Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tư tưởng lập pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
PGS-TS Lê Quý Đức - 19/05/2013 06:01
 
LTS: Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; hướng tới kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2013), Báo Đầu tư giới thiệu bài viết của PGS-TS Lê Quý Đức về tư tưởng lập pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp 1946.
TIN LIÊN QUAN
Lấy dân làm gốc là nguyên tắc thứ nhất của tư tưởng về pháp luật
của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đ.T)

Tư tưởng lập pháp của Người đã và đang soi sáng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng với thế giới nhằm mục tiêu xây dựng xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xuất phát điểm của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh

Điểm xuất phát của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh là quyền và lợi ích căn bản, cao cả và thiêng liêng của dân tộc và nhân dân Việt Nam. Đó là độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền dân chủ, tự do của nhân dân trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa – hai nguyên tắc tối thượng của pháp luật thời đại văn minh, hiện đại.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, hoạt động cách mạng, Người luôn luôn khao khát giành lại nền độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc, no ấm cho nhân dân mình. Người thường trăn trở với một niềm ao ước lớn: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do. Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Trước khi đi xa, Người ủy thác cho toàn Đảng, toàn dân thực hiện niềm mong muốn đó: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc của Người ngày 9 tháng 5 năm 1969).

Như vậy, tư tưởng lập pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ khát vọng và ý chí của dân tộc Việt Nam hôm nay và nguyện vọng của cha ông “ngàn thuở trước” trải qua lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy anh dũng và bi thương.

Chính vì vậy, trong văn bản có tính pháp lý đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lý lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng, nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ quyền dân chủ, tự do của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Người đặt ra nhiệm vụ quan trọng là lập ra bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa để bảo vệ thành quả cách mạng và quyền lợi của nhân dân.

Người nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc xây dựng đạo luật cơ bản này: “Trước đây, chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu cử Quốc hội cơ quan lập pháp của chúng ta”.

Như vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cũng như khi trở thành người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao tư tưởng lập pháp và đã hiện thực hóa tư tưởng đó bằng sự đóng góp quan trọng cho việc ra đời hai bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Tư tưởng cấp tiến của Hiến pháp 1946

Một tư tưởng lập pháp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề cao chủ quyền dân tộc (độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia); tư tưởng quyền dân chủ, tự do của nhân dân là hai nội dung căn cốt của tư tưởng lập pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai vấn đề trên vừa là điểm xuất phát, vừa là nguyên tắc cơ bản xây dựng các đạo luật của nước ta dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều này được thể hiện trong Lời nói đầu của bản Hiến pháp năm 1946, khẳng định thành quả Cách mạng Tháng Tám là “giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa” Chúng chi phối nhiệm vụ của bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam trước âm mưu trở lại xâm lược của đế quốc Pháp: “Bảo vệ lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân tộc”.

Tư tưởng lấy dân làm gốc là nguyên tắc thứ nhất của tư tưởng về pháp luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước lấy dân làm gốc, lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết, không ai chiến thắng được lực lượng ấy”. Do vậy, phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, biến ý chí của nhân dân thành pháp luật của quốc gia, dùng quyền lực của nhân dân để chống đế quốc, lật đổ chế độ phong kiến, xây dựng đất nước, phát triển xã hội…

Tư tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ nhân dân vừa là nội dung quan trọng của tư tưởng lập pháp của Hồ Chí Minh, vừa là hệ quả trực tiếp của hai nguyên tắc xây dựng thể chế pháp luật ở nước ta. Tư tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền kiểu mới và xây dựng xã hội dân chủ, nhân dân của Người có một số nội dung quan trọng.

Một là, khẳng định Nhà nước pháp quyền là nhà nước hợp hiến, hợp pháp, thực sự của dân, do dân, vì dân, đảm bảo nền dân chủ của dân, do dân cử ra “chính quyền từ cấp xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử ra”.

Ngay các Điều 1 và 3 của Chương mở đầu Hiến pháp năm 1946, đã ghi nhận tư tưởng trên của Hồ Chí Minh: chính thể nước ta là cộng hòa dân chủ nhân dân, trong đó nhân dân là người chủ nắm quyền lực nhà nước. “Tất cả quyền bính trong nước là của nhân dân Việt Nam” (Điều 1).

Hai là, pháp luật trong nhà nước cộng hòa dân chủ, nhân dân là pháp luật dân chủ, tự do, thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.

Ba là, trách nhiệm của nhà nước cộng hòa, dân chủ nhân dân: Nhà nước có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhà nước phải được kiểm tra, giám sát của nhân dân, của xã hội và Nhà nước cũng như cán bộ, công chức của nó phải trong sạch, không tham nhũng, quan liêu, lãng phí, không được hách dịch với nhân dân.

Bốn là, trách nhiệm nghĩa vụ của nhân dân, của công dân đối với nhà nước của mình. Trong hai bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, tuy vị trí của các quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân đặt trước và sau khác nhau. Song, trong tư tưởng lập pháp của Hồ Chí Minh đều có sự thống nhất giữa nghĩa vụ và quyền lợi của công dân về những vấn đề cơ bản nhất.

Bản Hiến pháp năm 1946 quy định “nghĩa vụ và quyền lợi của công dân”, trong đó Hồ Chí Minh cho rằng, nghĩa vụ phải đặt trước quyền lợi. Bởi nhiệm vụ sống còn của dân tộc lúc đó là bảo vệ nền độc lập dân tộc, nên bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ đi lính (vào quân đội) là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả và cũng là quyền lợi của mỗi công dân yêu nước. Các nghĩa vụ quan trọng khác là: tôn trọng Hiến pháp và tuân theo Hiến pháp, thực hiện chính sách của Chính phủ đề ra.

Bản Hiến pháp năm 1959, ngoài những quy định về nghĩa vụ mà Hiến pháp năm 1946 đã đề ra, công dân còn có các nghĩa vụ: lao động (tuân theo kỷ luật lao động), bảo đảm trật tự công cộng, quy tắc sinh hoạt xã hội, tôn trọng và bảo vệ tài sản công, bởi đất nước giai đoạn này có thêm nhiệm vụ chiến lược mới là bắt tay vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Khi bước vào xã hội mới dân chủ nhân dân xây dựng pháp luật dân chủ, tự do và nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, Người yêu cầu việc xây dựng pháp luật cần chú ý giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân “giáo dục lại nhân dân”, cần phải khai mở tinh thần pháp luật cho nhân dân để “nhân dân biết hưởng quyền làm chủ, nhân dân biết dùng quyền dân chủ của mình”. Đây là một quan điểm quan trọng, mới mẻ và có ý nghĩa sâu sắc trong tư tưởng lập pháp của Hồ Chí Minh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư