Chủ Nhật, Ngày 25 tháng 05 năm 2025,
Trụ cột mới trong quan hệ hợp tác đầu tư Việt - Pháp
Thanh Huyền - 25/05/2025 08:26
 
Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện mở ra không gian hợp tác mới giữa Việt Nam và Pháp, trong đó đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột quan trọng, tạo động lực phát triển bền vững cho cả hai bên.

Không gian hợp tác rộng lớn hơn

Theo ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, nhân tố mới từ việc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm mức Chiến lược toàn diện đang mở ra không gian hợp tác rộng lớn, sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và mang tính chiến lược, phù hợp với lợi ích và tiềm năng của cả Việt Nam và Pháp.

“Hai nước tiếp tục có nhiều thế mạnh để tương tác, tạo thuận lợi, hỗ trợ cho nhau trong việc thực hiện các chiến lược phát triển và nâng cao vị thế của mỗi nước”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhận định.

Trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm tháng 10/2024, Việt Nam và Pháp đã nhất trí cùng hướng đến phát triển và làm sâu sắc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ mới, đặc biệt thông qua các trao đổi về chính sách công và hoạt động đào tạo.

Hoạt động tiêu biểu trong hợp tác đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Pháp là ngày 27/5 tới, tại TP.HCM sẽ diễn ra sự kiện French Tech Summit Vietnam, quy tụ các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Pháp và Việt Nam để thúc đẩy trao đổi và hợp tác cụ thể, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các sự kiện làm phong phú hơn nữa hợp tác năng động trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế...

Trao đổi về sự kiện này trong chuyến công tác tại Việt Nam hồi tháng 4/2025, ông Saint-Martin, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương và người Pháp ở nước ngoài nhận định, đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước.

TS. Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, hai nước đang tích cực hợp tác đào tạo nhân lực khoa học công nghệ, với khoảng 8.000 sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc tại Pháp. Nhiều người Việt Nam sau khi học tập và phát triển tại Pháp, đặc biệt là tại các trung tâm công nghệ lớn như Paris, Toulouse, Lyon…, đã trở về Việt Nam làm việc.

Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Hà Lan, Đức, Anh và Italia), kim ngạch thương mại năm 2024 đạt 5,42 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2023 (4,81 tỷ USD).

Về đầu tư, Pháp đứng thứ 16/147 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 700 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 3,95 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam có 20 dự án đầu tư tại Pháp với tổng vốn đăng ký đạt 38,93 triệu USD.

Đặc biệt, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong các nước hưởng ODA của Pháp (từ năm 1993 - 2022, cung cấp và cho vay ưu đãi 16,7 tỷ EUR; trung bình 100 triệu EUR/năm, tập trung vào các lĩnh vực là hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp xanh và tài chính…).

Tạo đột phá dựa trên hợp tác khoa học - công nghệ

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 đến 27/5, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ song phương, đặc biệt sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Nhân chuyến thăm này, hai bên dự kiến ký kết Hiệp định hợp tác về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định là ưu tiên hàng đầu cho sự vươn lên của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đồng thời là lĩnh vực được Pháp xác định có tính đột phá cho việc duy trì và phát triển của nước Pháp thời gian tới, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng, với sự cam kết và nỗ lực từ cả hai phía, sự hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát huy thế mạnh của Pháp và tạo ra những bước phát triển đột phá, toàn diện cho Việt Nam trong tương lai.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, cần thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, tạo cầu nối và khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ của Pháp và Việt Nam, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như công nghệ số và các giải pháp thông minh.

Đồng thời, hai bên cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các hoạt động hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cung cấp các chính sách ưu đãi phù hợp.

Củng cố hơn nữa trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong quan hệ Việt - Pháp
Ngày 4/11 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư