Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM: Đóng cửa Chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức
Việt Dũng - 07/07/2021 06:29
 
Chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức sẽ tạm dừng hoạt động từ 8 giờ ngày 7/7. Chậm nhất đến 20 giờ cùng ngày phải thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực Chợ.

Ngừng hoạt động chợ đầu mối

Tối muộn ngày 6/7, UBND TP.Thủ Đức đã có văn bản khẩn, yêu cầu chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, chợ tạm dừng hoạt động kể từ 8 giờ ngày 7/7 cho đến khi có đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. UBND TP.Thủ Đức cũng đề nghị thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ chậm chất là đến 20 giờ cùng ngày.

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp từ ngày 7/7
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp từ ngày 7/7


UBND TP.Thủ Đức giao Ban giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thông tin cho tiểu thương biết để thay đổi hình thức vận chuyển, giao và nhận hàng trực tuyến, giao tận nơi cho khách hàng mà không thực hiện trực tiếp tại chợ; đảm bảo hàng hóa lưu thông, thông suốt đến tay người tiêu dùng. Đồng thời phải khẩn trương thông báo cho tiểu thương thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ theo đúng thời hạn.

Sau khi đã đóng cửa chợ, phải khử trùng toàn bộ khu vực chợ; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương, UBND TP Thủ Đức xây dựng phương án phòng, chống dịch với nhiều tình huống xử lý khác nhau để áp dụng khi chợ hoạt động lại.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM về tình hình dịch trên địa bàn vào chiều 6/7, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM  cho biết, đặc điểm của đợt dịch lần này có nguy cơ lây lan cao tại các khu chợ, nhà trọ, khu công nghiệp tập trung đông lao động.

Xu hướng của dịch bệnh hiện nay là số ca mắc Covid-19 phát hiện qua khám sàng lọc trong cộng đồng ngày càng tăng. Đã phát hiện hơn 900 ca qua khám sàng lọc. Qua điều tra truy vết, những trường hợp này thường cư ngụ tại khu nhà trọ của công nhân, người buôn bán tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn.

Cũng theo ông Bỉnh, thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM đã thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đặc biệt là Chỉ thị 10 của UBND Thành phố. Các chợ đầu mối không đảm bảo an toàn phòng chống dịch như chợ Bình Điền, Hóc Môn đã được tạm ngừng hoạt động.

Để loại bỏ nguồn lây từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống, ông Bỉnh cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM đã có phương án ngưng hoạt động các chợ đầu mối trên địa bàn.

Không để thiếu hụt hàng hóa

Thông tin về nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường Thành phố, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, bên cạnh việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP.HCM một cách an toàn, lưu thông thông suốt, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường Thành phố; Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.

Không để thiếu hụt hàng hóa khi chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động
Không để thiếu hụt hàng hóa khi chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động


Trong đó, tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại với quan điểm tăng cường bảo vệ các hệ thống này để giữ vững vai trò cốt yếu trong cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Đồng thời, phải siết chặt quản lý, đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch. Trong quá trình hoạt động, việc mở cửa trở lại các điểm bán ngừng hoạt động phải được đánh giá kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tại văn bản số 2818/TTKSBT-SKMT-YTTH ngày 01/7/2021.

Về phương thức phân phối hàng hóa, nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong giao dịch hàng hóa, Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai đến UBND Thành phố Thủ Đức và các quận huyện tăng cường tuyên truyền vận động người dân sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại… thay vì mua hàng tại các điểm bán truyền thống. 

Các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử cũng được đề nghị đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận hàng hóa. 

Qua theo dõi, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân và khả năng cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối cũng như nguồn cung ứng từ các tỉnh, thành, Sở Công thương TP.HCM khẳng định nguồn hàng hóa trên địa bàn vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa.

Hiện đơn vị này đang chủ trì, phối hợp các hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn có các điểm bán phải tạm ngưng hoạt động. 

TP.HCM: Không thiếu hụt hàng hóa khi hai chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động
Theo Báo cáo mới nhất từ Sở Công thương TP.HCM, hiện nay nguồn hàng hóa của TP.HCM vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư