Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
TP.HCM dự kiến hút 5,2 tỷ USD kiều hối
Vân Linh - 12/12/2017 08:00
 
Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM dự kiến sẽ cán mốc 5,2 tỷ USD trong năm nay.
TIN LIÊN QUAN

TP.HCM: Tăng 4,5% so với năm ngoái

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng kiều hối được gửi về Thành phố rất ổn định và tăng dần đều. Trong hơn 4,55 tỷ USD kiều hối chuyển về trong 11 tháng năm nay (tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước), phần chủ yếu vẫn đến từ thị trường Mỹ (chiếm trên 60%) và châu Âu (hơn 19%).

.
.

“Những tháng gần đây, do chưa vào mùa cao điểm, nên kiều hối chuyển về đạt từ 375 đến 400 triệu USD/tháng, riêng tháng 10 đạt 600 triệu USD (tăng 5% so với cùng kỳ năm trước), tháng 11 đạt 650 triệu USD. Nếu từ nay đến cuối năm không xảy ra biến động gì lớn, thì lượng kiều hối chuyển về TP.HCM sẽ đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm ngoái”, ông Minh dự báo.

Nhìn vào con số kiều hối về TP.HCM dự kiến đạt được trong năm nay, thì 2 tháng còn lại của năm, Thành phố cần “hút” hơn 1,2 tỷ USD kiều hối. Thực tế cũng chứng minh, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam thường tăng mạnh trong quý còn lại của năm, do đây là thời điểm lễ, tết, kiều hối được chuyển về để làm quà cho người thân.

Cũng theo ông Minh, phần lớn kiều hối được người dân sử dụng vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư, chứ không cất giữ, chi tiêu, hay tập trung vào đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước đây. Mặt khác, kinh tế vĩ mô trong nước thời gian qua ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường bị loại bỏ chính là nguyên nhân lớn khiến người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng, khi lãi suất tiết kiệm bằng USD đã giảm về mức 0%.

Lượng kiều hối chuyển về sẽ giúp VND ổn định và cho phép NHNN tập trung các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kiều hối tăng cũng giúp đảm bảo đủ nguồn cung USD, đáp ứng nhu cầu của các công ty và cá nhân, đồng thời cho phép NHNN bổ sung dự trữ ngoại hối. Theo đó, VND sẽ không phải chịu áp lực giảm giá so với USD vào thời điểm cuối năm. VND đang nổi lên là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á kể từ đầu năm đến nay.

Sản xuất hút mạnh kiều hối

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay có dấu hiệu giảm nhẹ so với năm trước do ảnh hưởng từ quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dù việc tăng lãi suất của cơ quan này vừa được đưa ra giữa năm 2017, nhưng còn để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cuối năm nay và đầu năm tới. Điều này đã ảnh hưởng đến nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam để đầu tư, gửi tiết kiệm, bởi lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ ở Việt Nam chỉ bằng 0%, trong khi lãi suất cơ bản USD đã đạt mốc 1%.

Thực tế, kiều hối về Việt Nam tăng liên tục từ năm 2010 và đạt mức kỷ lục 13,2 tỷ USD năm 2015, song đã giảm 33% vào năm 2016. Một trong những nguyên nhân khiến kiều hối đổ về Việt Nam sụt giảm trong năm qua là do các ngân hàng cắt giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống 0%.

Đại diện một công ty kinh doanh dịch vụ chi trả kiều hối tại TP.HCM cho biết, dự kiến doanh thu chi trả kiều hối của công ty trong năm 2017 chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, trong khi các năm trước đều trên 1,5 tỷ USD. “Khó có thể kỳ vọng đạt mức chi trả kiều hối cao trong năm nay, bởi tiền kiều bào chuyển về cho người thân ở Việt Nam không còn tăng mạnh như trước, do lãi suất tiết kiệm USD không còn, tỷ giá được kiểm soát ổn định”, vị đại diện trên cho biết thêm.

Mặt khác, nếu trước đây, kiều hối chuyển về Việt Nam phần lớn được kiều bào đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, thì nay, sau giai đoạn các kênh đầu tư này biến động và Fed tái tăng lãi suất, kiều hối chảy vào kênh đầu tư giảm. Ngược lại, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn thu hút mạnh kiều hối.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng kiều hối gửi về TP.HCM tương đối ổn định, phần lớn chảy vào sản xuất, thay vì vào bất động sản như trước. Cụ thể, 72% nguồn kiều hối được chi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, 22% chảy vào bất động sản và 6% dùng cho chi tiêu cá nhân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư