Thứ Tư, Ngày 30 tháng 04 năm 2025,
Tư duy đổi mới đang bị... "cụt vốn"
Hàn Tín - 23/05/2014 16:47
 
Thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mấu chốt nền kinh tế không hấp thụ được vốn là tư duy đổi mới đã bị… cụt vốn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cảnh báo yếu tố cản trở phục hồi kinh tế
Tạo cơ chế để xuất hiện nhiều người dám làm, dám chịu
Nền kinh tế đột phá sau năm 2014
HSBC: 2014 là năm của các nhà xuất khẩu

Mổ xẻ điểm nghẽn đã và đang hạn chế tăng trưởng GDP, đại biểu tỉnh Lao Cai, ông Phạm Văn Cường cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do nền kinh tế không hấp thụ được vốn.

  Ông Phạm Văn Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Lao Cai  
  Ông Phạm Văn Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Lao Cai  

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, năm 2013, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 12,5% (mục tiêu tăng 12%), trong 4 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ còn 0,53%. Tốc độ tăng trưởng này, theo ông Cường rõ ràng là quá thấp so với nhu cầu, nhưng trên thực tế tốc độ tăng trưởng tín dụng còn thấp hơn rất nhiều.

Ông Cường cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước công bố là tính cả khoản mà ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ.

“Cách tính cả khoản mua trái phiếu chính phủ vào tốc độ tăng dư nợ tín dụng là không hợp lý vì vốn ngân hàng không đầu tư cho  sản xuất - kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Hơn nữa, khi ngân hàng đầu tư vào trái phiếu chính phủ đã tính là đầu tư cho nền kinh tế và khi ngân sách nhà nước sử dụng số tiền này để đầu tư cho cho các công trình, dự án thì lại được tính đầu tư cho nền kinh tế một lần nữa. Đây là lý do vì sao tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 vượt kế hoạch, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại không đạt kế hoạch”, ông Cường phân tích.

Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, theo ông Cường có nguyên nhân là theo quy định, muốn vay được vốn đầu tư trung và dài hạn, doanh nghiệp phải có 30% tổng mức đầu tư, ngân hàng cho vay 70% còn lại. Doanh nghiệp khó khăn, không có tài sản thế chấp nên không thể đáp ứng được điều kiện vay vốn.

“Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư trung và dài hạn, theo tôi nên thay đổi tỷ lệ 30-70 bằng tỷ lệ 20-80”, ông Cường đề xuất ngành ngân hàng phải thay đổi tư duy, với tư duy cũ thì lãi suất cho vay vốn có giảm nữa cũng khó có thể đẩy mạnh vốn đầu tư trung và dài hạn cho các dự án sản xuất - yếu tố then chốt để nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.

Nền kinh tế không hấp thụ được vốn cho dù số doanh nghiệp thành lập mới vẫn lớn hơn số doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động rất nhiều, theo ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc là tư duy đổi mới đã “cụt vốn”, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa có tư duy mới, nghĩ ra được giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trước mắt là tăng dư nợ tín dụng.

“Tư duy cũ đã “cụt vốn”, tư duy mới không theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới là điều đáng lo ngại vì năm 2015, nước ta phải hội nhập toàn diện với ASEAN về kinh tế”, ông Phước lo ngại.

Lấy ví dụ từ việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không còn quan tâm tới đầu tư tại Việt Nam mà đem vốn đầu tư sang Lào và chỉ trong một thời gian ngắn, Hoàng Anh Gia Lai đã giúp tỉnh A-tô-pư, một trong những tỉnh khó khăn nhất của nước bạn Lào thay da đổi thịt, thu nhập của người dân A-tô-pư đã lên đến 1.750 USD/người, cao hơn cả thu nhập của người dân tỉnh Gia Lai, ông Phước cho rằng, nếu không thay đổi ngay tư duy, thì sau năm 2015, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp đem vốn đi đầu tư ở những nước trong khu vực.

“Cũng là người Việt Nam, trong khi đầu tư ở trong nước thì gặp khó khăn, năng suất thấp, chất lượng thấp, nhưng khi đầu tư ra nước ngoài, kể cả đầu tư ra những nước có trình độ kinh tế thấp hơn chúng ta thì doanh nghiệp Việt Nam lại gặt hái được thành công. Vì sao vậy? Vì tư duy quản lý kinh tế của các nước xung quanh “sắc” hơn, nhanh nhạy hơn chúng ta”, ông Phước bình luận.

Đại biểu tỉnh Thái Nguyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đỗ Mạnh Hùng kể, mới đây ông đến UBND một phường ở Hà Nội, sau khi “trình” cacvidit cho nhân viên của ủy ban, ông đợi gần một tiếng mới được bà chủ tịch UBND phường “gọi lên”. Chưa kịp chào hỏi, bà chủ tịch phường yêu cầu có gì ông báo cáo ngay vì bà… rất bận.

“Sau khi giới thiệu chức vụ, cơ quan công tác và mục đích đến phường chỉ là đề nghị phường phối hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội trao quà nhân dịp 27/7 cho một số gia đình thương binh liệt sỹ trong phường, mặt bà chủ tịch phường… giãn ra. Chắc là trước đó, do “bận” nên là bà chủ tịch phường chưa đọc danh thiếp của tôi, nhưng mặc dù sau khi biết rõ chức vụ, cơ quan công tác, và mục đích làm việc của tôi, vị công bộc đứng đầu cấp phường vẫn dứt khoát không đi trao quà nhân dịp 27/7 với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội”, ông Hùng kể tiếp.

“Làm việc với cơ quan của Quốc hội mà cán bộ phường còn như thế, vậy làm việc với người dân, doanh nghiệp thì thái độ của họ thế nào. Với tư duy quản lý kiểu này thì ai dám bỏ vốn ra kinh doanh, ai dám vay vốn để kinh doanh. Vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi tín dụng tăng trưởng rất thấp”, ông Hùng kết luận.

Ông Hùng cho rằng, có 2 điểm nghẽn rất lớn đang hạn chế sự phát triển của nền kinh tế. Thứ nhất là hiệu quả nền kinh tế thấp, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh yếu. Thứ hai là tư duy đổi mới đang bị… cụt vốn.

“Điểm nghẽn thứ nhất phải mất nhiều thời gian, công sức mới có thể cải thiện được. Nhưng điểm nghẽn thứ hai có thể giải quyết được ngay mà không mất chi phí. Trong một xã hội yêu cầu phát triển cao và bền vững mà tư duy làm việc, thái độ làm việc của bà chủ tịch phường như tôi vừa kể vẫn còn tồn tại thì doanh nghiệp không có nhiều niềm tin khi bỏ vốn ra kinh doanh, vay vốn ngân hàng để kinh doanh”, ông Hùng phát biểu.

Chỉ có một con đường để Việt Nam đi lên Chỉ có một con đường để Việt Nam đi lên

GS. Nguyễn Quang Thái,   Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam , đã có bài bình luận về Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đánh giá cao Thông điệp của Thủ tướng, GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, Việt Nam chỉ có một con đường để đi lên. Đó là tự đi lên bằng sử dụng sức mạnh tổng hợp của thời đại và dân tộc Việt Nam. Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ Năm 2014, doanh nghiệp lo ngại gì nhất?  Lợi thế của kinh tế năm 2014

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư