-
Đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm hiểu hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận TP.HCM -
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách để Hà Nội chuyển đổi số hiệu quả -
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương -
Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ để xây mới -
Ưu đãi thuế, lo doanh nghiệp nhỏ “không chịu lớn” -
Bộ Kế hoạch Đầu tư tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua khen thưởng năm 2024
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước,
Trước hết tôi xin cảm ơn sự tín nhiệm của các vị Đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước.
Qua 10 ngày diễn ra kỳ họp, Quốc hội đã dành nhiều ngày thảo luận, chất vấn và cho ý kiến về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, xây dựng pháp luật, trong đó có những vấn đề hệ trọng của đất nước. Các ý kiến hết sức đa dạng và sâu sắc, thậm chí có những ý kiến trái nhau nhưng tất cả đều rất thẳng thắn và tâm huyết, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các vị Đại biểu đối với cử tri cũng như đối với đất nước.
Thưa Quốc hội,
Thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, chúng ta đang tiếp tục hiện thực hóa mong ước bình dị nhưng vĩ đại này của Bác. Chính vì vậy, sứ mệnh của chúng ta là phải phát triển không ngừng, phát triển bền vững sao cho đất nước trở nên tự lực, tự cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu; người dân được tạo không gian để phát huy cao nhất năng lực và sức sáng tạo của mình; không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
Thưa toàn thể quý vị Đại biểu,
Gần 75 năm sau ngày độc lập, gần 45 năm sau thống nhất và hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công trong phát triển và giảm nghèo. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam” ghi nhận trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục triệu người.
Mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.
Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỉ đô-la Mỹ năm 1985 lên ước đạt 244 tỉ đô-la Mỹ năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 đô-la Mỹ nay đã tăng lên gần 2.540 đô-la Mỹ (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 đô-la Mỹ). Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần…
Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững. Thực hiện nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa- tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội; củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến.
Để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp. Chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta sẽ tận dụng tốt các cơ hội, luôn chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào lý tưởng và mục tiêu về một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Nhìn lại chặng đường đổi mới hơn 30 năm qua không phải chỉ để thấy niềm tin và tự hào mà quan trọng hơn là giúp chúng ta định hình cho chặng đường 30 năm tới và xa hơn nữa. Chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045- mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ giai đoạn khó khăn hay thuận lợi nào, tinh thần dân tộc phải là sức mạnh hạt nhân của thể chế và toàn bộ hệ thống chính trị, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, là ý chí của “Con Lạc cháu Hồng” đã từng tạo ra biết bao kỳ tích lịch sử và sẽ tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới cho chặng đường phát triển phía trước của dân tộc ta.
Nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, tạo quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng. Điều này càng trở nên cấp bách khi cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, nền kinh tế chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng ở mức độ chưa từng có vào kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do và 4 Hiệp định đang trong tiến trình đàm phán, ký kết.
Thưa Quốc hội,
Nhu cầu, mong muốn và sự quan tâm của người dân là rất đa dạng và không ngừng phát triển, từ những điều rất cơ bản như ăn-ở-đi lại cho đến nhu cầu được giáo dục, học hành và chữa bệnh; người dân muốn có cuộc sống an vui và khỏe mạnh, có việc làm, thu nhập và sự nghiệp v.v… Khi chúng ta còn nghèo thì nhu cầu có thể chỉ là “ăn no mặc ấm” nhưng xã hội khá giả hơn, nhu cầu của chúng ta không chỉ là “ăn ngon mặc đẹp”, mà còn là không gian phát triển ngày càng rộng mở hơn, hội nhập hơn với xu thế tiến bộ toàn cầu.
Rõ ràng không có thước đo tăng trưởng nào có thể lượng hóa được mọi nhu cầu này của người dân. Thực tiễn cho thấy có những nước có mức thu nhập bình quân đầu người như nhau nhưng chất lượng sống của người dân ở những nước này rất khác nhau. Nhiều nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người khá cao nhưng không phải nhóm người nào trong xã hội cũng được hưởng lợi thành quả tương xứng từ tăng trưởng. Tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, những bất cập về bình đẳng giới, chênh lệch quá lớn về mức sống và trình độ phát triển giữa các giai tầng xã hội và giữa các vùng miền là mầm mống của sự bất mãn và những căng thẳng xã hội. Như chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã khẳng định: “Mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển”. Phát triển bền vững trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, đảm bảo mọi thành viên trong xã hội có thể tham gia đóng góp và hưởng lợi tương xứng từ tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau- đó là nền tảng của phát triển bao trùm.
Từ phát triển kinh tế đến phát triển bền vững, rồi phát triển bao trùm không đơn thuần là sự thay đổi tên gọi mà ẩn sau đó là những nội hàm khác nhau, thể hiện quá trình đổi mới tư duy và nhận thức của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa sau cùng của sự phát triển, của các giá trị tiến bộ và văn minh của nhân loại.
Yêu cầu đổi mới tư duy và nhận thức càng cấp bách khi làn sóng công nghệ đột phá ra đời và đang lan rộng toàn cầu, trở thành trào lưu cách mạng, các quốc gia thu nhập trung bình nếu biết tận dụng thời cơ, tiếp cận công nghệ mới sẽ sớm vượt qua được ranh giới trình độ phát triển, thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo. Việt Nam chúng ta đang ở giai đoạn cần có xung lực mới cho phát triển, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và cũng không được phép đi sau trong thời đại cách mạng công nghiệp này.
Một trong những thách thức nổi lên từ Cách mạng 4.0 là làm tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Những lao động giản đơn rất dễ bị thay thế, trong khi đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương thu nhập. Việt Nam là một trong những nước chịu thách thức lớn của khả năng thay thế lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều lao động. Do vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho mình những điều kiện then chốt, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này phải là hiển nhiên và chúng ta có trách nhiệm trước lịch sử cũng như với thế hệ hôm nay trước sứ mệnh đưa tài nguyên con người trở thành ưu thế chủ đạo của Việt Nam trong bối cảnh hợp tác và cạnh tranh toàn cầu, bởi Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số vàng, quy mô dân số lớn thứ 14 thế giới với truyền thống hiếu học đã được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử văn hiến hàng ngàn năm.
Để góp phần giải quyết thách thức nêu trên, chúng ta cần tạo mọi điều kiện thúc đẩy sự phát triển cả về lượng lẫn về chất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông thôn, miền núi, các mô hình sinh kế mới của đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa vv... Một trong những mục tiêu kiến tạo-phát triển của Chính phủ chính là thúc đẩy sự kết nối tự nhiên giữa các thành phần và khu vực trong toàn bộ nền kinh tế, cùng nhau hướng tới sự cân bằng và thống nhất trong đa dạng. Chính phủ xem đây là một trong những chìa khóa giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước mọi biến động, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tự cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Thưa Quốc hội,
Theo quy luật phát triển, các quốc gia khi đạt mức thu nhập trung bình đều phải đối mặt với thách thức về lợi thế cạnh tranh. Ngân hàng Thế giới đã tổng kết và chỉ ra rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, số các quốc gia thoát được đói nghèo để đạt mức thu nhập trung bình là không nhiều, và số các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển còn ít hơn nữa. Việt Nam đang ở vào giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn, thách thức này. Tiền lương đang có xu hướng gia tăng. Cùng với đó, tốc độ tăng lực lượng lao động của Việt Nam đã giảm khá nhanh từ mức bình quân 2,7%/năm trong giai đoạn 2001-2010 xuống chỉ còn 1,4% trong giai đoạn 2011-2018, và dự báo trong giai đoạn 2011-2030 chỉ còn chưa tới 1%. Muốn duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Đổi mới sáng tạo, vì thế, là yêu cầu nội tại có tính cấp thiết của nền kinh tế.
Thưa toàn thể Quốc hội,
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã gần 3 năm, dù tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, nhiều mặt không thuận lợi đối với một nước hội nhập sâu như Việt Nam, nhưng chúng ta đã giữ được ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao với chất lượng được cải thiện. Thành quả này nhờ nỗ lực chung cả cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để phát triển mạnh mẽ và cải thiện hơn nữa cuộc sống của nhân dân.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau. Có câu nói: “Một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm với các đại biểu: Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn. Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa.
Thưa Quốc hội,
Tôi nhớ câu chuyện của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn năm 1976 khi về thăm quê thấy người dân đang luộc khoai mì đón Tết, đồng chí nói: “Bà con ta còn nghèo quá! Trong đời hoạt động cách mạng, tôi đã chịu nghèo khổ, nhưng bây giờ đất nước đã được thống nhất, phải lo làm sao để cho dân giàu lên. Phấn đấu để đồng bào ta, các ông bà già, trẻ con mỗi bữa có một quả trứng, một cốc sữa mà rất khó”. Mục tiêu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đặt ra rất giản dị: “Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh”.
Đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, đời sống của đại bộ phận người dân đã trở nên khá giả hơn trước đây rất nhiều nhưng thực tế vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng lõi nghèo còn nhiều hộ rất nghèo. Thực tế khó khăn đó luôn làm cho chúng ta day dứt, trăn trở, đầu tư nhiều nguồn lực và giải pháp nhằm cải thiện tình hình nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức dửng dưng, vô cảm trước đời sống của nhân dân. Tình trạng trên nóng-dưới lạnh, trên bảo - dưới không nghe vẫn tiếp tục tồn tại. Có những người nhiệt huyết cải cách nhưng bị nỗi sợ rủi ro ngăn cản, có người còn do dự với cải cách vì sợ mất quyền lợi; cũng có người chờ đợi người đi trước dẫn đường, có người muốn thấy hết lối đi mới cất bước. Trước thực trạng này chúng ta cần đồng tâm hợp lực, đồng bộ đổi mới sáng tạo trong xây dựng và thực thi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thực sự đi vào cuộc sống với một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại: Từ cuối thế kỷ 13, Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo đã chỉ ra chân lý là phải khoan thư sức dân thì đất nước mới mạnh, mới sâu rễ bền gốc. Khoan thư sức dân ngày nay là giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, kiên quyết loại trừ nạn quan liêu, tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. Để khoan thư sức dân, các ngành, các cấp phải nêu gương trong việc tiết kiệm công quỹ, quyết liệt chống tiêu cực, lãng phí. Không chỉ vậy, tất cả chúng ta, đặc biệt là cấp lãnh đạo phải là những tấm gương về tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, vì lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Trước Quốc hội, tôi yêu cầu mọi thành viên chính phủ và toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính nhà nước phải thấm nhuần, quán triệt đầy đủ tinh thần này; cụ thể hơn là thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.
Thưa Quốc hội,
Còn hơn một năm nữa sẽ bước sang một thập niên mới. Đây là mốc thời gian quan trọng trên con đường hiện thực hóa khát vọng mãnh liệt của các bậc tiền nhân cũng như của 100 triệu đồng bào ta, cả trong và ngoài nước, về một Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của chúng ta ngày hôm nay. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh (tôi xin nêu một ví dụ: Chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Nhân đây tôi đề nghị sửa lại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Tất cả chúng ta, toàn bộ hệ thống chính trị, cần chia sẻ trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ 21 như nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, các loại hình dịch vụ và công nghệ tài chính hiện đại v.v...
Là quốc gia có tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, vấn đề xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các yếu tố hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cùng với các thể chế quản trị phù hợp có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của chính tiến trình đô thị hóa cũng như mục tiêu tăng trưởng bao trùm của Việt Nam, không để ai bị bỏ lại phía sau như tôi nhiều lần nhấn mạnh ở trên. Điều này đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách đẩy mạnh các hình thức hợp tác công tư trên cơ sở tiếp thu những bài học kinh nghiệm từ những dự án đã và đang triển khai. Nếu không làm tốt những điều nêu trên thì tiến trình đô thị hóa sẽ khó trở thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, thậm chí còn để lại những hệ lụy lâu dài cũng như làm chậm bước tiến của chúng ta đi đến những mục tiêu trên con đường phát triển.
Thưa Quốc hội,
Dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019. Tôi nói con số lẻ thế có nghĩa gì? Là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm của chúng ta đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển. Trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự cũng lớn lao. Được sự tín nhiệm của các Đại biểu Quốc hội, đặc biệt là niềm tin mà nhân dân dành cho, các thành viên Chính phủ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Để kết thúc bài trình bày này, một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn quý Đại biểu về những ý kiến thảo luận, chất vấn đã giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra. Như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ nhậm chức: Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, tôi đề nghị tất cả chúng ta hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này. Tôi xin điểm nhanh một số trọng tâm mà Chính phủ sẽ triển khai như sau:
1. Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.
2. Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo NQ 24 của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập (nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh,…), nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia..
3. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25 của QH về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi NSNN hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi NSNN xuống mức 3,5% GDP vào năm 2020. Triển khai hiệu quả, minh bạch kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong mức Quốc hội quy định, trong đó có việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, hiệu quả sử dụng nợ công, chống thất thu ngân sách.
4. Thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải chiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
5. Ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm và mất an ninh trật tự an toàn xã hôi, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chóng cháy nổ,...
6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng.
7. Tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị- xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
8. Nâng cao hiệu quả đổi ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký.
9. Nỗ lực hết sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.
Vì thời gian có hạn, Thủ tướng Chính phủ không thể đề cập tất cả những vấn đề các vị Đại biểu Quốc hội đã thảo luận, chất vấn và phương án xử lý nhưng Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, sẽ chỉ đạo, triển khai cụ thể và sẽ báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội tại những kỳ họp tới đây.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!
-
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách để Hà Nội chuyển đổi số hiệu quả -
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương -
Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ để xây mới -
Công bố 6 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực văn hóa -
Ưu đãi thuế, lo doanh nghiệp nhỏ “không chịu lớn” -
Đại biểu tranh luận gay gắt về tăng thuế với rượu bia, nước uống có đường -
Bộ Kế hoạch Đầu tư tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua khen thưởng năm 2024
-
1 Vietjet xin đầu tư xây dựng hangar bảo dưỡng tàu bay tại Sân bay Đà Nẵng -
2 Tín dụng tăng nhanh hơn huy động, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi -
3 Tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng lo ngại -
4 Hút mỗi điếu xì gà sẽ phải trả thêm 50.000 - 100.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt -
5 Tin vắn Đầu tư Online ngày 23/11
- Thu thập sinh trắc học trên Agribank Plus - Cơ hội rinh iPhone 16 và nhiều quà hấp dẫn
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu