Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Từ ngày 29/8, TP.HCM thay đổi quy định kiểm soát việc đi đường
Việt Dũng - 28/08/2021 18:56
 
Từ ngày 29/8, Công an TP.HCM sẽ triển khai lại việc khai báo “di biến động dân cư”; các xe không có QRcode, chỉ cần một người trên xe có giấy đi đường sẽ được lưu hành.

Điều chỉnh một số quy định về đi đường 

Ngày 28/8, chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, để phục vụ việc kiểm tra, giám sát "di biến động dân cư" và quản lý chặt chẽ các giấy đi đường, Công an TP.HCM bắt đầu triển khai khai báo phần mềm quản lý công dân vùng dịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia tại các chốt kiểm soát trên diện rộng.

Theo ông Hà, bước đầu thực hiện, do các tài xế chưa khai báo tại nhà, đến chốt mới khai báo nên có thể xảy ra tình trạng ùn ứ tại các chốt. Do đó, trước khi ra đường nên khai báo bằng mã QR trình tại chốt kiểm soát, để việc qua chốt nhanh chóng hơn.

“Hiện nay, chỉ còn khoảng 10% lưu lượng lưu thông so với ngày thường, do đó việc lưu thông qua chốt sẽ thuận tiện hơn”, ông Hà nói.

Công an TP.HCM bắt đầu triển khai khai báo giám sát di biến động dân cư
Công an TP.HCM bắt đầu triển khai khai báo giám sát di biến động dân cư.


Về vấn đề cấp giấy đi đường cho cơ quan, tổ chức, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều khó khăn vướng mắc. Do đó, Công an Thành phố vừa có kế hoạch mới, triển khai từ ngày 29/8 để tháo gỡ một số vướng mắc. 

Cụ thể, theo quy định mới, đối với xe chở nhân viên, công việc đòi hỏi làm việc theo ê-kip mà không có QRcode, chỉ cần một người trên xe có giấy đi đường sẽ được tạo điều kiện lưu hành.

"Lưu ý người có giấy đi đường phải cùng đơn vị với những người trên xe. Số người ngồi trên phương tiện cũng đảm bảo giãn cách, không quá 1/2 xe", thượng tá Hà nói thêm.

Riêng đối với nhân viên vận chuyển gas không được cấp giấy đi đường ảnh hưởng nhu cầu người dân, Công an TP.HCM đã thay đổi quy định kiểm soát lưu thông với nhóm này. Theo đó, người bán, chở bình gas từ 12kg trở lên có giấy giao hàng, có nơi nhận; khai báo y tế qua phần mềm quản lý công dân của Bộ Công an trước thì được giải quyết di chuyển.

Theo Thượng tá Hà, Công an TP.HCM cũng ghi nhận nhiều vướng mắc của người dân có nhu cầu đi xét nghiệm; người đi du học; người xuất cảnh... Với những trường hợp này, người dân chỉ cần chứng minh được lộ trình đến cơ sở y tế xét nghiệm, giấy tờ liên quan sẽ được lưu thông mà không cần giấy đi đường.

Xem xét cho shipper hoạt động trở lại

Trao đổi về việc Sở Công thương đề xuất cho đội ngũ giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động trở lại, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đúng là Sở đã đề xuất, các cơ quan tham mưu đang thảo luận, chưa có trả lời chính thức từ lãnh đạo Thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Phương, đội ngũ này rất chuyên nghiệp có lợi thế lớn trong việc vận chuyển hàng hóa, có năng lực trong điều phối tiếp nhận thông tin giao nhận hàng hóa. Đồng thời, họ cũng được tiêm vắc-xin, có các ứng dụng để quản lý. 

Không những vậy, họ có nghiệp vụ đảm bảo an toàn trong giao dịch và an toàn trong phòng, chống dịch vì hoạt động qua nhiều đợt dịch. Do đó, nếu họ được vận chuyển hàng hóa thì giảm tải rất nhiều trong việc vận chuyển hàng hóa.

Shipper được phép giao hàng tại quận huyện 'vùng đỏ' của TP.HCM
Shipper được phép giao hàng tại quận huyện 'vùng đỏ' của TP.HCM.


Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM để bàn việc bổ sung thêm lực lượng shipper.  Toàn bộ ý kiến trong cuộc họp này đều đồng ý với việc phải bổ sung thêm shipper để phục vụ nhu cầu mua hàng của người dân trong thời gian TP.HCM tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhưng phải đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, hàng hóa hiện nay được cung ứng đến tận các cửa hàng ở các phường trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, lực lượng đóng hàng theo yêu cầu của người dân trong các siêu thị, cửa hàng thiếu, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Mặt khác, do hiện nay tại TP.Thủ Đức và quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn thuộc "vùng đỏ" không cho shipper hoạt động nên việc giao hàng từ các địa điểm phân phối đến tổ dân phố cho người dân gặp khó khăn, chậm trễ.

Bà Thắng kiến nghị cho thành phố được bổ sung thêm lực lượng nhân viên phục vụ trong các điểm bán hàng và tổ chức cho shipper được chạy trong địa bàn TP.Thủ Đức và 7 quận, huyện thuộc "vùng đỏ" để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua hàng của người dân.

Sau khi thảo luận, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất theo hướng sẽ đồng ý TP.HCM tính toán bổ sung thêm lực lượng nhân viên làm việc tại các chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn với điều kiện thành phố phải chỉ đạo cơ quan y tế xét nghiệm hằng ngày đối với lực lượng này. 

Tổ công tác đồng ý để TP.HCM tổ chức cho shipper được phép hoạt động tại TP.Thủ Đức và 7 quận huyện "vùng đỏ" để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân. Tuy nhiên, phải giao cho các phường (trạm y tế lưu động do quân y quản lý) tổ chức điểm xét nghiệm tại mỗi phường, ít nhất mỗi phường có một điểm. 

Riêng lực lượng shipper tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" vẫn tổ chức từ trước đến nay nhưng phải tăng cường xét nghiệm 2 lần/tuần.

Tổ công tác giao Công an Thành phố chỉ đạo công an quận, huyện ứng dụng triệt để các ứng dụng công nghệ để kiểm soát chặt chẽ lực lượng shipper, đồng thời giao Sở Y tế quản lý việc thực hiện xét nghiệm cho các shipper theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

TP.HCM: Nhiều đơn vị xin cấp giấy đi đường quá mức cần thiết
Công an Thành phố được ủy quyền cấp giấy, vì vậy phải rất cân nhắc, đảm bảo giãn cách nghiêm ngặt. Do vậy, chỉ cấp cho người thực sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư