-
VN-Index giảm phiên thứ tư liên tiếp, mất mốc 1.245 điểm -
Ông Donald Trump tái xuất Nhà Trắng: Thị trường hưng phấn và áp lực trong trung hạn -
Kích thích thanh khoản cho thị trường chứng khoán -
Quỹ đầu tư tìm cách “ăn chắc, mặc bền” -
BAF lại sắp tăng vốn, thâu tóm loạt công ty chăn nuôi
Chiều ngày 4/11 – ngay phiên giao dịch đầu tiên Thông tư số 68/2024/TT-BTC chính thức có hiệu lực, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có buổi làm việc và trao đổi thông tin với đoàn công tác của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell và Morgan Stanley - một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới. Cuộc trao đổi xoay xung quanh câu chuyện nâng hạng thị trường - mục tiêu mà Việt Nam đề ra sẽ phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Thông tư số 68/2024/TT-BTC ban hành cũng nhằm thúc đẩy chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn những tiêu chuẩn nâng hạng với hai nội dung chính, bao gồm cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền và đưa ra lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì buổi tiếp, làm việc và trao đổi thông tin với đoàn công tác của FTSE Russell và Morgan Stanley về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam |
Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý Việt Nam khi cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua và đến ngày T+2 mới phải thanh toán tiền, bà Wanming Du – Trưởng bộ phận chính sách chỉ số FTSE Russell khi đó khẳng định FTSE Russel sẽ tăng cường các cuộc trao đổi, làm việc với các bên liên quan tại Việt Nam để hỗ trợ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như chia sẻ thông tin, cách thức giao dịch của các khách hàng thuộc FTSE tại các thị trường mới nổi.
Ông Young Lee, Giám đốc Điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu khu vực Châu Á của Morgan Stanley, cho rằng việc bỏ quy định phải có đủ tiền khi đặt lệnh là yêu cầu quan trọng từ phía các nhà đầu tư và cần nhiều thời gian để sửa đổi cơ chế, chính sách nhưng đã được Việt Nam thực hiện chỉ trong một thời gian ngắn.
Bên cạnh những đánh giá tích cực từ những tổ chức lớn, số lượng tổ chức ngoại trực tiếp sử dụng sản phẩm cũng có những tín hiệu mừng trong những chu kỳ thanh toán đầu tiên. Theo bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), thống kê từ một ngân hàng lưu ký chiếm thị phần lớn cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam cho thấy tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh mua cổ phiếu khi không đủ tiền chiếm đến 60% trong ngay những phiên đầu tiên. Con số vượt kỳ vọng ban đầu khi cho rằng các tổ chức ngoại sẽ dành thêm thời gian quan sát trước khi trực tiếp trải nghiệm sản phẩm mới.
Tại SSI – một trong các công ty chứng khoán hoạt động mạnh trong mảng môi giới cho khách hàng tổ chức nước ngoài, sản phẩm non-prefunding (NPF) chính thức triển khai từ 4/11 và nhiều khách hàng đã sẵn sàng giao dịch. Theo ông Mai Hoàng Khánh Minh - Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức – Môi giới Khách hàng Tổ chức, hiện đã có rất nhiều khách hàng tổ chức nước ngoài đã ký thỏa thuận sử dụng sản phẩm NPF với SSI.
Trước đó, công ty đã ban hành các quy trình, chính sách nội bộ, bao gồm: quy trình giao dịch mua cổ phiếu NPF, chính sách quản trị rủi ro đối với các giao dịch NPF. Đồng thời, SSI cũng thành lập Tiểu ban quản lý giao dịch NPF để thực hiện các công viêc liên quan đến phê duyệt Quy trình, chính sách NPF, phê duyệt danh mục cổ phiếu NPF, phê duyệt các hạn mức hỗ trợ thanh toán cho các khách hàng tổ chức nước ngoài, giám sát việc triển khai và đánh giá hiệu quả giao dịch NPF. Tất cả khách hàng tổ chức của SSI đều được tư vấn và hiểu rõ về NPF cùng các quy định pháp lý có liên quan, cũng như quyền và nghĩa vụ khi tham gia sử dụng sản phẩm.
Dù vậy, trong tuần tiên đầu áp dụng Thông tư 68, giá trị giao dịch của khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng. Tính riêng tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh tới hơn 3.630 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, cổ phiếu MSN và VHM bị bán ròng mạnh nhất, với giá trị lần lượt là 765 tỷ và 732 tỷ đồng. Cổ phiếu CMG, SSI, VCB bị bán ròng trong khoảng 200-300 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, TCB và HPG là hai cổ phiếu hiếm hoi được mua ròng trên 100 tỷ đồng.
Đây thực tế cũng là một tuần diễn ra nhiều sự kiện tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu như bầu cử Tổng thống Mỹ và cuộc họp chính sách tháng 11 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Dù xuất hiện một phiên giao dịch hứng khơi sau khi đón nhận thông tin cựu Tổng thống Trump thắng cử, các chỉ số chứng khoán Việt Nam nhanh chóng quay đầu giảm. Còn chuỗi bán ròng của khối ngoại vẫn chưa ngưng nghỉ từ giữa tháng 10/2024 đến nay.
Đánh giá về tác động của Thông tư 68, ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng một số nhà quản lý quỹ sẽ tích cực gia tăng phân bổ cho Việt Nam do việc đầu tư trở nên hiệu quả hơn về chi phí. Tuy nhiên, nhóm trên khá nhỏ. Thông tư mới không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động phân bổ từ các quỹ đã đầu tư 100% vào Việt Nam mà ảnh hưởng chủ yếu đối với các quỹ khu vực hoặc các quỹ chuyên các thị trường cận biên và mới nổi toàn cầu có quan tâm đến Việt Nam.
Tuy vậy, ông kỳ vọng ảnh hưởng lớn hơn của thông tư mới là tác động gián tiếp đến khả năng tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Thông báo này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực.
Phía cơ quan quản lý thừa nhận việc xác định thời điểm cụ thể thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng là rất khó. Tuy nhiên, bà Tạ Thanh Bình - Tổng giám đốc VDSC cho rằng sẽ cần thêm thời gian để nhà đầu tư nước ngoài trải nghiệm các giải pháp mới. Bà cũng kỳ vọng FTSE sẽ có những đánh giá tích cực về những thay đổi của thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ review vào tháng 3/2025.
Đi cùng với tiện ích cho các tổ chức ngoại, thông tư mới tạo ra một số rủi ro cho các công ty chứng khoán trong trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không thực hiện thanh toán và phải đưa chứng khoán vào danh mục giao dịch của tự doanh. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 68 và Quyết định số 48/QĐ-HĐTV về việc ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSDC, chậm nhất 09h30 ngày T+2, thành viên lưu ký gửi VSDC văn bản thông báo đề nghị/ từ chối thanh toán và chuyển giao dịch thiếu tiền về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán nơi của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền đã đặt lệnh để bù trừ, thanh toán.
Chậm nhất vào ngày giao dịch liền kề sau ngày cổ phiếu được hạch toán vào tài khoản tự doanh, công ty chứng khoán được chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh của mình cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thiếu tiền thanh toán. Còn lại, sau các thời hạn trên, danh mục tự doanh của công ty chứng khoán sẽ chịu rủi ro biến động giá của cổ phiếu được chuyển về.
Thực tế trong những chu kỳ thanh toán đầu tiên khi Thông tư 68 có hiệu lực, đại diện VSDC cho biết nhiều tổ chức ngoại cũng có sự thận trọng nhất định đã lựa chọn thanh toán sớm ở ngày T+1. “VSDC đã đặt ra giả định cho những tình huống dự phòng và tập trung cao độ quan sát các giao dịch. Vẫn còn quá sớm để có thể nói bất kỳ điều gì nhưng cho đến hiện tại các giao dịch tương đối an toàn và trôi chảy, không có bất kỳ một sự cố nào xảy ra”, Tổng giám đốc VSDC cho hay.
Theo ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, hiện trên thị trường chỉ có một số ít công ty chứng khoán hoạt động mạnh trong mảng môi giới cho khách hàng tổ chức nước ngoài. Các công ty sẽ cần đầu tư đáng kể vào phát triển hệ thống, chính sách để đánh giá rủi ro và triển khai sản phẩm cho khách hàng, nhất là các công ty chứng khoán có ý định mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực này và chiếm lĩnh thị phần môi gới từ các nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện các biện pháp quản trị rủi ro.
Đối với VNDIRECT, công ty trước đây đã thực hiện KYC đối với khách hàng nước ngoài nhưng chưa đánh giá rủi ro đối tác. Để chuẩn bị cho sản phẩm mới, ông Barry Weisblatt David cho biết công ty tuân thủ hướng dẫn của VSD và Thông tư 68 để tiếp nhận khách hàng, triển khai dịch vụ theo yêu cầu; làm việc với các tổ chức tư vấn, thuộc nhóm kiểm toán Big4, để thiết lập đánh giá rủi ro đối tác cho từng khách hàng. Về nội bộ, công ty tận dụng năng lực công nghệ để nâng cao năng lực quản lý rủi ro và mang lại trải nghiệm thông suốt cho khách hàng trong quá trình giao dịch theo quy định mới.
Tại SSI, ông Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ cho biết đến nay công ty đã chuẩn bị về quy trình nghiệp vụ, con người, hệ thống, cơ chế quản trị rủi ro và nguồn vốn. Ngoài các quy trình, chính sách nội bộ để triển khai sản phẩm mới, SSI đào tạo thêm về nghiệp vụ đối với các nhân viên môi giới phục vụ nhóm khách hàng tổ chức nước ngoài. Bên cạnh đó, các bộ phận có liên quan như kiểm soát nghiệp vụ, quản trị rủi ro cũng được đào tạo.
Cùng đó, hệ thống giao dịch của SSI đã được cũng bổ sung chức năng mới với lệnh NPF, quản trị rủi ro đặc thù cho loại giao dịch này để có thể tự động hóa tối đa, tăng khả năng phục vụ khách hàng. Về nguồn vốn, SSI cũng chuẩn bị nguồn vốn để có hạn mức dành cho các lệnh NPF đáp ứng tối đa nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Hải, ở điểm này, SSI tự tin là một trong những công ty chứng khoán có quy mô vốn và tiềm lực tài chính lớn nhất trên thị trường và có đủ nguồn lực về vốn để đáp ứng yêu cầu đặt lệnh NPF của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Hải cho biết việc xác định hạn mức cho từng khách hàng cụ thể được thực hiện dựa trên bộ tiêu chí do SSI xây dựng. Bộ phận môi giới khách hàng tổ chức sẽ tiến hành thu thập thông tin từ khách hàng và đề xuất lên Tiểu ban quản lý giao dịch NPF hạn mức cấp đối với từng khách hàng dựa trên các tiêu chí như lịch sử giao dịch của khách hàng tại SSI, quy mô và uy tín của khách hàng tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu,... Tiểu ban quản lý giao dịch NPF sẽ xem xét và phê duyệt hạn mức cụ thể và hạn mức này sẽ được cấu hình để hệ thống giao dịch của SSI giám sát theo thời gian thực.
Thông tư 68 quy định hạn mức nhận lệnh mua cổ phiếu bằng tổng các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ; tiền gửi ngân hàng, công cụ nợ của Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi chưa được sử dụng để đảm bảo cho các nghĩa vụ tài chính; hạn mức thấu chi khả dụng; hạn mức bảo lãnh thanh toán được các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài cấp; tiền bán chứng khoán tự doanh chờ về; phải thu ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch; tiền của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức quy định…
Đồng thời, hạn mức sẽ không vượt quá hiệu số giữa 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán. Trong giai đoạn giao dịch thị trường bùng nổ vào năm 2020-2021, dư nợ cho vay margin ở nhiều công ty chứng khoán thậm chí đã tiến sát mức giới hạn khi gần bằng 2 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quy mô vốn chủ sở hữu các công ty đều đã tăng mạnh thông qua tích luỹ từ lợi nhuận và huy động thông qua phát hành cổ phần mới cho các cổ đông.
Quy mô vốn chủ sở hữu và giá trị các khoản cho vay ở các công ty chứng khoán top đầu tại ngày 30/9/2024 - Đơn vị: Tỷ đồng |
Làn sóng tăng vốn hơn 4 nâm qua cùng sự gia nhập của nhiều tân binh sau các thương vụ M&A, đổi chủ đã giúp nâng cao năng lực tài chính các công ty trong ngành chứng khoán. Tính riêng trong 9 tháng vừa qua, vốn chủ sở hữu của hơn 70 công ty chứng khoán đã tăng.
Một số công ty cũng sẽ hoàn tất tăng vốn ngay quý IV này như Chứng khoán Vietcap vừa phát hành riêng lẻ huy động tới 4.021 tỷ đồng; SSI đang phát hành thêm tối đa 453,3 triệu cổ phiếu, bao gồm 151,1 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Một số công ty đã lên kế hoạch hay chuẩn bị trình cổ đông phương án tăng vốn như SHS, HSC…
Hiệu số giữa 2 lần vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán - Đơn vị: Tỷ đồng |
Thông tư 68 quy định công ty chứng khoán không được tiếp tục thực hiện nghiệp vụ trên trong trường hợp vượt quá hạn mức đầu tư quy định, cho đến khi đáp ứng hạn mức đầu tư. Đồng thời, khi đã vi phạm, công ty chứng khoán cũng phải chịu phạt bằng việc áp dụng các biện pháp cần thiết trong thời hạn tối đa 1 năm để tuân thủ hạn mức đầu tư. Với các quy định chặt chẽ về hạn mức, sức mạnh vốn là lợi thế quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ mới này.
-
Cổ phiếu ngân hàng “hạ giá” sâu phiên 11/11, HPG và FPT chưa đủ “gánh” thị trường -
Cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng? -
Tuần đầu gỡ vướng pre-funding: Nhiều điểm sáng dù khối ngoại chưa dứt bán ròng -
Góc nhìn TTCK tuần 11-15/11: Kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.240 - 1.250 điểm -
Quỹ đầu tư tìm cách “ăn chắc, mặc bền” -
BAF lại sắp tăng vốn, thâu tóm loạt công ty chăn nuôi -
Lo ngại hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc
- Runway Vietnam tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu trang sức đương đại Vhernier tại Rex Hotel
- Vietnam Airlines mời thầu Gói thầu cho thuê ướt tàu bay giao tháng 1/2025
- Hải sản Hàn Quốc vươn tầm thế giới tại K-Seafood Global Weeks
- Thái Đào Residence - Tiềm năng bứt phá tại thủ phủ công nghiệp Bắc Giang
- Japfa đồng hành cùng người chăn nuôi phòng chống dịch bệnh
- PJICO kiên định với mục tiêu kinh doanh “an toàn, hiệu quả và bền vững”