Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Trúc Lâm Handmade và hành trình giữ nghề, giữ người
Quang Hưng - 13/02/2021 17:41
 
Sự chậm rãi và kiên định là phương thức tuyệt vời để Trúc Lâm Handmade trụ vững, tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề thủ công, thực hiện sứ mệnh là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại.
Bà Lê Thị Thắm, CEO Trúc Lâm Handmade
Bà Lê Thị Thắm, CEO Trúc Lâm Handmade

Vượt qua sóng gió

“12 tháng là quá dài cho ‘giấc ngủ đông’ mang tên Covid-19”, bà Lê Thị Thắm, CEO Trúc Lâm Handmade bắt đầu câu chuyện với chúng tôi trong một chiều đông Hà Nội giá lạnh. Theo bà Thắm, do đặc thù sản phẩm handmade (thủ công) của Việt Nam chủ yếu hướng tới đối tượng khách nước ngoài, nên khi ngừng tiếp nhận du khách quốc tế do Covid-19 bùng phát, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thủ công đều lao đao.

Chúng tôi muốn trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp bảo tồn, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm dân tộc mang trong mình những câu chuyện văn hóa đặc sắc.

Hơn 20 năm kinh nghiệm và gắn bó với nghề này, bà Thắm cũng không thể ngờ rằng, Covid-19 lại kéo dài và gây ảnh hưởng nặng nề đến như vậy.

Ngày ngày, nhìn lượng hàng chất đầy kho mà không bán được, cả Công ty đứng ngồi không yên. Khi đó, rất nhiều chuỗi showroom, cửa hàng handmade sau một thời gian gắng gượng cầm cự đã phải đóng cửa, trả lại mặt bằng.

“Nếu Trúc Lâm cũng chọn phương án thu hẹp sản xuất, ‘ngủ đông’ chờ hết dịch như nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác thì quá đơn giản, nhưng rồi chúng tôi sẽ làm gì sau đó? Những đối tác làng nghề của chúng tôi sẽ thế nào khi mất đi nghề phụ? Nếu không có đơn hàng ổn định, thì các làng nghề truyền thống sẽ vô cùng khó khăn và mai một theo thời gian, khi hết dịch, muốn gây dựng lại sẽ rất khó”, CEO Trúc Lâm Handmade chia sẻ nỗi trăn trở của người chịu trách nhiệm về sự tồn vong của doanh nghiệp với hàng trăm, hàng ngàn lao động, trong đó, phần nhiều là phụ nữ.

Do vậy, Trúc Lâm đã cố gắng tìm mọi cách cầm cự sản xuất, vừa giúp bà con làng nghề, vừa để duy trì doanh nghiệp. Và trong nguy có cơ, chính trong khoảng thời gian này, mọi người trong Công ty càng trở nên gắn bó hơn, chia sẻ và động viên nhau cùng vượt qua những khó khăn trước mắt, tận dụng những cơ hội hiếm có mà thị trường mang lại.

“Do tác động của Covid-19, nhiều cơ sở trả lại mặt bằng, nên việc đàm phán và thuê mặt bằng thuận lợi hơn nhiều so với trước. Nhờ đó, Trúc Lâm đã mở được một số showroom mới ở những địa điểm đẹp trong năm 2020. Ngoài ra, chúng tôi cũng tranh thủ khoảng lặng này để đào tạo nâng cao kỹ thuật cho đội ngũ sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, nghiên cứu các xu hướng tiêu dùng mới… để sẵn sàng bùng nổ sau khi Covid-19 được kiểm soát”, bà Thắm vui vẻ cho biết.

Kết quả, trong năm 2020, Trúc Lâm đã mở hệ thống showroom, nhà hàng đầu tiên trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với tổng diện tích sàn lên đến hơn 1.500 m2. Đây là không gian văn hóa truyền thống, trưng bày các sản phẩm thủ công Việt Nam theo mô hình mộc mạc, thuần Việt, nhưng vẫn đủ đẹp và tinh tế khiến khách tham quan ngỡ ngàng.

Khi nhịp sống chậm lại, khách nước ngoài thưa thớt, thì lại có những khách hàng trong nước - những người trước đây bận rộn với công việc, nay có thời gian để ngắm nhìn, cảm nhận vẻ đẹp chân thật, tinh tế và rất có hồn trên những sản phẩm “made in Vietnam”, để thấy yêu hơn những sản phẩm handmade được làm từ bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công Việt Nam.

Thói quen “hướng nội” được hình thành trong đại dịch cũng đang tác động lên xu hướng tiêu dùng của du khách. Họ sẽ chọn cách “chi tiêu chọn lọc” thay vì cắt giảm trên diện rộng, và ưu tiên các yếu tố trải nghiệm trong tiêu dùng. Do đó, khách du lịch sẽ tìm hiểu kỹ hơn trước khi mua sắm, chẳng hạn, tìm hiểu về nguồn gốc, phương thức sản xuất hoặc các nguyên vật liệu hữu cơ, thân thiện với môi trường...

Về phần trải nghiệm, họ sẽ tham khảo rất kỹ các nhận xét của những người đã mua hàng, đồng thời muốn tự mình trải nghiệm quá trình hình thành một sản phẩm, hoặc nghe những câu chuyện văn hóa gắn kèm với từng sản phẩm handmade. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa tại Việt Nam.

“Vượt qua sóng gió của thị trường, chúng tôi muốn trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp bảo tồn, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm dân tộc mang trong mình những câu chuyện văn hóa đặc sắc. Có làm được như thế, thì người thợ thủ công và bà con dân tộc mới có động lực gắn bó với nghề, khi tận mắt thấy sản phẩm của mình được đón nhận ở trong nước và quốc tế”, CEO Trúc Lâm Handmade trải lòng.

Nhân viên Trúc Lâm Handmade làm việc cùng bà con người Mông tại một làng nghề vệ tinh
Nhân viên Trúc Lâm Handmade làm việc cùng bà con người Mông tại một làng nghề vệ tinh

Gìn giữ và phát triển nghề truyền thống

Trước đây, nhiều người tỏ ra hoài nghi về chất lượng, mẫu mã của những sản phẩm thủ công và cho rằng, hàng thủ công chỉ có thể phát triển theo hướng bình dân, giá rẻ. Theo bà Thắm, đây là một quan niệm sai lầm. Bởi, đằng sau mỗi làng nghề truyền thống là những câu chuyện văn hóa, những kỹ thuật độc đáo được đúc kết qua nhiều thế hệ. Những người thợ thủ công giỏi nghề được vinh danh là nghệ nhân, là “báu vật” của địa phương. Bản thân người thợ đó cũng được lớn lên trong hơi thở làng nghề truyền thống, trải qua bao năm tôi luyện mới có thể tạo ra những sản phẩm có hồn cốt, có nét tinh túy đặc biệt.

Vậy nên, việc của những người làm cầu nối giữa sản phẩm với khách hàng như Trúc Lâm Handmade không chỉ đơn thuần là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và giữ nghề, đặc biệt, khi lớp nghệ nhân cũ già dần, trong khi giới trẻ lại không mặn mà với nghề truyền thống.

Bà Thắm cho biết, mẫu mã là điểm yếu cố hữu của sản phẩm handmade, nhưng hoàn toàn có thể khắc phục dần dần. Một ví dụ điển hình là vải thổ cẩm rất đẹp, nhưng bao đời nay, người Mông chỉ dùng để may váy, áo. Do vậy, Trúc Lâm Handmade chọn cách hướng dẫn bà con dân tộc sắp xếp hoa văn, dùng những mảnh vải thổ cẩm để làm những sản phẩm hoàn chỉnh như túi, ví, ba lô, vỏ gối… Chỉ riêng với nhóm hàng thổ cẩm, Công ty đã tạo ra hơn 1.000 mẫu sản phẩm độc đáo, được khách hàng ưa chuộng. Điều này vừa giúp làm đa dạng thị trường, vừa khuyến khích nghệ nhân các làng nghề tiếp tục gắn bó với nghề thủ công truyền thống.

Nghề thủ công với vai trò là nghề phụ ổn định, chủ yếu sử dụng các nguyên liệu tại địa phương, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống, đồng thời tạo việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là nhóm lao động nghèo, phụ nữ trung niên, bà con dân tộc.

Không chỉ đơn thuần là câu chuyện sản phẩm - hàng hóa - thu nhập, việc duy trì các làng nghề truyền thống có ý nghĩa lớn trong việc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong gia đình. Những người phụ nữ nông thôn có thể vừa làm ruộng, vừa làm nghề phụ, vừa chăm sóc chồng, con. Đàn ông giúp vợ làm nghề thủ công sẽ hạn chế được các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc. Quan trọng hơn, khi có nguồn thu nhập đủ sống ngay tại quê nhà, người phụ nữ sẽ không phải đi làm xa, và do vậy, các gia đình nông thôn cũng không phải chịu cảnh ly tán, con xa mẹ, vợ xa chồng.

“Nhìn từ góc độ đó, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa lớn lao khi thời gian gần đây, Nhà nước đã từng bước hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách làm cầu nối, giúp các doanh nghiệp thủ công, các nhóm sản xuất tiếp cận những thị trường mới. Chính quyền địa phương có những chương trình để khuyến khích phát triển du lịch văn hóa làng nghề. Như vậy, chúng ta sẽ vừa bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, vừa tạo được doanh thu ổn định cho các làng nghề địa phương. Dịch bệnh sẽ không kéo dài mãi mãi, do vậy, chúng ta cần tận dụng thời gian trước mắt để chuẩn bị thật tốt và sẵn sàng đón đầu làn sóng du lịch trải nghiệm khi Covid-19 được kiểm soát hiệu quả”, bà Thắm nói.

9X kiếm triệu USD từ trang sức handmade
Chỉ với số vốn 1.000 USD, nữ sinh 18 tuổi người Mỹ tự thiết kế và xây dựng thương hiệu trang sức được hàng loạt ngôi sao yêu thích.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư