Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 12 năm 2024,
Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2024
Baodautu.vn - 28/12/2024 12:10
 
Báo Đầu tư trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 ngành Kế hoạch và Đầu tư.
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 ngành Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ!

Thưa các đồng chí Lãnh đạo Bộ, ban, ngành, địa phương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và toàn thể Hội nghị!

Trước hết, thay mặt ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê cả nước, Tôi xin trân trọng cảm ơn quý vị đại biểu, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian đến dự Hội nghị và phát biểu động viên, chỉ đạo toàn Ngành. Đây là nguồn khích lệ to lớn đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành để tiếp tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; phát huy hơn nữa tinh thần đột phá, đổi mới sáng tạo; luôn giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên vì đất nước, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.

Điều này càng có ý nghĩa hơn trước các thành tựu rất đáng tự hào, đáng trân trọng của nước ta trong năm 2024, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỷ niệm tròn 79 năm thành lập và chuẩn bị bước sang năm thứ 80 của chặng đường hình thành và phát triển, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, nhất là chặng đường 40 năm đổi mới.

Chúng ta cũng chuẩn bị bước vào năm 2025 tăng trưởng bứt phá, cả nước đang hừng hực khí thế mới và động lực mới, tự tin, khát vọng chuyển mình để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc; 2025 cũng là năm cuối về đích kế hoạch 05 năm 2021-2025 và xây dựng định hướng cho giai đoạn 2026-2030 trong bối cảnh thực hiện một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hướng tới mục tiêu tăng cường xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả.

Đây cũng là dịp, toàn Ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê cùng nhìn lại không chỉ một năm qua mà còn cả chặng đường phát triển để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tham mưu; để sẵn sàng tâm thế cho những trọng trách mới, tầm nhìn và tư duy phát triển mới; tiên phong mở đường và đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.

Từ đầu năm 2020 đến nay và nhất là năm 2024, tình hình thế giới biến động hết sức phức tạp, nhanh chóng, khó lường; thế giới cũng đã chứng kiến nhiều thay đổi và điều chỉnh có tính thời đại; cục diện chính trị, cấu trúc kinh tế, tổ chức sản xuất và đời sống xã hội toàn cầu đang định hình lại nhanh chóng; cùng với đó là thách thức về xung đột, bất ổn tại một số quốc gia, khu vực; cạnh tranh, bảo hộ, đối đầu giữa các nền kinh tế lớn; cùng với đó là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, đói nghèo…

Diễn biến tình hình thế giới đã tác động không nhỏ, cả trước mắt và lâu dài đến kinh tế - xã hội nước ta. Nhưng chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong năm 2024. Đặc biệt ở chỗ là chúng ta đã hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu trong tâm thế tự tin, bản lĩnh, chủ động và khẳng định được tầm vóc, vị thế, uy tín của đất nước trong xu thế phát triển của nhân loại về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Chúng ta đã thực sự gặt hái được những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tạo cơ đồ, vị thế, thời cơ, cơ hội để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Có được thành tựu này trước hết là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, khẳng định sứ mệnh, vai trò, vị thế của một cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược của Đảng và Nhà nước trên mỗi chặng đường phát triển của đất nước.

Tôi xin thay mặt Lãnh đạo Bộ cảm ơn các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê, các đồng chí nguyên lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Ngành và gia đình các đồng chí về những nỗ lực không mệt mỏi của mình để đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước, cùng nhau xây dựng và vun đắp bề dày truyền thống vẻ vang của Ngành và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong suốt 80 năm qua, nhất là trong 40 năm Đổi mới đến nay.

Có được kết quả này, Tôi cũng xin được trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, người luôn quan tâm, theo dõi, động viên, truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê. Xin cảm ơn sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế, cảm ơn sự đồng hành và chia sẻ của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí,

Nhìn lại năm 2024, cùng với thành tựu chung của cả nước, ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê cũng đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, có thể khái quát thành 10 điểm sáng như sau:

(1) Chúng ta đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hình thành một hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về kỷ nguyên phát triển vươn mình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Đó là tư duy chủ động kiến tạo, tăng trưởng bứt tốc, phát triển đột phá, quyết định tương lai, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển; tầm nhìn về thời điểm “hội tụ” các lợi thế, sức mạnh để cất cánh, phát triển mạnh mẽ và toàn diện, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và thịnh vượng.

Chúng ta đã khẳng định quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản thể chế, biến “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá” cho phát triển, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực của nền kinh tế; thể hiện rõ nét ở quá trình phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt, phát huy hiệu quả nguồn lực công và năng lực quản lý cấp thực hiện trong Luật Đầu tư công (sửa đổi); chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật về đầu tư, trong đó, kiến tạo “luồng xanh” để rút ngắn thủ tục của các dự án đổi mới sáng tạo, bán dẫn, công nghệ cao trong khu công nghiệp đến 260 ngày để dự án sớm khởi công, đưa vào khai thác, vận hành.

Trong công tác kế hoạch hóa và quản lý nhà nước, chúng ta đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách và kiểm tra, giám sát. Qua đó, giải phóng được nguồn lực, thời gian, công sức để cán bộ, công chức toàn Ngành tập trung nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô, như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, nguồn lực, mô hình kinh tế mới… Để từ đó, củng cố bản lĩnh, tự tin trước những trọng trách mới, nhiệm vụ mới, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

(2) Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, không ngừng phát huy những thành tựu đạt được sau 40 năm Đổi mới, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, giúp nước ta tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Chúng ta đã tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo để chủ động, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế và yêu cầu phát triển đặt ra. Kết thúc năm 2024, chúng ta có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%).

Ngành cũng phát huy hiệu quả vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. Nhiều địa phương tiếp tục đạt được kết quả rất tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, nhất là các địa phương động lực như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương…

(3) Thực hiện 03 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả rõ nét nhờ đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức tổ chức triển khai.

Về thể chế, tư duy xây dựng pháp luật đã chuyển đổi theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, tư duy quản lý không cứng nhắc nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Về hạ tầng, dự án đường dây 500kV mạch 3 có quy mô khoảng 01 tỷ USD, được hoàn thành chỉ trong 6 tháng, là biểu tượng của sức mạnh niềm tin, sự đoàn kết, tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, trở thành hình mẫu để triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn hiện tại cũng như sắp tới, là bài học quý về tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Chính phủ, mà trực tiếp là đồng chí Thủ tướng Chinh phủ Phạm Minh Chính.

Về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, nước ta đã khẳng định được vị thế trên bản đồ đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thế giới; ban hành Chiến lược ngành bán dẫn và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn, để chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

(4) Nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.

(5) Nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Đặc biệt là, Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở Châu Á.

(6) Khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Việc xử lý các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả đạt kết quả tích cực. Tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác, đoàn làm việc của Thành viên Chính phủ, các tổ công tác tại địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

(7) Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao… và các mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do… tại một số địa phương.

(8) Công tác quy hoạch cơ bản hoàn thành. Phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, triển khai các chương trình, dự án có tính vùng và thúc đẩy liên kết vùng, tạo các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.

(9) Giữ vững ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội…, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, môi trường kinh doanh của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài với sự phát triển của Việt Nam.

(10) Hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao về công nghệ đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đẩy mạnh đối thoại kinh tế với các nước đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, các doanh nghiệp lớn toàn cầu… nâng cao vị thế, uy tín đất nước và mở ra các cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển. Hợp tác Vành đai con đường, các hoạt động ngoại giao với Lào, Campuchia, các nước lưu vực sông Mê kông… tiếp tục được đẩy mạnh.

Đây là những kết quả quan trọng, tạo đà, khí thế mới để phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026-2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Những kết quả nêu trên cũng phản ánh sự đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê. Đó là thành tựu của quá trình kiên trì đổi mới của lớp lớp thế hệ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, là sự kết hợp giữa bản lĩnh, trí tuệ, tư duy đột phá và sự kiên định đến cùng đối với công tác tham mưu của mình, vượt qua lợi ích riêng để vì cái chung của đất nước.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí,

Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, đáng tự hào, nhưng chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận còn có những mặt tồn tại, hạn chế, chưa làm được như kỳ vọng. Công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu còn có những lúc chưa kịp thời, chưa bao quát hết tác động, nhất là những vấn đề phức tạp, bất ngờ phát sinh; một số công việc triển khai còn chậm; năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong tham mưu, chưa làm tròn trách nhiệm được giao.

Từ những kết quả đạt được và hạn chế, bất cập nêu trên, Tôi xin rút ra 05 bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, triển khai công việc thời gian tới như sau:

(1) Không ngừng rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ; luôn kiên trì, kiên định, giữ vững tinh thần đột phá, tiên phong trong cải cách và đổi mới, khát vọng phát triển, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ được giao; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể để phục vụ; xây dựng mọi chính sách đều hướng tới mục tiêu phải mang lại hạnh phúc cho người dân.

(2) Quán triệt nghiêm, bám sát chủ trương, quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác tham mưu chính sách và tổ chức thực hiện.

(3) Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; phát huy trí tuệ tập thể, đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng vì nhiệm vụ chung; không lồng ghép lợi ích cá nhân, tham nhũng, tiêu cực.

(4) Bám sát thực tiễn và yêu cầu phát triển, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình; chủ động nghiên cứu, tìm tòi hướng đi, giải pháp mới kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm trong tham mưu, triển khai nhiệm vụ, công việc được giao.

(5) Tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước, huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính, tri thức từ các chuyên gia, nhà khoa học, phát huy trí tuệ tập thể để phục vụ nghiên cứu, tham mưu chính sách.

Bối cảnh mới, yêu cầu mới đặt ra trong năm 2025 và giai đoạn tới đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê phải luôn nỗ lực, cố gắng, quyết tâm vượt qua chính mình để luôn tự hào và phát huy truyền thống quý báu của toàn Ngành trước những trọng trách, nhiệm vụ mới, đồng hành và nỗ lực trong mỗi chặng đường phát triển mới của đất nước.

Khi đã thông về chủ trương, đường lối, thống nhất và hành động theo tư duy, tầm nhìn chiến lược về kỷ nguyên mới, chắc về chuyên môn, vững về pháp luật, với một tâm sáng, bầu nhiệt huyết, trái tim kiên định, bản lĩnh thì chúng ta có thể làm được mọi việc, khẳng định được vị trí, vai trò của Ngành và của tập thể đơn vị, cá nhân ở mọi vị trí, mọi trọng trách, mọi nhiệm vụ được giao.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí,

Năm 2025 cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Toàn ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê đang đứng trước thời khắc lịch sử mới của đất nước và của ngành, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Tôi xin nêu 06 vấn đề có tính then chốt và thách thức đặt ra đối với đất nước, cũng như trong công tác tham mưu chiến lược năm 2025, giai đoạn 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

(1) Tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tiếp sau Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và Kỷ nguyên đổi mới.

Trong 20 năm tới, nước ta phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức 2 con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, cũng là thời kỳ chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của Việt Nam để đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra.

Từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới; chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội cho phát triển, nhất là thời cơ mới có thể xuất hiện giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới; nắm bắt sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, sự định hình những trật tự và cấu trúc mới về đầu tư, thương mại, tài chính. Các vùng động lực quan trọng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (hiện chiến hơn 60% GDP cả nước) và 2 cực tăng trưởng là là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (hiện chiếm 28% GDP cả nước) cũng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước. 

(2) Dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều, nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân. Do vậy, cần tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân; Phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc, tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, dẫn dắt cho tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, các địa phương; Tháo gỡ ngay những nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án, cả Nhà nước và tư nhân để giải phóng ngay nguồn lực bị tồn đọng, ách tắc, lãng phí, từ đó đóng góp đáng kể cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, thu NSNN, tạo việc làm…

(3) Cần xây dựng những thể chế vượt trội để doanh nghiệp nhà nước khẳng định được vị trí, vai trò chủ đạo và sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.

(4) Đầu tư nước ngoài trong tình hình mới còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, thiếu gắn kết, chưa thúc đẩy chuyển giao công nghệ và cải thiện vị trí của nước ta trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

(5) Quản trị quốc gia là vấn đề rất quan trọng nhưng chưa theo kịp xu hướng biến đổi nhanh của thế giới. Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế. Vẫn tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa, mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp.

(6) Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực chủ yếu cho phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó là các thách thức về thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí,

Trong khó khăn, thách thức luôn có cơ hội, nếu nhận diện được hoặc chủ động tạo ra cơ hội và biết chớp thời cơ, thì thách thức cũng có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Toàn ngành phải chủ động nắm bắt thời cuộc, nhanh nhạy, linh hoạt và bản lĩnh để tranh thủ cơ hội phát triển, tìm ra hướng đi mới, động lực mới để phát triển đất nước.

Chúng tôi nhận thức sâu sắc về vai trò, sứ mệnh, trọng trách và những yêu cầu mới của Đảng, Nhà nước đặt ra cho ngành trong công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn cất cánh, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, bứt phá của đất nước thời gian tới. Càng trong thách thức, thì lại càng cần hơn nữa sự đoàn kết vì lợi ích chung, trí tuệ tập thể, ý chí quyết tâm đột phá, đổi mới sáng tạo của toàn ngành trong việc phấn đấu thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.

Tôi đề nghị và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê, dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thách thức nào, bất kỳ vị trí công tác nào, nhiệm vụ nào, cũng phải nỗ lực hơn nữa, trí tuệ và bản lĩnh hơn nữa, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của 80 năm thành lập và phát triển để đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

(1) Thực hiện tốt nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu với Đảng, Nhà nước về tổng kết 40 năm Đổi mới, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2026-2030; phải cụ thể hóa, thể chế hóa bằng được tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên phát triển mới; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách đột phá, khả thi, hiệu quả cho giai đoạn phát triển tới của đất nước.

(2) Theo dõi sát, nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê để chủ động tham mưu, đề xuất; phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; nhất quán quan điểm lấy phát triển để ổn định và ổn định làm tiền đề cho phát triển; ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

(3) Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đề án lớn trong năm 2025 để tập trung nguồn lực, thời gian cho các dự án, nhiệm vụ ưu tiên mới trong giai đoạn 2026-2030; hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, nước ta có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km và đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối với Trung Quốc, các dự án năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo…

(4) Khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội; bảo đảm sự gắn kết giữa chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nguồn lực của Nhà nước để triển khai thực hiện. Phát huy hiệu quả vai trò là cơ quan thường trực, cơ quan thành viên của các Ban chỉ đạo, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án, khơi thông nguồn lực đang bị tồn đọng, ách tắc của xã hội, đóng góp ngay cho tăng trưởng, thu NSNN, việc làm… Phát triển các hành lang, vành đai kinh tế gắn với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, tạo không gian phát triển mới, phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.

(5) Đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tháo gỡ. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.

(6) Tăng cường đối thoại kinh tế, thu hút các dự án FDI lớn, có tính lan tỏa, dẫn dắt cho các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, chuỗi giá trị trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng chính sách đủ mạnh để kết nối kinh doanh, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

(7) Tập trung nguồn lực cho các cực tăng trưởng, vùng động lực và hành lang kinh tế, tạo sức bật và lan tỏa ra các vùng, địa phương khác trên cả nước. Tập trung đầu tư đủ mức, dứt điểm đối với các dự án hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn của vùng. Tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, giải quyết các vấn đề có tính vùng và tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.

(8) Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu phát triển các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng mới; đi tắt đón đầu cùng xu thế phát triển của thế giới. Trước mắt, triển khai hiệu quả các đề án trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, các khu thương mại tự do tại một số địa phương, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn… cũng như các xu thế phát triển về đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo…

(9) Phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả các trung tâm ở các vùng, địa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước.

(10) Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất để tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê, dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thách thức nào, bất kỳ vị trí công tác nào, nhiệm vụ nào, cũng phải nỗ lực hơn nữa, trí tuệ và bản lĩnh hơn nữa. Ảnh: Đức Thanh

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các đồng chí,

Lịch sử hình thành và phát triển của ngành suốt 79 năm qua và chuẩn bị bước sang năm thứ 80 đồng hành cùng đất nước, dân tộc đã cho thấy ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, trọng trách và nhiệm vụ được giao, luôn khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược; luôn được Đảng và Nhà nước tin cậy, giao phó nhiều trọng trách quan trọng, nhiệm vụ lớn và cũng được Đảng, Nhà nước ghi nhận nhiều công lao đóng góp, đánh giá cao và được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý nhất của Nhà nước. Mỗi chặng đường, mỗi dấu mốc lịch sử của đất nước đều ghi dấu ấn và đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê.

Trong thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, nghiêm túc quán triệt, triển khai Kết luận số 09-KL/TW và các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng đề án hợp nhất 2 cơ quan, đáp ứng yêu cầu tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ.  

Thời gian tới, tổ chức bộ máy của cơ quan sẽ có sự thay đổi nhưng chức năng, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, thống kê không thay đổi, thậm chí còn nhiều hơn với yêu cầu, đỏi hỏi cao hơn. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê xin hứa: “Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ vị trí công tác nào, hoạt động dưới bất kỳ hình thức tổ chức, tên gọi nào, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử 80 năm hình thành và phát triển, tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và lòng tự hào, giữ vững ngọn cờ cải cách, tiên phong đổi mới, không ngừng nỗ lực cống hiến, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, cùng hướng về phía trước, tiến bước vững vàng, viết lên trang sử mới của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê.

Nhân dịp năm mới 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để Bộ và toàn Ngành hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Xin kính chúc Thủ tướng Chính phủ, toàn thể quý vị đại biểu, cán bộ, công chức, viên chức ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê, cùng các phóng viên báo chí dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công, bước vào năm mới với một tâm thế tự tin và khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới, thành công mới.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư