Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam “sống sót” rất cao
Mạnh Bôn - 28/12/2014 09:18
 
Năm 2014 có tới 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động,
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thời gian làm thủ tục thuế: Từ 537 giờ, còn 167 giờ/năm
Bước chuyển ở doanh nghiệp trì trệ bậc nhất ngành giao thông
Luật Doanh nghiệp 2014 trong mắt người thực thi
Doanh nghiệp nợ 71.000 tỷ đồng thuế trong năm 2014
Gần 490 nghìn doanh nghiệp khai thuế qua mạng

Mặc dù trong năm 2014 có tới 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động, nhưng theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thì tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam “sống sót” rất cao so với thế giới.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 vừa được tổ chức chiều nay (ngày 27/12) thì trong số 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động có 9.501 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 3,2% so với năm 2013.

“Điều đáng nói là trong số doanh nghiệp đã giải thể có tới 93,7% là doanh nghiệp nhỏ (vốn dưới 10 tỷ đồng) và 70% số doanh nghiệp này thuộc lĩnh vực dịch vụ có hàm lượng công nghệ thấp như bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch; cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các loại dịch vụ hỗ trợ khác”, ông Lâm thông tin thêm.

Vẫn theo người đứng đầu ngành thống kê, kể cả về số tuyệt đối lẫn số tương đối, so sánh với các nước trên thế giới, số doanh nghiệp Việt Nam rút ra khỏi thị trường không đáng lo ngại.

Cụ thể, tại Anh quốc, năm 2012 có 270.000 doanh nghiệp mới thành lập thì có tới 255.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm hoạt động tại Anh quốc là 70%. Còn tại Mỹ, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 hoạt động chỉ có 50%.

Tại New Zealand, từ năm 2010 đến năm 2013, số doanh nghiệp thành lập mới còn ít hơn số doanh nghiệp giải thể, phá sản. Trong khi đó, tại các nước thuộc khu vực EU, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ tương đương với số doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường. Thậm chí, năm 2009, số doanh nghiệp được “khai sinh” còn thấp hơn số doanh nghiệp bị “khai tử”; tỷ lệ doanh nghiệp “sống sót” sau 4 năm hoạt động tại 26 nước EU chỉ có 46%.

“Còn tại nước ta, trong số khoảng 800.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, hiện tại vẫn có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, tỷ lệ “sống sót” chiếm trên 60%. Hơn nữa, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa hết khó khăn, song năm nào số doanh nghiệp thành lập mới cũng nhiều hơn số giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, đóng cửa”, ông Lâm cho biết.

“Có thể thấy, việc sàng lọc, đào thải là một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Theo quy luật đào thải này, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng cao hơn. Ở góc độ nào đó, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động của doanh nghiệp còn giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở cho sự phát triển bền vững”, ông Lâm bình luận.

Trả lời câu hỏi của baodautu.vn liên quan đến việc Bộ Tài chính thắt chặt quản lý hóa đơn khiến nhiều doanh nghiệp được thành lập với mục đích in hóa đơn, buôn bán hóa đơn bất hơp pháp “hết đất sống” nên đã buộc phải giải thể, ngừng hoạt động, đóng cửa, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) thừa nhận có tình trạng này và ông gọi đây là doanh nghiệp “ma”.

“Doanh nghiệp “ma” là là doanh nghiệp được thành lập nhưng không có địa chỉ cụ thể, hoặc khi thành lập thì có địa chỉ (đi thuê) sau đó biến mất vì thành lập ra không phải để tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ để đủ điều kiện tham gia đấu thầu các dự án, đấu thầu cung cấp dịch với tư cách là “quân xanh, quân đỏ” trục lợi, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, thậm chí còn rút ruột ngân sách thông qua chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng… Sự “ra đi” của những doanh nghiệp này là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế”, ông Thúy nhấn mạnh và hy vọng ngành tài chính và các cơ quan chức năng tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh để loại khỏi thị trường đối với các doanh nghiệp thành lập ra không phải để sản xuất, kinh doanh.

Giải thích cụ thể hơn về tình trạng doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động, ông Thúy cho biết, một phần là do hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 vẫn chưa hết khó khăn; phần khác, doanh nghiệp nhỏ có vốn mỏng, trình độ quản lý thấp; công nghệ lạc hậu; kỹ năng, tay nghề của người lao động yếu… nên năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh yếu buộc phải rời khỏi thị trường.

“Tuyệt đại đa số doanh nghiệp rời khỏi thị trường là doanh nghiệp nhỏ, có thể nói là siêu nhỏ. Vì có quy mô nhỏ nên chủ doanh nghiệp dễ dàng trong việc đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động khi hoạt động gặp khó khăn để chuyển sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác có hiệu quả hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp tự tái cơ cấu, qua đó giúp nền kinh tế đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu”, ông Thúy nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư