Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
TP.HCM tháo gỡ vướng mắc về thuế, hải quan cho doanh nghiệp Nhật Bản
Lê Quân - 30/11/2022 16:48
 
Chính quyền TP.HCM đã tổ chức các phiên đối thoại để tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan, lao động…cho doanh nghiệp Nhật Bản.
TIN LIÊN QUAN

Ngày 30/11 tại TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) phối hợp tổ chức Hội nghị "Bàn tròn Nhật Bản tại TP.HCM" nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Thành phố.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM nêu vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM nêu vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, trong hai ngày 16 và 21/11, ITPC đã phối hợp với 12 sở ngành Thành phố và JCCH tổ chức lần lượt bốn phiên họp trù bị để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị từ các doanh nghiệp Nhật Bản về lĩnh vực thuế, hải quan, lao động…

Trong đó, lĩnh vực thuế, doanh nghiệp Nhật Bản nêu 7 nội dung liên quan đến việc thanh tra thuế chuyển giá; đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế VAT; nới lỏng các điều kiện công nhận chi phí được trừ do hàng hóa hư hỏng…

Đối với lĩnh vực hải quan doanh nghiệp nêu 6 vấn đề như: gia công vận tải trong kho ngoại quan; kiểm tra vận hành của máy móc, thiết bị nhập khẩu; kiến nghị về việc nhập khẩu hóa chất…

Đối với lĩnh vực pháp luật, lao động, doanh nghiệp nêu 5 vấn đề còn vướng mắc như giới hạn trần về số giờ làm thêm; giấy phép lao động và di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp …

Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật Bản cũng phản ánh hiện tượng taxi "dù" hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, lấy mức phí cao gấp nhiều lần taxi thông thường, nhà đầu tư bị trộm cắp tiền mặt khi đi taxi…

Số liệu của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM nhận được, trong năm 2022 có 12 vụ xảy ra và riêng tháng 10 vừa qua có 5 vụ phát sinh. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị TP.HCM bố trí các phương tiện di chuyển an toàn từ sân bay đến nội thành.

Sau các phiên làm việc trù bị, ông Nakagawa Motohisa, Phó Chủ tịch JCCH kiêm Trưởng ban môi trường kinh doanh cho biết, qua quá trình làm việc với các sở, ngành Thành phố, nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị đã được giải quyết.

Còn một số vấn đề đã và đang tiếp tục được tháo gỡ, giải quyết từng phần hoặc đề xuất với chính quyền Thành phố kiến nghị các bộ, ngành giải quyết như vấn đề liên quan đến bảo hiểm, làm thêm giờ, giấy phép lao động…

Nói về định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới của TP.HCM ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết Thành phố sẽ thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc, bền vững, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Trong đó, ưu tiên làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác đầu tư có sử dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực thương mại điện tử, logistic, hàng tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng tái tạo là các lĩnh vực TP.HCM ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản để thu hút đầu tư

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, Thành phố đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc để đáp ứng ngày càng tốt hơn môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư.

“ Không chỉ tại hội nghị hôm nay, những thắc mắc, câu hỏi tiếp theo của doanh nghiệp liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, sẽ được được chính quyền Thành phố lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất” ông Hoan nhấn mạnh.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính lũy kế đến hết tháng 11/2022, Nhật Bản có 1.568 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 5,5 tỷ USD; đứng thứ 3 trong tổng số 117 nước có dự án còn hiệu lực tại TP.HCM.

Hiện nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đang tập trung đầu tư vào các ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; công nghệ xây dựng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư