Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Trốn đóng tiền bảo hiểm, doanh nghiệp đối mặt với án hình sự
Do thiếu chế tài xử lý nên tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… diễn ra rất phổ biến. Cả nước hiện có 102.900 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội, với số tiền bảo hiểm của 2,6 triệu lao động lên tới 14.700 tỷ đồng.
Hiện có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể
Hiện có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể

“Rất bức xúc…”

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về vấn nạn doanh nghiệp trốn đóng các loại tiền bảo hiểm cho người lao động. Không riêng ông Bình, các đại biểu Quốc hội khác cũng có nhìn nhận tương tự.

Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, gần 2 năm qua, các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển sang; 20 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã gửi đơn khởi kiện đến các cấp tòa án.

Trong 187 vụ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội do công đoàn khởi kiện, tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải thành công 18 vụ, tòa án cấp huyện ở một tỉnh thụ lý 2 vụ án, 48 vụ trả lại hồ sơ, số còn lại tòa án không thụ lý giải quyết chủ yếu do không có giấy ủy quyền của những người lao động hoặc công đoàn cơ sở cho công đoàn cấp trên khởi kiện, mà điều này rất khó bởi công đoàn cơ sở, người lao động tại chính doanh nghiệp không thể và không dám ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện chính doanh nghiệp của mình. Làm điều này đồng nghĩa với nguy cơ cao sẽ mất việc làm…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngành lao động, thương binh và xã hội, chính quyền các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội theo thẩm quyền.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

 

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng hoặc doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi. Điều này khiến quyền lợi của 193.000 người lao động ở các doanh nghiệp đang bị “treo”, chưa có hướng giải quyết.

“Việc doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, trong đó không ít doanh nghiệp hàng tháng vẫn trừ một phần tiền lương đều đặn của người lao động với lý do để đóng bảo hiểm xã hội không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp đáng của người lao động, mà còn tác động xấu đến an toàn, cân đối nguồn quỹ bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, hiện quy định pháp lý còn nhiều bất cập, việc thực thi pháp luật trên thực tế chưa nghiêm. Đây là vấn đề lớn đang gây bức xúc đối với người lao động và toàn xã hội, nên Quốc hội cần dành sự quan tâm đặc biệt để sớm giải quyết…”, ông Cường đề xuất.

Liên quan đến giải quyết các vụ khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm qua kênh tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 8.800 vụ, với số tiền 6.000 tỷ đồng, tòa án đã xử 3.986 vụ, tương đương 16% tổng số nợ, số vụ còn lại tòa trả hồ sơ do bất cập của quy định pháp luật lẫn thực tiễn áp dụng luật.

Sẽ truy tố hành vi gian lận bảo hiểm từ đầu năm 2018

Để khắc phục vấn nạn doanh nghiệp trốn đóng tiền bảo hiểm, ý kiến từ đại biểu Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, nhất là hành vi trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội.

Nếu phát hiện có những quy định chưa cụ thể, còn các cách hiểu khác nhau, thì cần giải thích để thống nhất áp dụng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải thích pháp luật theo thẩm quyền. Nếu các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có khoảng trống, Quốc hội giao cho Chính phủ tổng hợp trình Quốc hội xem xét sửa đổi...

“Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngành lao động, thương binh và xã hội, chính quyền các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội theo thẩm quyền. Chủ tịch UBND cấp huyện cần quan tâm giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an cần chỉ đạo công an các cấp nắm tình hình, phối hợp với tổ chức công đoàn phát hiện, điều tra, đề nghị truy tố một số vụ án điểm về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…”, ông Cường đề xuất.

Đại biểu Cường cũng đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn, chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp nhận, thụ lý các vụ công đoàn khởi kiện về nợ bảo hiểm xã hội, sớm đưa ra xét xử một số vụ để răn đe, cảnh báo các hành vi tương tự.

“Chúng tôi đã thảo luận với Bảo hiểm Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động rất nhiều lần, nhưng chưa tìm ra cách, bởi tòa án không thể có cách nào khác là tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, việc này chỉ tồn tại từ nay đến hết năm 2017, vì bắt đầu từ 1/1/2018, hành vi gian lận trong bảo hiểm đã được hình sự hóa và trở thành tội phạm, nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, đưa ra viện kiểm sát và tòa án để truy tố, xét xử...”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư