Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM: Kiểm tra tiến độ dự án hàng ngày để tăng tốc giải ngân đầu tư công
Ngô Sơn - 17/10/2024 17:09
 
Kết quả giải ngân đạt 21,29% là rất thấp, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu sở ngành, Ban quản lý dự án hàng ngày phải kiểm tra tiến độ xử lý vướng mắc các dự án công để tháo gỡ.

Theo UBND TP.HCM, năm 2024, Thủ tướng giao kế hoạch vốn cho TP.HCM là 79.263 tỷ đồng. Nhưng tới thời điểm này, Thành phố mới chỉ giải ngân 16.871 tỷ đồng, chiếm 21,29%, rất thấp so với kế hoạch của Thành phố và mức trung bình chung của cả nước.

Nguyên nhân giải ngân đạt thấp, là do đặc thù của Thành phố có vốn lớn và chậm bố trí nguồn vốn trong trung hạn nên công tác chuẩn bị đầu tư chậm; Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều trường hợp chậm là do phải chờ các luật sửa đổi; việc điều hành của UBND Thành phố trong việc đề xuất bổ sung vào trung hạn vốn, vào kế hoạch vốn hằng năm cũng bị chậm; sự phối hợp của các sở, ngành trong giải quyết các thủ tục về chuẩn bị dự án và triển khai dự án, mất nhiều thời gian; công tác quy hoạch, công tác đất đai, các thủ tục khác khi đi vào chi tiết như giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh quy hoạch 1/500, 1/2.000 mất đến hàng tháng trời...

TP.HCM mở đợt cao điểm giải ngân đầu tư công

Để giải ngân gần 63.000 tỷ đồng còn lại, TP.HCM vừa quyết định mở đợt cao điểm giải ngân vốn đầu tư công kéo dài từ nay đến hết niên độ kế hoạch năm 2024. 

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu, trong cao điểm này, thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức, Giám đốc ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng và chủ đầu tư cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng với sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Các bên liên quan hạn chế tới mức tối thiểu việc xin ý kiến hướng dẫn của sở, ngành liên quan trong việc giải quyết các thủ tục thuộc thẩm quyền.

Đáng chú ý, lãnh đạo Thành phố yêu cầu người đứng đầu từng đơn vị phải kiểm tra tiến độ hàng ngày, chỉ đạo xử lý, giải quyết các nhiệm vụ, kiến nghị liên quan đến các dự án đầu tư công. Các trường hợp vượt thẩm quyền cần được báo cáo, đề xuất, kiến nghị UBND TPHCM để chỉ đạo, giải quyết ngay.

Các ban quản lý có tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm thấp hơn tỷ lệ chung của Thành phố cần khẩn trương triển khai các giải pháp để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (8,6%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (19,7%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (7,9%), Ban quản lý Đường sắt đô thị (17,1%), Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, UBND huyện Nhà Bè (10,5%), UBND Quận 1 (11,6%), UBND Quận 10 (8,8%), UBND Quận 5 (13,0%).

Các chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố trong việc hoàn thành kế hoạch giải ngân từng tháng theo đúng số liệu đã thống nhất. Các sở ngành chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố trong việc dự án chậm trễ tiến độ giải ngân do không kịp thời đôn đốc.

Đến cuối năm 2024, TP.HCM quyết giải ngân hết 30.000 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung toàn nguồn lực để giải ngân được số vốn 30.000 tỷ đồng trong công tác bồi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư