Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tới lượt doanh nghiệp khốn đốn vì Tân Thành Long An - Bài 1: Đem đất đã cho thuê thế chấp vay hơn 33.000 tỷ đồng
Ngô Nguyên - 13/05/2023 08:33
 
Công ty cổ phần Tân Thành Long An khiến một doanh nghiệp lao đao khi đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ thế chấp SCB để bảo lãnh cho hàng chục doanh nghiệp khác vay hơn 33.000 tỷ đồng.
Không chỉ trái chủ lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng Vạn Trường Phát và lô trái phiếu 5.000 tỷ đồng Tân Thành Long An có nguy cơ bốc hơi tài sản, Công ty cổ phần Tân Thành Long An còn khiến Công ty cổ phần Đầu tư sinh thái Vina Yến liêu xiêu.

Thay vì giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tác, Tân Thành Long An lại đem thế chấp Ngân hàng SCB để bảo lãnh cho hàng chục doanh nghiệp khác vay hơn 33.000 tỷ đồng. Sau đó tài sản này lại “đứng hình” do Tân Thành Long An liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát.

Bài 1: Đem đất đã cho thuê thế chấp vay hơn 33.000 tỷ đồng

Công ty cổ phần Đầu tư sinh thái Vina Yến “chết đứng” khi phát hiện Công ty cổ phần Tân Thành Long An đã được cấp “sổ đỏ” mà không giao cho bên thuê là mình. Hơn thế, Tân Thành Long An còn đem “sổ đỏ” khu đất đã cho thuê giá hơn 37 tỷ đồng đi thế chấp tại SCB, bảo lãnh cho hàng chục doanh nghiệp khác vay hơn 33.000 tỷ đồng.

Hợp đồng cam kết một đằng

Công ty cổ phần Tân Thành Long An (Tân Thành Long An) tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và nuôi trồng nông, lâm, thủy sản Tân Thành, được UBND tỉnh Long An đồng ý cho chuyển pháp nhân thành công ty cổ phần từ năm 2006, để đầu tư xây dựng kinh doanh Khu công nghiệp Việt Phát, diện tích hơn 1.800 ha tại tỉnh này (nay đã đổi tên là Khu công nghiệp Suntec).

Công ty cổ phần Đầu tư sinh thái Vina Yến (Vina Yến - thành viên Tập đoàn Hưng Thuận, trụ sở tại Khu công nghiệp Việt Phát) là doanh nghiệp tiên phong trong mô hình nuôi yến công nghiệp sinh thái và công nghệ cao. 

Nhà nuôi yến mà Vina Yến đã đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Phát
Nhà nuôi yến mà Vina Yến đã đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Việt Phát.

Theo điều tra của chúng tôi, sau khi chuyển đổi sang cổ phần hóa, vào tháng 12/2011, Tân Thành Long An ký hợp đồng cho Vina Yến thuê 45.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Việt Phát với giá thuê 7.560 đồng/m2. Sau khi nhận đất, Vina Yến đã tiến hành làm các thủ tục xin giấy phép đầu tư xây dựng khu nuôi yến và san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng.

Tới tháng 9/2013, hai công ty đã thỏa thuận thanh lý hợp đồng nêu trên, sau đó ký hợp đồng khác, với nội dung: Tân Thành Long An cho Vina Yến thuê 51.600 m2 đất trong 43 năm, tổng giá thuê gần 40 tỷ đồng. Tới tháng 4/2014, cả hai công ty lại thỏa thuận thanh lý hợp đồng trên.


Tân Thành Long An cũng thế chấp 1 khu đất ở Khu công nghiệp Việt Phát để phát hành lô trái phiếu 5.000 tỷ đồng rồi không trả lãi, gây khốn đốn cho trái chủ. Cũng chính Tân Thành Long An còn đem khu đất khác tại Khu công nghiệp Việt Phát bảo lãnh cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát phát hành 5 đợt trái phiếu, thu về 10.000 tỷ đồng và sau đó nhà phát hành đã biệt vô âm tín, không trả lãi, không mua, làm “tan cửa nát nhà” nhiều trái chủ.


SCB nhận thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 khu đất của Tân Thành Long An để đảm bảo khoản vay hơn 33.000 tỷ đồng cho hàng chục doanh nghiệp, cũng là ngân hàng nhận thế chấp 2 khu đất của Tân Thành Long An làm tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp này và Vạn Trường Phát phát hành trái phiếu nêu trên.

SCB cũng từng cam kết là nhà tài trợ vốn cho Dự án Khu công nghiệp Việt Phát của Tân Thành Long An. 

Lần cuối cùng, ngày 1/4/2014, hai doanh nghiệp này lại ký Hợp đồng nguyên tắc số 14/HĐNT-TIZICO.14 với nội dung: Tân Thành Long An cho Vina Yến thuê 51.600 m2 đất (cùng vị trí khu đất đã ký 2 hợp đồng trước đó), tại khu F, Khu công nghiệp Việt Phát.

Tại thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc này, khu đất thuê đã được Vina Yến san lấp xây dựng hạ tầng, xây dựng nhà nuôi yến và chế biến sản phẩm từ yến. Giá thuê là 1,15 triệu đồng/m2; thời gian thuê là 42 năm (kể từ khi ký hợp đồng nguyên tắc đến ngày 30/3/2056). Tổng giá trị hợp đồng thuê đất hơn 37 tỷ đồng.

Tại hợp đồng nguyên tắc nêu trên, hai bên thỏa thuận: Trước khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Long An cho Tân Thành Long An, Vina Yến sẽ thanh toán tiền thuê đất 3 tháng/lần. Sau khi có quyết định giao đất, Vina Yến sẽ thanh toán số tiền thuê đất còn lại theo từng giai đoạn.

Khi Tân Thành Long An hoàn tất thủ tục đăng ký tách thửa và có thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc nộp tiền sử dụng đất của phần diện tích đất cho Vina Yến thuê, thì Vina Yến sẽ thanh toán cho Tân Thành Long An 50% giá trị còn lại của hợp đồng.

Khi Vina Yến nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích đất thuê, thì sẽ thanh toán hết 50% giá trị còn lại của hợp đồng và hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng.

Từ ngày 1/4/2014 đến ngày 18/5/2018, Vina Yến đã thanh toán cho Tân Thành Long An hơn 3,9 tỷ đồng.

Nhưng lại ỉm đi việc được cấp sổ đỏ

Ngày 10/10/2017, tại cuộc họp về việc thuê đất Khu công nghiệp Việt Phát với Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, đại diện Vina Yến “ngớ người” khi được cơ quan chức năng thông tin: Từ tháng 12/2015, Tân Thành Long An đã được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2 thửa đất 421, 422, tờ bản đồ số 3, diện tích 52.288 m2; trong đó, bao gồm cả diện tích đất 51.600 m2 mà Vina Yến đã thuê.

Tức là, dù được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 12/2015, nhưng Tân Thành Long An vẫn ỉm đi, không thực hiện thủ tục tách thửa và đăng ký chuyển quyền sang cho Vina Yến theo đúng thỏa thuận tại Hợp đồng nguyên tắc số 14/HĐNT-TIZICO.14 đã ký ngày 1/4/2014.

Trước việc làm này, tại Thông báo số 931/TB-STNMT kết luận cuộc họp nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An đã yêu cầu Tân Thành Long An có nghĩa vụ hỗ trợ sớm ký hợp đồng cho thuê đất chính thức với Vina Yến, để lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho Vina Yến.

Thế nhưng, sau đó, Tân Thành Long An không có động thái nào để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Vina Yến, mặc dù doanh nghiệp này liên tục có văn bản đốc thúc.

Thế chấp cho doanh nghiệp khác vay hơn 33.000 tỷ đồng

Trước việc làm của Tân Thành Long An, Vina Yến khởi kiện doanh nghiệp này ra Tòa án Nhân dân huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An).

Trong quá trình Tòa thụ lý giải quyết vụ án, Vina Yến “chết đứng” khi phát hiện Tân Thành Long An đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2 thửa đất số 421, 422 cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), tại các chi nhánh Cống Quỳnh, Bến Thành, chi nhánh 6, Phạm Ngọc Thạch, Đông Sài Gòn, Sài Gòn và đều được công chứng tại Văn phòng công chứng Bến Lức (Long An) để bảo đảm cho hàng chục công ty khác vay vốn hơn 33.000 tỷ đồng.

Cụ thể, chỉ trong ngày 21/5/2018, Tân Thành Long An ký 9 hợp đồng thế chấp để đảm bảo cho 19 doanh nghiệp vay tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó khoản vay “khủng” nhất là hơn 8.000 tỷ đồng của Công ty Prosperous City. Còn lại các doanh nghiệp khác được Tân Thành Long An đảm bảo khoản vay từ 22 tỷ đồng tới gần 1.000 tỷ đồng.

Tới ngày 26/12/2018, Tân Thành Long An ký hợp đồng thế chấp để đảm bảo khoản vay 260 tỷ đồng cho Công ty Rise Crown.

Sang ngày 22/2/2019, lại cũng dùng giấy chứng nhận 2 mảnh đất trên, Tân Thành Long An ký 14 hợp đồng thế chấp để đảm bảo các khoản vay cho 14 doanh nghiệp với số tiền tổng cộng 9.200 tỷ đồng.

Tới ngày 2/4/2019, Tân Thành Long An lại ký 7 hợp đồng thế chấp đảm bảo khoản vay 4.572 tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp khác.

Trong tổng diện tích hơn 52.000 m2 của 2 thửa đất Tân Thành Long An đem thế chấp các chi nhánh SCB bảo đảm cho hàng chục doanh nghiệp khác vay hơn 33.000 tỷ đồng nêu trên, có hơn 51.000 m2 đã cho Vina Yến thuê với giá hơn 37 tỷ đồng trong 42 năm và Vina Yến đã đầu tư xây dựng 22 nhà nuôi yến và “ngóng” từng ngày được giao sổ đỏ.

Cứ mỗi lần phát hiện thêm hành vi của Tân Thành Long An, Vina Yến lại phải cập nhật đơn kiện.

Trong danh sách hơn 700 doanh nghiệp bị cơ quan công an ngăn chặn giao dịch tài sản do liên quan đại án Vạn Thịnh Phát, ngoài Tân Thành Long An, còn có hàng loạt công ty được doanh nghiệp này mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Vina Yến đi thế chấp các chi nhánh SCB bảo đảm các khoản vay. Có thể kể đến, Công ty cổ phần Rise Crown (được bảo đảm cho khoản vay 260 tỷ đồng); Công ty cổ phần Giant Ascent (880 tỷ đồng); Công ty cổ phần Glorious Diamond (890 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư Double First (hơn 777 tỷ đồng)…

(Còn tiếp)

Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 2: “Ẵm” 10.000 tỷ đồng trái phiếu, nhà phát hành “biến mất”
Hàng ngàn trái chủ lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát không biết phải tới nơi nào để đòi lại quyền lợi mình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư