, bà Lâm, Phó TGĐ chi nhánh Thăng Long (Ngân hàng ACB), ông Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng Cục thuế) người đã xử lý việc quyết toán thuế của Công ty BIB.

Bị cáo Kiên cho rằng bị cáo không có tội và bị oan. Bị cáo mong muốn được xét xử sớm, công khai cho dư luận biết rõ.

Bị cáo Kiên cho rằng không liên quan đến vụ án Huyền Như và đề nghị Tòa án xét xử trước 3 tội danh không liên quan đến bị cáo Trần Xuân Giá. Sự vắng mặt của ông Giá không ảnh hưởng đến 3 tội danh khác (Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản) mà bị cáo đang bị truy tố.

Ngoài ra, trình bày của bị cáo Kiên cho thấy bị cáo này từ chối mặc đồng phục do trại tạm giam cấp và đề nghị không áp dụng biện pháp cùm chân trong quá tình dẫn giải.

10h:Các luật sư trình bày quan điểm về vụ án tại Tòa, theo đó luật sư đại diện cho bị cáo Trần Xuân Giá vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị xin hoãn phiên tòa xét xử với nhiều lý do, trong đó có lý do, thân chủ của mình là ông Trần Xuân Giá bị ốm không đến được được tòa.

Các luật sư cũng có ý kiến về tư cách tham gia tố tụng của một số tổ chức và cá nhân không phù hợp, cần thay đổi. Ví dụ như tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank, luật sư đề nghị triệu tập Vietinbank với tư cách nguyên đơn dân sự.

Về Huỳnh Thị Huyền Như, có luật sư nêu ý kiến, trong hồ sơ vụ án thể hiện Huyền Như là bị can nhưng lại triệu tập đến phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vậy? Đề nghị làm rõ

Trong khi đó, đại diện Vietinbank cho rằng không có căn cứ để cho rằng Vietinbank là nguyên đơn dân sự và đề nghị HĐXX vẫn tiếp tục xét xử.

Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật BASICO) kiến nghị làm rõ tư cách tham dự phiên tòa của Ngân hàng ACB, Tòa án triệu tập Ngân hàng ACB với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng trong quyết định đưa ra xét xử lại là nguyên đơn dân sự.

Từ ngày 1/8/2013 đến nay ACB liên tục có văn bản đề nghị cấp bản kết luận điều tra vụ án nhưng đến tận 19h30 ngày 15/4, ACB mới nhận được kết luận điều tra.

Ngoài ra, ACB khẳng định là không phải là nguyên đơn dân sự, ACB không chịu thiệt hại về  khoản tiền 718,9 tỷ và 687,7 tỷ đồng, cũng chưa bao giờ có văn bản đề nghị các bị cáo bồi thường mà yêu cầu Vietinbank phải trả số tiền 718,9 tỷ đồng. Vì vậy, Luật sư Đức yêu cầu hoãn phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng khoản tiền 718 tỷ đồng liên quan đến thân chủ của ông nằm trong vụ án Huyền Như nhưng cho đến nay vụ án này chưa kết thúc, đề nghị bổ sung tài liệu có hiệu lực pháp luật để đảm bảo điều kiện cần và đủ để xét xử.

9h40:  Huỳnh Thị Huyền Như trong vụ đại án lừa đảo xảy ra tại Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè có mặt tại tòa với tư cách tại tòa là người có liên quan đến vụ án này. Huyền Như xuất hiện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới phóng viên.

  Huỳnh Thị Huyền Như  
  Huỳnh Thị Huyền Như, bị án trong vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 5.000 tỷ đồng, bị trích xuất ra Hà Nội phục vụ phiên xét xử.  Ảnh: Bảo Thắng  

9h30: Trong số các tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, có tên các tổ chức tín dụng: Ngân hàng TMCP Phương Nam; Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín; Ngân hàng TMCP Đại Á (đã sáp nhập với HDBank); Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank); Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank; Ngân hàng TMCP Kiên Long; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TPHCM; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Chủ tọa phiên tòa kiểm tra sự có mặt của các Ngân hàng tại phiên tòa. Theo đó, 2 đại diện ủy quyền của chi nhánh Ngân hàng Công thương tại TP.HCM và chi nhánh Nhà Bè đã có mặt.

Trong danh sách này (Danh sách những người tham gia tố tụng vụ án đi kèm Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ngày 26/3/2014) còn có cả Tập đoàn Hòa Phát. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cũng có tên trong danh sách nhân chứng.

Việc làm chứng tại tòa của ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương có liên quan đến việc mua bán 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát trị giá 264 tỉ đồng giữa Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Tập đoàn Hòa Phát. Trong báo cáo tài chính năm 2013, Tập đoàn Hòa Phát nêu rõ đã nhận lại khoản tiền nói trên và đã hoàn nhập dự phòng tài chính.

Đại diện Cty Hòa Phát cũng có mặt tại phiên tòa.

   
  Bị cáo Phạm Trung Cang, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng ACB, được tại ngoại và tại phiên tòa khi trả lời phần hỏi đáp kiểm tra căn cước vẫn còn đeo điện thoại di động nơi thắt lưng.  

9h10: Theo quyết định đưa ra xét xử, phiên tòa sơ thẩm sẽ có 9 bị cáo hầu tòa  trong đó: Nguyễn Đức Kiên bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép.

6 bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.Trong đó có Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn. Riêng Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tham dự phiên tòa, Bầu Kiên mặc áo sơ mi sọc xanh, quần âu sơ-vin, đi dép lê, các bị cáo còn lại mặc trang phục áo xanh công nhân. Ngồi xen lẫn họ là cảnh sát. Bầu Kiên có phần gầy hơn so với trước khi bị bắt.

Bầu Kiên khá nhanh nhẹn, trả lời rất rành rọt, thể hiện trí nhớ rất tốt về các chức vụ từng kinh qua, địa chỉ gia đình, thời điểm bị bắt v.v...

Trước phiên tòa này, Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) một trong bốn luật sư bào chữa cho bầu Kiên cho biết, trước phiên tòa ông đã gặp Bầu Kiên trong trại giam.

Ông Nghiêm cho biết, ông Kiên trông khoẻ mạnh, tầm chừng 60-65 kg. So với trước khi bị bắt ông giảm khoảng 15-20 kg. Ông kể với các luật sư suốt thời gian trong trại ông gần như ăn hết khẩu phần, tập thể dục đều đặn. Ông có hai việc để làm hàng ngày: tập thể dục và tập trung suy nghĩ về những việc làm đã qua của bản thân. Có ngày ông hít đất hàng trăm cái, động tác thể dục mà cả đời trước đó ông ít khi làm (Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

8h49: Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính thông báo, bị cáo Trần Xuân Giá xin vắng mặt ngày 16/4, sẽ tới phiên tòa vào ngày mai (17/4). Luật sư của ông Giá cho biết, ông Giá xin vắng mặt vì lý do sức khỏe.

8h30: Hàng trăm phóng viên đang tác nghiệp tại tòa Hà Nội theo dõi vụ xử án này đang bị mất điện trong phòng cách ly (theo dõi qua màn hình). Phiên xử bắt bắt đầu với phần công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử của chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính. Hội đồng Xét xử kiểm tra căn cước các bị cáo cùng các bên liên quan.

   Bầu Kiên tại phiên tòa  
  Bầu Kiên đang nghe chủ tọa phiên tòa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ảnh: Bảo Thắng.  

8h: Những người được Hội đồng xét xử triệu tập, được mời đến dự tòa làm xong thủ tục. Các phóng viên báo đài phải sang cổng phụ bên cạnh để rà soát thẻ dự tòa, cũng như soi chiếu các thiết bị máy ảnh, máy quay...

7h30: Phóng viên vẫn phải đứng ngoài cổng chờ làm thủ tục vào dự tòa. Hai bên vỉa hè, người dân cũng đang tập trung đông dần để theo dõi phiên tòa.

6h45: Xe chở các bị cáo đến phiên tòa, tránh các ống kính máy ảnh.

6h30: Hàng chục cảnh sát đã có mặt, kiểm soát an ninh quanh khu vực cổng tòa. Sau đó, đoàn xe chở các bị can đã tới tòa.

Hôm nay, TAND Hà Nội mở phiên xử Nguyễn Đức Kiên cùng 8 người với về 4 tội: Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. 

Chủ tọa là Phó chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, người từng cầm trịch xét xử nhiều vụ án lớn. Khoảng 20 luật sư dự kiến sẽ tham gia bào chữa cho các bị cáo, riêng ông Kiên mời 4 người.

Thẩm phán thứ hai là ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Chánh tòa hình sự, Thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Xuân Hùng và bà Phan Thanh Huyền. Hai thư ký là Đinh Quốc Trí và Lê Anh Tuấn,

Hai kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Đào Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Yến, Kiểm sát viên.

  xét xử bầu Kiên trong đại án tại ACB  
  Tòa án TAND Hà Nội - nơi xét xử bầu Kiên và đồng phạm trong đại án ACB  

Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, khoảng 6h30, hàng chục cảnh sát đã có mặt, kiểm soát an ninh quanh khu vực cổng tòa. Sau đó, đoàn xe chở các bị can đã tới tòa.

Lần này, Tòa xét xử 9 bị can, trong đó có 4 người bị tạm giam gồm: Nguyễn Đức Kiên (cựu phó chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (cựu tổng giám đốc ACB) cùng Trần Ngọc Thanh (giám đốc Công ty ACBI), Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng ACBI).

Được biết, có 6 luật sư tham gia tố tụng tại vụ án này gửi văn bản đề nghị hoãn phiên xử tới TAND Hà Nội. Một trong các lý do là kết luận tại phiên phúc thẩm của vụ lừa đảo do Huỳnh Thị Huyền Như chủ mưu có ý nghĩa quyết định đến việc xác định thiệt hại của Ngân hàng ACB cũng như xác định tội danh cố ý làm trái quy định cùng trách nhiệm dân sự của ông Kiên và người liên quan.

Theo luật sư, trong trường hợp, cấp phúc thẩm tuyên buộc Vietinbank bồi thường toàn bộ số tiền Huyền Như chiếm đoạt thì đồng nghĩa với việc ACB không có thiệt hại. Khi đó ông Kiên cùng đồng phạm dù có cố ý làm trái khi ủy thác cho hàng chục nhân viên mang tiền của ACB đi gửi tiết kiệm tại Vietinbank thì cũng sẽ không cấu thành tội phạm như truy tố của VKSND Tối cao.

Theo cáo buộc, từ năm 1993, ông Kiên sở hữu gần 3,8% cổ phiếu của ngân hàng ACB, giữ chức Phó chủ tịch HĐQT trong 14 năm (1994-2008), Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB trong 9 năm (2003-2012). Trong thời gian này, ông thành lập 6 công ty gồm: Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty cổ phần đầu tư Thương mại B&B, Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư Á Châu và công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Cả 6 công ty đều do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT.

Theo cơ quan công tố, từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, thông qua 6 công ty này, ông Kiên đã tổ chức kinh doanh không đúng với giấy phép khi mua bán cổ phần, cổ phiếu, vàng với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

Ở cáo buộc cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ngoài ông Kiên còn có nhiều lãnh đạo cao cấp của ACB bị cho có liên quan. Theo VKS, ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT ACB cùng Nguyễn Đức Kiên ra quyết định về việc uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền, ngoại tệ ở những tổ chức tín dụng. 

Từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, ông Lý Xuân Hải đã uỷ quyền cho kế toán trưởng uỷ thác gần 720 tỷ đồng cho 19 nhân viên ngân hàng gửi tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP HCM. Lãi suất ghi trong hợp đồng là 14% một năm, lãi suất thỏa thuận ngoài hợp đồng từ 3,7 đến 13% một năm.

Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền trưởng phòng giao dịch Điên Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP HCM) sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB.

VKS còn phát hiện trong thời gian nắm giữ vai trò quan trọng tại ngân hàng ACB, ông Kiên cùng một số lãnh đạo ACB khác đã ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại gần 690 tỷ đồng. Do đó, các ông này bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự vì gây thiệt hại cho ngân hàng ACB hơn 1.400 tỷ đồng.

Ngoài kinh doanh trái phép, theo cơ quan công tố, ông Kiên còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), thế chấp 20 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hoà Phát để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng ACB. Song với tư cách là chủ tịch HĐQT, ông Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc ACBI), Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng) lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định về việc bán số cổ phần để tạo lòng tin với Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát làm công ty này tin số cổ phần này đang được ACBI quản lý, chưa chuyển nhượng và có tranh chấp.

Do vậy, ngày 21/5/2012, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thép Hòa Phát đã ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần này và chuyển 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI.

Nguyễn Đức Kiên bị cho là chủ mưu lừa đảo trong vụ này và Thanh, Yến là đồng phạm giúp sức.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư