Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
TP.HCM đứng đầu danh sách có doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường từ đầu năm
Khánh An - 28/07/2021 16:25
 
Trong 7 tháng từ đầu năm 2021, TP.HCM có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. chiếm 29,1% tổng số của cả nước.
.
7 tháng đầu năm 2021, TP.HCM có 12.071 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (Ảnh: Lê Toàn)

Đây là số liệu cập nhật tình hình đăng ký kinh doanh 7 tháng dầu năm 2021 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tính chung cả nước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng qua là 79.673 doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 40.251 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021.

Trong số này, TP.HCM có 12.071 doanh nghiệp. Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP.HCM giai đoạn 2016-2021.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ ngày 27/4/2021 đến nay đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh. Bên cạnh đó, do chưa thể đáp ứng thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) trong một thời gian quá ngắn (1 ngày) theo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh của UBND TP.CHM, nên nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động.

Số liệu cập nhật của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.180 doanh nghiệp, chiếm 37,7%); Xây dựng (5.491 doanh nghiệp, chiếm 13,6%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (4.717 doanh nghiệp, chiếm 11,7%).

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 21.129 doanh nghiệp (chiếm 52,5%); 10.469 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 26,0%) và 8.653 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,5%).

Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy, xu hướng thanh lọc mạnh mẽ tiếp tục diễn ra ở các ngành nghề. Rõ nhất là những lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2021 là 29.602 doanh nghiệp, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong tháng 7 đầu năm 2021 là: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (10.365 doanh nghiệp, chiếm 35%); Xây dựng (4.415 doanh nghiệp, chiếm 14,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo (3.656 doanh nghiệp, chiếm 12,4%).

Điều này cũng cho thấy, khủng hoảng, khó khăn hay các yếu tố tiêu cực cũng là lúc cho các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 là 75.823  doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp khi so sánh với mức tăng trung bình giai đoạn 2016-2020 (8,1%).

Tuy nhiên, tỷ lệ này tích cực hơn khi so sánh với tỷ lệ giảm ở cùng kỳ năm 2020 (7 tháng đầu năm 2020 giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019).

Đáng chú ý, số vốn đăng ký thành lập trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 1.065.413 tỷ đồng, tăng đến 13,8% so với cùng kỳ 2020, trong khi 7 tháng đầu năm 2020 con số này giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019.

Có 27.592 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 7 tháng đầu năm 2021 (tăng 31,7 % so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.366.708 tỷ đồng (tăng 18,0% so với cùng kỳ năm 2020).

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản (tăng 33,8%); Vận tải kho bãi (tăng 15,6%); Thông tin và truyền thông (tăng 12,5%).

Doanh nghiệp TP.HCM đối mặt khó khăn kép: Thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng
Do tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp TP.HCM nói riêng đối mặt với tình trạng thiếu vốn, trong khi chi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư