Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM cần phải kiên quyết, áp dụng biện pháp cao hơn nữa để dập dịch triệt để
Việt Dũng - 26/06/2021 07:54
 
Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình trước tình hình dịch bệnh tại TP.HCM ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường

Phát hiện nhiều ca nhiễm mới trong khu cách ly

Ngày 25/5, TP.HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi mắc Covid-19, cao nhất từ trước đến nay. Hầu hết được phát hiện ở các khu cách ly, khu phong tỏa. Đáng lo ngại nhất là các chuỗi liên quan đến các khu công nghiệp, chợ truyền thống chợ đầu mối do có mức độ tiếp xúc lớn. 

Chẳng hạn chuỗi liên quan đến Khu công nghiệp Tân Phú Trung hay Bình Mỹ (Củ Chi), hay chuỗi liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn, chợ khu phố 2 (quận Bình Tân), chuỗi liên quan đến chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú),… Tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đã vượt qua con số 2.000 và đợt dịch này có diễn biến hết sức phức tạp.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: TTBC TP.HCM)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: TTBC TP.HCM)


Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, các sở ngành quận, huyện cần đánh giá lại việc triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu ra trong Chỉ thị 10 và đề ra các giải pháp quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa từ nay đến 30/6.

“Từng đơn vị quận huyện ngồi đánh giá lại và tăng cường các biện pháp quyết liệt  hơn nữa, trong đó xem xét thời gian vừa qua các khâu kiểm tra của chúng ta như thế nào. Kiểm tra giám sát như thế nào. Kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn của mình. Để ngày 30/6 chúng ta cùng đánh giá lại xem có tiếp tục giãn cách xã hội hay không? Lúc đó mới cho chúng ta quyết định các giải pháp như thế nào?”, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị TP.Thủ Đức và các quận huyện, phường, xã, thị trấn phải đồng loạt triển khai các biện pháp, trong đó tăng cường hơn nữa các hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị 10 của UBND Thành phố. Bên cạnh việc tuyên truyền, những trường hợp không thực hiện nghiêm phải có biện pháp xử lý triệt để. 

Theo ông Phong, thời gian qua, vai trò của Tổ Covid được phát huy, sắp tới phải tiếp tục phát huy vai trò của các tổ này. Trong đó, quan tâm đến việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kịp thời phát hiện những trường hợp có thể lây ra cộng đồng, trường hợp tiếp xúc từ người vùng dịch, trường hợp có nguy cơ cao.

Đối với khu vực thường tập trung đông người như: công viên, trước cổng bệnh viện, trước cổng các doanh nghiệp, bến xe… phải giải tán các trường hợp tập trung này với các giải pháp mạnh. 

Riêng chợ truyền thống, cần tính toán nghiên cứu mô hình có thể là dừng luân phiên. Có những hộ bán một ngày, có hộ khác bán ngày khác. Với chợ truyền thống, Chỉ thị 10 nêu rất rõ, những trường hợp nào không chấp hành nghiêm quy định bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch phải tạm dừng hoạt động. 

Đối với chợ đầu mối phải có phương án cụ thể. Đồng chí đề nghị Giám đốc Sở Công thương thảo luận với các quận huyện, trong đó có huyện Hóc môn, quận 8, TP Thủ Đức yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết về thực hiện bộ tiêu chí an toàn.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các công sở, cơ quan nhà nước của Thành phố cần hết sức tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch, phải khử khuẩn, thực hiện giãn cách. Với trường hợp cần phải họp thì ứng dụng họp trực tuyến, những trường hợp không thể họp trực tuyến được phải có ý kiến của chính quyền địa phương. 

Sở Y tế cần phân tích rõ lý do chậm có kết quả xét nghiệm test nhanh. Dù có nguyên nhân kết quả chậm hay do vận hành đưa thông báo chậm thì tất cả đều ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Ngành y tế phân tích nguyên nhân nào, chậm do kết quả thông báo chậm hay do năng lực xét nghiệm chậm. Nếu năng lực xét nghiệm chậm cần có biện pháp tăng cường kể cả trang thiết bị; nếu thông báo chậm khâu thực hiện cần cố gắng thông báo cho các địa phương.

Cần có biện pháp kiên quyết hơn

Đánh giá tình hình dịch bệnh tại TP,HCM vẫn rất phức tạp, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị thành phố tính toán, có biện pháp mạnh hơn nữa.

Theo Phó Thủ tướng, các chuỗi lây nhiễm tại TP.HCM ngày càng khó lường. Có những nơi đã khoanh vùng tạm ổn lại bùng lên điểm mới. Việc áp dụng Chỉ thị 10 của thành phố vừa qua có kết quả nhất định nhưng diễn biến dịch còn quá phức tạp và có ý kiến cho rằng thành phố cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa.

Trên thực tế, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM có nội dung tương tự nhau, chỉ khác là hiện nay thành phố chưa cấm các chợ truyền thống. Theo đó, TP.HCM cần phải kiên quyết hơn nữa, áp dụng biện pháp cao hơn nữa để dập dịch triệt để.

“Vấn đề quan trọng TPHCM cần đánh giá tình hình diễn biến tới đâu, kiểm soát ở mức độ nào, kiềm chế và đẩy lùi dịch Covid-19 ở mức độ nào, từ đó mới có biện pháp phù hợp kịp thời. Nếu đánh giá không đúng tình hình có thể dẫn đến hậu quả khó lường”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu TP.HCM không được chủ quan.

Kết quả áp dụng Chỉ thị 10 vừa qua đã có kết quả nhất định nhưng tình hình vẫn còn phức tạp. Phó Thủ tướng tán thành việc TP.HCM cấm các chợ tự phát để đảm bảo phòng chống dịch. Trong thời gian tới, TP.HCM cần áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn nữa, toàn diện hơn nữa, triệt để hơn nữa nhưng phải đảm bảo hoạt động sản xuất.

Về chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TP.HCM phải đảm bảo tiêm an toàn cho người dân. Công tác tổ chức tiêm cần phải kiểm soát được dòng người, số lượng người vào tiêm để đảm bảo giãn cách, không xảy ra tình trạng tập trung đông người cùng lúc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị TP.HCM xem bổ sung các bộ tiêu chí phòng chống dịch. Đồng thời phải tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát thật kỹ và xử lý vi phạm kịp thời đối với các đơn vị, tổ chức, công ty thực hiện các bộ tiêu chí mà TP.HCM triển khai.

TP.HCM nên thí điểm cách ly F1 tại nhà:

Sáng 25/6, Bộ Y tế đã có văn bản cho thí điểm cách ly trường hợp F1 tại nhà; đồng thời khuyến cáo TP.HCM nếu trường hợp nào có đủ điều kiện thì nên tính toán phương án cách ly F1 tại nhà để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly tập trung.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện số trường hợp F1 phải cách ly tập trung của TP.HCM đang tăng cao. Đặc biệt là khu cách ly tập trung tại Đại học Quốc gia TP.HCM tình hình rất khó khăn. Dù địa điểm này chỉ cách ly khoảng 2.000 trường hợp nhưng nhân viên y tế tâm sự họ đã kiệt sức, rác thải thì vẫn còn ứ đọng, chưa xử lý kịp.

Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều trường hợp đã cách ly đủ 21 ngày, muốn được làm thủ tục về theo dõi tại nhưng nhưng phải chờ kết quả xét nghiệm lần cuối, có khi phải mất 2 - 3 ngày.


TP.HCM hoàn thành tiêm 800.000 liều vaccine trong ngày 26/6
Thông tin được ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tiến độ tiêm chủng vaccine phòng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư