Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tranh cãi không hồi kết khoản vay kéo dài 25 năm của Vinawaco tại Vietcombank
Bảo Như - 18/03/2021 09:47
 
Vẫn chưa có hồi kết cho những tranh cãi liên quan đến khoản vay được hình thành từ hơn 25 năm trước của Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Vinawaco đang gặp rắc rối vì khoản vay tại ngân hàng Vietcombank
Vinawaco đang gặp rắc rối vì khoản vay tại Ngân hàng Vietcombank

Xóa nợ vì hiểu nhầm

Vietcombank đã thể hiện sự kiên nhẫn đáng nể khi từ nhiều năm trở lại đây, cứ khoảng 3 tháng một lần, lại gửi bản đối chiếu khoản nợ tới Vinawaco và các đơn vị liên quan.

Trong Văn bản số 833/VCB - CN vừa được gửi tới đơn vị nhận nợ vào tháng 3/2021, Vietcombank cho biết, dư nợ gốc, nợ lãi của Vinawaco theo dõi trên hệ thống của ngân hàng đến ngày 31/12/2020 là 49,832 tỷ đồng, gồm nợ gốc 12,597 tỷ đồng và nợ lãi là 37,235 tỷ đồng, tăng khoảng 200 triệu đồng so với thông báo nợ tháng 11/2020.

Tuy nhiên, tổng dư nợ gốc và lãi đến ngày 31/12/2020 mà Vietcombank gửi đến Vinawaco lại giảm hơn 10 tỷ đồng so với thông báo nợ mà ngân hàng này gửi đến đối tác hồi tháng 8/2020. Hiện chưa rõ lý do dẫn đến điều chỉnh này, nhưng trong tổng dư nợ của Vinawaco mà Vietcombank công bố vào ngày 31/7/2020 là 61 tỷ đồng có khoản nợ gốc là 12,597 tỷ đồng; nợ lãi trong hạn là 36,36 tỷ đồng; nợ lãi quá hạn là 12 tỷ đồng.

Tổng công ty Xây dựng đường thủy vốn là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công cảng biển, nạo vét luồng hàng hải của Bộ GTVT. doanh nghiệp này cổ phần hoá từ năm 2014, phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp này được xác định là 109,8 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ).

Tại Văn bản số 833 và một loạt thông báo nhắc nợ trước đó, Vietcombank liên tục dẫn lại Quyết định số 736/QĐ - NHNN ngày 23/5/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý tồn tại ở Vinawaco để khẳng định sự tồn tại của khoản dư nợ vay nói trên.

Cụ thể, đối với số nợ gốc, Vietcombank hạch toán số nợ gốc được xử lý nêu trên ra theo dõi trên tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán để tiếp tục theo dõi thu hồi nợ. Đối với số nợ lãi, Vietcombank xử lý theo quy định hiện hành để xóa số nợ lãi phát sinh từ số nợ gốc đã xử lý trước đó đã được xử lý theo Quyết định số 736.

“Vietcombank đã hạch toán số nợ gốc được xử lý nêu trên ra theo dõi trên tài khoản cân đối kế toán để tiếp tục theo dõi thu nợ. Tuy nhiên, từ khi thực hiện theo Quyết định 736 đến nay, Vinawaco không thanh toán thêm được khoản nợ nào cho Vietcombank”, Văn bản số 833 nêu rõ.

Được biết, khoản nợ của Vinawaco tại Vietcombank có lịch sử và nguồn gốc khá dích dắc. Theo đó, năm 1995, được sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, Vinawaco đã tiếp nhận 3 tàu vận tải hoạt động không có hiệu quả để hỗ trợ khó khăn cho Công ty Vietrancimex. Nhưng việc tiếp nhận 3 tàu vận tải này thay vì bổ sung nguồn lực cho đơn vị tiếp nhận, lại khiến Vinawaco gặp nhiều khó khăn, lâm vào tình trạng phá sản.

Trước thực trạng trên, vào đầu những năm 2000, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tài chính cho doanh nghiệp. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ Vinawaco xử lý nợ vay tồn đọng 3 tàu vận tải tại Công văn số 791/VPCP-KTTH ngày 21/2/2005.

Tại Công văn số 8019/BGTVT - QLDN báo cáo Thủ tướng về việc xử lý khoản nợ Vietcombank tại Vinawaco hồi cuối tháng 8/2020, Bộ GTVT cho biết, do hiểu nhầm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Ngân hàng Nhà nước, Vinawaco đã hạch toán xóa toàn bộ nợ và lãi phát sinh, không còn hồ sơ, không theo dõi trên sổ sách kế toán từ năm 2005.

Từ năm 2005 đến khi thực hiện cổ phần hóa (năm 2015), Vietcombank và Vinawaco không thực hiện đối chiếu công nợ, Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các năm trước đây không đề cập đến nội dung này, nên Tổng công ty không phát hiện hạch toán sai. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Vinawaco (ngày 30/6/2013) và thời điểm Tổng công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 1/6/2014), khoản nợ phải trả của Tổng công ty tại Vietcombank không nằm trong danh mục nợ phải trả khi thực hiện kiểm kê công nợ cũng như bàn giao sang công ty cổ phần.

Đặc biệt, trong Công văn số 8019, Bộ GTVT cho rằng, bản thân Vietcombank cũng có trách nhiệm lớn đối với khoản tồn đọng tài chính này.  Cụ thể, ròng rã trong suốt 10 năm liên tục, dù Vinawaco thường xuyên có quan hệ tín dụng với các ngân hàng, nhưng trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam không hề xuất hiện khoản nợ xấu này.

Ngoài ra, khi Vietcombank tiến hành cổ phần hóa năm 2007, ngân hàng này cũng không thực hiện việc thông báo, đối chiếu công nợ với Tổng công ty. Vụ việc chỉ vỡ lở vào năm 2016 khi Vietcombank, Chi nhánh TP.HCM đột ngột thông báo cho Vinawaco về khoản nợ tại Ngân hàng, sau đó gửi các văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT hỗ trợ xử lý khoản công nợ nói trên.

Lệch quan điểm

Được biết, trong suốt 4 năm qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ ba cơ quan quản lý nhà nước liên quan là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã có các văn bản hướng dẫn Vinawaco thực hiện xử lý khoản nợ nói trên.

Tuy nhiên, tại Văn bản số 788/2019/Vinawaco ngày 29/11/2019 gửi Vietcombank, Chi nhánh TP.HCM, HĐQT Vinawaco (hiện đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong đó cổ đông Nhà nước chỉ còn nắm giữ khoảng 30% vốn điều lệ) đã từ chối xác nhận để xử lý khoản nợ tại Vietcombank và nhấn mạnh: “Các yêu cầu cung cấp thêm hồ sơ của Vietcombank, Tổng công ty không thực hiện được do khoản nợ của Ngân hàng không có trong Hồ sơ xác định doanh nghiệp để cổ phần hóa của Tổng công ty, không có trong sổ sách kế toán của Công ty cổ phần”. Điều này đồng nghĩa với việc pháp nhân mới tại Vinawaco tuyên bố không có trách nhiệm kế thừa đối với khoản nợ mà Vietcombank tuyên bố.

Trong khi đó, tại Văn bản số 833, lần đầu tiên Vietcombank đã đưa ra những chứng cớ để chứng minh rằng ngân hàng này đã nhiều lần nhắc Vinawaco khoản nợ mua 3 tàu còn lại sau khi đã xử lý theo Quyết định 736.

Theo Vietcombank, 3 tháng sau khi Công văn số 791 thông báo chỉ đạo của Thủ tướng được ban hành, Vietcombank đã có Văn bản số 670/CV - HCM - TD ngày 9/5/2000 gửi Vinawaco thông báo số nợ gốc là 12,597 tỷ đồng và nợ lãi đến ngày 30/4/2005 là 10,225 tỷ đồng, yêu cầu Tổng công ty phải tiếp tục trả nợ cho Ngân hàng, nhưng Vinawaco không hợp tác làm việc.

Ngày 30/5/2000 (ngay sau khi có Quyết định số 736), Vietcombank lại tiếp tục có Văn bản số 810/CV- HCN.TD gửi Vinawaco thông báo số nợ gốc 12,597 tỷ đồng và nợ lãi tính đến ngày 26/5/2005 là 10,356 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu Tổng công ty cho biết khi nào mới giải quyết dứt điểm khoản nợ, nhưng Vinawaco vẫn không hợp tác xử lý.

“Việc Vinawaco thực hiện xóa khoản nợ tại Vietcombank và không theo dõi trên sổ sách kế toán từ năm 2005 đến thời điểm cổ phần hóa doanh nghiệp trong khi chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng  hoàn toàn là lỗi của bên vay chứ không phải do Vietcombank không đôn đốc nhắc nợ”, đại diện Vietcombank nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, bên cho vay cũng khẳng định, Vinawaco có trách nhiệm chủ động đối chiếu, xác nhận và phối hợp xử lý khoản nợ phải trả trước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Nếu không thực hiện là lỗi của bên vay và Vinawaco vẫn phải tiếp tục có trách nhiệm thanh toán nợ cho ngân hàng.

Trước đó, vào tháng 8/2019, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 6239/NHNN-TD, trong đó đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Vinawaco thực hiện hoàn trả khoản nợ (gốc, lãi) tại Vietcombank theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 6240/NHNN-TD ngày 13/8/2019 gửi Vietcombank, trong đó chỉ đạo: “Vietcombank tích cực thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi khoản nợ tồn đọng của Vinawaco tại Vietcombank theo quy định… Việc xem xét miễn, giảm lãi vay, lãi phạt của Vinawaco, Vietcombank thực hiện theo quy định hiện hành”. Như vậy, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước là không thực hiện xóa nợ gốc, chỉ xem xét miễn, giảm lãi vay, lãi phạt đối với khoản nợ này.

Cũng tại Công văn số 6239, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo làm rõ trách nhiệm trong việc đối chiếu công nợ của Vinawaco với Vietcombank khi thực hiện cổ phần hóa, để xảy ra tình trạng doanh nghiệp đã hạch toán giảm trừ nợ phải trả, trong khi Vietcombank vẫn đang theo dõi hạch toán nợ phải thu của doanh nghiệp và xử lý các vấn đề liên quan theo quy định của pháp luật.

Trong Công văn số 15632/BTC - TCDN ngày 31/12/2020 gửi Bộ GTVT liên quan đến xử lý quyết toán vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT làm việc với Ngân hàng Nhà nước để làm rõ các ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, việc chậm trễ trong việc quyết toán vốn lần 2 để thực hiện bàn giao khiến Vinawaco gặp khó khăn về tài chính khi nợ phải thu không thu được, nợ phải trả chưa đủ cơ sở để thanh quyết toán. Doanh nghiệp này luôn bị cưỡng chế thi hành án, các tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản.

“Những vướng mắc này đang khiến hoạt động của Vinawaco gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng nếu không thoái kịp thời”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco nhấn mạnh.

Vất vưởng khoản nợ lưu cữu 25 năm của Vinawaco
Vietcombank và Tổng công ty Xây dựng đường thủy sẽ phải dắt nhau ra tòa để xử lý khoản nợ trị giá hơn 60 tỷ đồng, được hình thành từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư