Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM cần thêm cơ chế để phát huy hết tiềm năng
Việt Dũng - 23/09/2022 11:56
 
TP.HCM kiến nghị Trung ương tiếp tục chọn TP.HCM là nơi thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới, mở rộng phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực nhằm tăng tính tự chủ…

Sáng 23/9, đoàn công tác do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu làm việc với Thành ủy TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng của TP.HCM từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM, Đại hội lần thứ XIII của Đảng và 8 tháng đầu năm 2022.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, công tác triển khai thực hiện nghị quyết được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng tạo sự nhất trí cao trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM.


Về công tác xây dựng Đảng, trong năm 2021, TP.HCM chịu nhiều sự ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Thành ủy TP.HCM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vừa kiểm soát dịch bệnh đưa thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM và các cấp triển khai phù hợp với tình hình nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị đảm bảo hợp lý, khoa học, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố để tăng cường theo dõi, kịp thời chỉ đạo xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi… phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử nhằm xử lý nghiêm minh các vi phạm.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết Đảng bộ TP.HCM đã xây dựng 22/26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu với 9 nhóm giải pháp trọng tâm.

Trong đó, TP.HCM xác định rõ mục tiêu kép nhưng đặt yêu cầu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết; đồng thời chú trọng hạn chế các biện pháp phòng chống dịch ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, kinh doanh. Ông Mãi đánh giá tình hình phục hồi và phát triển của thành phố 8 tháng đầu năm 2022 đã khởi sắc khá đồng bộ và toàn diện.

Dự kiến tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 9,71%, tổng thu ngân sách 9 tháng ước đạt trên 90% (tương đương 350.000 tỷ đồng), xuất nhập khẩu của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại – dịch vụ - du lịch phục hồi mạnh mẽ…

Trong 2 năm qua, Thành ủy TP.HCM luôn tập trung công tác lãnh đạo nhằm đổi mới công tác quản trị thành phố, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển thành phố; tập trung tháo gỡ, đề xuất giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công; ưu tiên các dự án cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối liên vùng.

Đối với công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố đang tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu mà thành phố hướng tới là đảm bảo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần khi làm thủ tục hành chính.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đánh giá công tác quốc phòng – an ninh luôn được giữ vững ổn định, công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều hoạt động đối ngoại được mở rộng như diễn đàn kinh tế Việt Nam, diễn đàn kinh tế TP.HCM, hội chợ du lịch quốc tế.

Hiện nay, TP.HCM cũng đang tập trung tổng kết Nghị quyết số 16 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, và Nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Quá trình tổng kết, TP.HCM huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị; tổ chức các hội nghị nhằm lấy ý kiến của nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan Trung ương.

“Đến nay, TP.HCM đã tiếp thu, hoàn thiện trình xin ý kiến Bộ Chính trị xem xét, quyết định”, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai một số đề án, chương trình bị chậm, một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được triển khai hoặc chậm tiến độ. Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong năm 2021, chỉ tiêu chung của nhiệm kỳ sẽ bị ảnh hưởng; việc phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, dịch vụ và giao thông còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, cơ chế hợp tác liên kết vùng hiệu quả chưa cao…

TP.HCM kiến nghị Trung ương định kỳ hằng năm và khi cần thiết tổ chức làm việc để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển.
TP.HCM kiến nghị Trung ương định kỳ hằng năm và khi cần thiết tổ chức làm việc để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển.


Nêu một số kiến nghị với đoàn công tác, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trọng tâm là định hướng chiến lược, chủ trương và cơ chế để thành phố phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng và phát triển.

TP.HCM kiến nghị Trung ương tiếp tục chọn TP.HCM là nơi thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định hoặc những quy định hiện hành không còn phù hợp. Đồng thời, mở rộng phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố; hoàn thiện thể chế cho TP.Thủ Đức phù hợp với quy mô, vai trò của “thành phố trong thành phố” đầu tiên trên cả nước.

Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư hạ tầng, TP.HCM kiến nghị Trung ương có chính sách tương xứng để phát huy tiềm năng, thu hút được nguồn lực phát triển, trong đó có Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; ưu tiên các nguồn lực tài chính thực hiện dự án giao thông theo quy hoạch quốc gia.

Bên cạnh đó, Thành ủy TP.HCM kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội quan tâm chỉ đạo tổng kết và tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017) kịp thời, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát nghị quyết mới.

Thành ủy TP.HCM cũng kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng liên quan đến các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM. 

 Cuối cùng, TP.HCM kiến nghị Trung ương định kỳ hằng năm và khi cần thiết tổ chức làm việc để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển.

Trung tâm tài chính quốc tế: Chỉ thiếu một chữ “TIN” chưa dám bàn
Có lẽ điều mà trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam cần phải tập trung hướng tới nhiều hơn là phần hồn, chữ TIN, hơn là bàn quá nhiều về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư