Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tỷ giá biến động chỉ mang tính thời điểm
Thùy Vinh - 12/07/2018 09:29
 
Việc tỷ giá vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD đã được các chuyên gia kinh tế - tài chính lý giải là mang tính thời điểm và nhiều khả năng, tỷ giá USD trong năm 2018 chỉ tăng khoảng 2%.
TIN LIÊN QUAN

Không quá lo ngại về tỷ giá USD

Sau 5 tháng đầu năm ổn định, tỷ giá USD đã có biến động trong tháng 6/2018, chủ yếu do diễn biến của USD trên thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, mức mất giá của VND so với USD vẫn thấp hơn đáng kể so với đồng tiền của nhiều quốc gia trong khu vực và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ từ các hợp đồng mua kỳ hạn.

Đầu tháng 7, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD. Ảnh: Đức Thanh
Đầu tháng 7, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD. Ảnh: Đức Thanh

Nhìn chung, thời gian qua, tỷ giá được kiểm soát ổn định và NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Theo đó, NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng quy mô dự trữ ngoại hối khi có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý ổn định thị trường vàng theo Nghị định chính phủ về quản lý kinh doanh vàng, hạn chế tác động bất lợi của biến động giá vàng đến tỷ giá, thị trường tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN đẩy mạnh thực hiện lộ trình hạn chế đô-la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, trong đó có biện pháp kiểm soát nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ; rà soát, chỉnh sửa quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động FDI, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền đầu tư tại Việt Nam.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, nhiều khả năng, họ sẽ tăng lãi suất USD thêm 2 lần nữa trong năm 2018, lên mức 2,5%. Nếu diễn biến đúng như vậy, kinh tế Việt Nam sẽ chịu những tác động nhất định, như ảnh hưởng tới quy mô nợ xấu, khả năng vay nợ nước ngoài; ảnh hưởng đến dòng vốn cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, đẩy chi phí vay nợ quốc gia tăng...

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia tài chính, kinh tế nhận định: “Chúng ta cũng không quá lo ngại, vì chưa biết Fed sẽ hành động thế nào trong thời gian tới. Thông điệp đưa ra là tăng lãi suất 4 lần trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, lãi suất USD đã 2 lần tăng. Cũng có thể, Fed chỉ  tăng lãi suất USD 2 lần trong năm nay, do tăng trưởng kinh tế quý II/2018 của Mỹ có dấu hiệu chững lại”.

Tỷ giá sẽ tăng khoảng 2% cho cả năm

Theo TS. Võ Trí Thành, thị trường ngoại hối được điều hành linh hoạt, nếu cần thiết, sẽ có sự can thiệp. Tỷ giá năm nay được một số chuyên gia dự báo là tăng 3%, còn theo TS. Võ Trí Thành, mức tăng chỉ khoảng 2%.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nguồn kiều hối và vốn FDI đã cân đối được ngoại tệ, do vậy, không nên đưa ra thông điệp can thiệp thị trường ngoại hối khi tỷ giá tăng, bởi mâu thuẫn là phải ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Ông Bùi Quốc Dũng, trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương đưa ra nhận định, tỷ giá chỉ tăng 1,4% từ đầu năm 2018 đến nay, thay đổi không nhiều và được xem là bình thường, nhưng tâm lý của nhiều người có vẻ hoang mang khi tỷ giá vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD.

Theo ông Dũng, một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá tăng gần đây là do căng thẳng liên quan đến chiến tranh thương mại Trung - Mỹ khiến đồng nhân dân tệ giảm giá. Bên cạnh đó, việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài những ngày gần đây đã góp phần tác động lên tỷ giá. Ngoài ra, tỷ giá USD tăng còn có phần do lạm phát có dấu hiệu tăng nhẹ.

Tuy nhiên, tỷ giá tăng được ông Dũng đánh giá là chỉ mang tính chất thời điểm. Cung ngoại tệ vẫn dồi dào và khả năng tỷ giá trong thời gian tới sẽ ổn định. NHNN cũng đã khẳng định việc sẵn sàng bán ra ngoại tệ để can thiệp thị trường.

Ông Dũng cho rằng, tỷ giá khó có đột biến, do NHNN đã có chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định, trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng.

Thực tế, trong nửa đầu năm 2018, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với các hoạt động trung hòa luồng tiền ngoại tệ, đảm bảo tỷ giá ở mức cân bằng cả bên trong và bên ngoài, đồng thời vẫn mua được một lượng lớn ngoại tệ giúp dự trữ ngoại hối liên tục tăng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư